Ngoại giao nhân dân Việt- Mỹ: Thành công từ những điều bình dị nhất
VOV.VN - Đó là sự cảm thông, thấu hiểu và mong muốn làm bạn của nhân dân hai nước bất chấp những khác biệt trong quá khứ.
Tại Hội thảo quốc tế với chủ đề "Quan hệ Việt Nam - Mỹ: 20 năm thành công hơn nữa" do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ (CSIS) và Trường Đại học Portland (Mỹ) đồng tổ chức, chủ đề ngoại giao nhân dân đã thu hút được sự quan tâm của các quan chức ngoại giao và học giả trong và ngoài nước.
Bên lề hội thảo này, phóng viên VOV.VN đã có cuộc phỏng vấn với GS. Marcus Ingle, người đã tham gia trực tiếp vào phiên thảo luận về chủ đề ngoại giao nhân dân và đã có những chia sẻ chân tình về mối quan hệ Việt - Mỹ và những điều mà nhân dân hai nước cần phải làm để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ này.
Bên cạnh đó, GS. Marcus Ingle cũng đã kể lại những câu chuyện cảm động về mối quan hệ thủy chung, son sắt của ông với những người bạn Việt Nam cũng như những hy vọng về một thế hệ người Mỹ mới mong muốn được đến Việt Nam để góp sức củng cố mối quan hệ giữa hai nước.
Xin giới thiệu với bạn đọc nội dung cuộc trao đổi của phóng viên VOV.VN với GS.Marcus Ingle.
PV: Năm nay chúng ta kỷ niệm 20 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Mỹ. Nhìn lại quãng đường 20 năm qua, theo GS, nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam đã làm được những gì để thúc đẩy mối quan hệ Việt- Mỹ?
GS. Marcus Ingle: Trong cảm nhận của tôi, người dân Việt Nam rất cởi mở và luôn hướng về những điều tốt đẹp nhất. Rất nhiều người Mỹ đến Việt Nam với suy nghĩ rằng người Việt Nam vẫn ghét họ vì cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra tại mảnh đất này.
Tuy nhiên khi đến Việt Nam, rất nhiều người Mỹ đều nhận ra rằng, người Việt Nam không chỉ lúc nào cũng nhìn lại quá khứ, ngược lại họ luôn nghĩ về một tương lai tốt đẹp hơn. Chính vì thế hai bên rất dễ xây dựng một mối quan hệ tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. Theo tôi đây chính là nền tảng để tiếp tục xây dựng mối quan hệ ngoại giao nhân dân Việt – Mỹ trong tương lai.
PV: GS có thể đưa ra những dẫn chứng về những cá nhân có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao nhân dân giữa hai nước trong thời gian qua?
GS. Marcus Ingle: Tôi có cơ hội làm việc với nhiều sinh viên Mỹ và rất nhiều người trong số họ cho biết sẵn sàng dành thời gian đến Việt Nam. Hiện đang có 2 sinh viên của tôi sống tại Việt Nam. Dù có thể kiếm được rất nhiều tiền ở Mỹ nhưng họ vẫn muốn đến Việt Nam để tìm hiểu về văn hóa và đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước của các bạn. Họ cũng nhận ra rằng họ học hỏi được rất nhiều từ Việt Nam.
Người Việt Nam rất khác với người Mỹ, ở Mỹ, chúng tôi luôn tin rằng, phải có người thắng, kẻ thua. Tuy nhiên, ở Việt Nam các bạn không nghĩ ai là người phải nhận thất bại cả. Các bạn luôn nghĩ rằng chúng ta đều giành chiến thắng. Người Mỹ cần phải học hỏi tinh thần này.
PV: Được biết vẫn còn nhiều người Mỹ chưa thực sự hiểu đúng về Việt Nam. Vậy theo GS, làm thế nào để người dân Mỹ có thể thay đổi quan điểm của họ?
GS. Marcus Ingle: Sẽ rất khó để thay đổi quan điểm của một ai đó. Theo tôi, điều quan trọng nhất để có thể khiến họ thay đổi chính là việc họ phải có được những trải nghiệm thực sự. Cái gì bạn nhìn thấy bạn có thể dễ dàng quên đi nhưng cái gì bạn trực tiếp làm thì bạn sẽ nhớ lâu hơn. Nếu bạn có những cảm nhận rõ rệt và có thể truyền đạt lại cho ai đó về cảm nhận của bạn thì bạn sẽ không bao giờ quên.
Nếu chúng ta cùng hợp tác với nhau, chúng ta sẽ luôn nhớ về nhau. Chỉ vừa hôm kia (25/1) tôi đã gọi cho một người bạn cũ của tôi ở Việt Nam, người đã ra sân bay đón tôi năm 1993 trong lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Qua điện thoại, bà ấy nói với tôi rằng: Marcus, tôi đã 60 tuổi rồi nhưng trong trái tim tôi vẫn luôn có bạn. Chúng ta sẽ làm bạn với nhau mãi mãi. Đó chính là cách sống chân tình của người Việt.
PV: Theo Giáo sư, cách sống của người Mỹ khác với người Việt Nam như thế nào?
GS. Marcus Ingle: Rất tiếc nước Mỹ ngày nay đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi đã từng có cách sống rất gần gũi như người Việt Nam nhưng trong 15 năm trở lại đây, khi cuộc sống hiện đại hơn, chúng tôi đã mất dần bản sắc văn hóa của mình. Chúng tôi mất đi sự tin tưởng lẫn nhau và trở nên ích kỷ hơn. Giờ chúng tôi trở nên khác biệt.
Một điều mà tôi luôn mong muốn được nhìn thấy và khuyên người Việt các bạn cần làm là không được để mất bản sắc văn hóa của mình. Bản sắc ấy thể hiện qua phong tục thờ cúng tổ tiên, là việc giữ phong tục đón Tết truyền thống. Các bạn phải gìn giữ nền văn hóa ấy bởi đó chính là sức mạnh của các bạn. Nếu các bạn để mất nó thì các bạn sẽ bị hòa tan trong dòng chảy văn hóa của cả thế giới. Các bạn cần cho thấy sự độc đáo của mình, bởi các bạn là người Việt và đó chính là sức mạnh để các bạn hướng tới tương lai.
PV: Theo GS, thời gian tới nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ cần làm gì để tiếp tục củng cố mối quan hệ Việt- Mỹ?
GS. Marcus Ingle: Hiển nhiên là chúng ta cần thúc đẩy thương mại và đầu tư và chúng ta cần phải cởi mở hơn trong vấn đề đàm phán để ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc đạt được những thỏa thuận về thương mại và đầu tư sẽ kéo theo sự phát triển về du lịch.
Chúng ta cần nhiều người Việt Nam đến Mỹ và nhiều người Mỹ đến Việt Nam để đến thăm phố cổ Hội An, thăm vịnh Hạ Long, thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là đến thăm khu phố cổ Hà Nội và đi vòng quanh Hồ Gươm. Hàng ngày tôi đều đi 2-3 vòng quanh Hồ Gươm và cảm giác đó thật là tuyệt vời./.