“Ngoại giao vaccine” là một khái niệm mới không chỉ với Việt Nam mà với cả thế giới, bởi đại dịch COVID-19 là chưa từng có trong tiền lệ và sự bùng phát của dịch bệnh trong năm 2021 với sự xuất hiện của biến thể Delta cũng là điều chưa từng có.

Ngoại giao vaccine trở thành một dấu ấn đậm nét của ngành ngoại giao nói riêng và của Việt Nam nói chung trong năm 2021, chứng tỏ uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mạng lưới quan hệ rộng mở với bạn bè khắp các châu lục.

Khoảng cuối tháng 4/2021 khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Việt Nam mới triển khai tiêm được 320.000 liều vaccine COVID-19. Nhưng chỉ 5 tháng sau đó, vào đầu tháng 10/2021, khi Chính phủ chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, Việt Nam đã tiêm được 47 triệu liều vaccine.

Đến nay, Việt Nam đã bao phủ vaccine mũi một cho tất cả dân số từ 18 tuổi; bao phủ 90% mũi hai. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi 12-17 được tiêm mũi một là 86%; mũi hai là 57%. Việt Nam cũng đang đặt mua vaccine để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Những con số ấn tượng này là minh chứng thực tế nhất cho thành công của ngoại giao vaccine. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine vào ngày 13/8/2021. Khi đó, có thể nói là thời điểm đỉnh dịch tại TP.HCM, với con số tử vong tăng cao.

Tình huống này đặt lên Tổ công tác sức ép vô cùng lớn.

Là người trực tiếp tham gia công tác ngoại giao vaccine, với hàng tháng trời nỗ lực thâu đêm suốt sáng, với những cảm xúc không thể quên trong cuộc đời làm ngoại giao, bà Nguyễn Minh Hằng, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho biết, Việt Nam thúc đẩy ngoại giao vaccine trong bối cảnh rất khó khăn. Và một trong những khó khăn thách thức rất lớn thời điểm đó là việc làm thế nào để lựa chọn, quyết định và đưa ra được chiến lược, chính sách về ngoại giao vaccine.

“Bởi vì đây là chiến dịch chưa từng có tiền lệ và mình không thể hình dung được việc phải đẩy mạnh ngoại giao vaccine vào thời điểm đó. Một trong những khó khăn khi ấy là quyết định để đưa ra chính sách về ngoại giao vaccine. Và khi đi vào triển khai thì chúng tôi càng gặp thêm nhiều khó khăn”, bà Nguyễn Minh Hằng nói.

Cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc từ những ngày đầu phòng, chống dịch. Trong đó, vaccine COVID-19 còn rất mới đã được tung ra thị trường không chỉ tồn tại những rủi ro mà còn là vấn đề nguồn cung. Thời điểm đó, nhu cầu vaccine trên thế giới được xác định là trên 10 tỷ liều, nhưng đến giữa năm 2021 mới có được trên 4 tỷ. Trong bối cảnh thiếu vaccine thì việc phân bổ và cách tiếp cận không hề đơn giản, và phải thừa nhận có sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine giữa các nước. Đó là những khó khăn khách quan đặt ra với Việt Nam.

Trong khi Việt Nam được đánh giá chống dịch tốt nên cũng không ở trong danh sách những nước được ưu tiên hỗ trợ vaccine đầu tiên…

“Việc tiếp cận với vaccine gặp nhiều khó khăn chủ yếu vì nguồn cung ứng vaccine còn hạn chế trong khi các nước phát triển sớm đã đặt hàng vaccine với số lượng lớn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhớ lại giai đoạn đầu tìm lời giải cho “Bài toán vaccine”.

Cũng có những thời điểm khó khăn khi Việt Nam mua lại vaccine của các nước. Có rất nhiều vấn đề đặt ra xung quanh, từ giá cả, đến phương thức, vận chuyển… Có những lúc tưởng chừng rất khó không thể giải quyết được. Trong bối cảnh vaccine có thời hạn nhất định, chúng ta không thể kéo dài quá trình đàm phán.

Đã có những Đại sứ phải rơi nước mắt khi cảm thấy quá bế tắc và không biết phải làm thế nào để đạt được kết quả mình mong muốn, bởi bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu cố gắng mà đàm phán không đạt được kết quả thì cảm thấy “có lỗi”...

Đến nay, khi nhìn lại kết quả thành công của ngoại giao vaccine, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh 2 điểm khó nhất, đó là khi xác định đẩy mạnh ngoại giao vaccine thì cách tiếp cận ra sao, đối tượng như thế nào, cách vận động sao cho hiệu quả, lập luận làm sao để chúng ta tiếp cận được nhiều nhất và nhanh nhất với nguồn vaccine. Cái khó thứ 2 cũng là áp lực rất lớn đặt ra đối với các Bộ, ngành trong triển khai công tác ngoại giao vaccine, trong triển khai chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước về vaccine chính là sức ép về thời gian, về khối lượng.

“Chúng ta bắt đầu triển khai ngoại giao vaccine vào thời điểm đầu tháng 6/2021, khi đó chúng ta có khoảng 2,6 triệu liều vaccine, nhưng đã có Nghị quyết của Chính phủ là 150 triệu liều vaccine. Dịch bệnh lúc đó đã bùng phát tương đối mạnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Như vậy, nhu cầu về số lượng vaccine đặt ra rất lớn. Đến tháng 8/2021, Việt Nam có khoảng 15-16 triệu liều vaccine. Do vậy sức ép lúc đó đặt ra rất lớn đối với ngoại giao vaccine là phải làm sao tiếp cận được nhanh nhất, sớm nhất, nhiều nhất có thể”, bà Hằng cho biết.

Với chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã tiếp cận bằng mọi cách trên tất cả các kênh, trong tất cả các cơ hội, tận dụng từng cơ hội, từng đối tác để thúc đẩy ngoại giao vaccine.

Trong giai đoạn vừa qua, quyết định quan trọng mang lại thành công cho ngoại giao vaccine là việc Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine ngày 13/8/2021.Có lẽ chưa có quyết định nào được triển khai nhanh như vậy. Chỉ trong 1 ngày sau khi Thủ tướng quyết định thành lập Tổ công tác, thì 5 Bộ ngành tham gia đã ký quyết định thành lập. Và ngay sau đó, Tổ công tác đã làm việc và ban hành quy chế làm việc.

“Chúng tôi đã làm việc với tinh thần thần tốc. Trong đó, sự hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế trong thời gian vừa qua là hết sức chặt chẽ trong ngoại giao vaccine”, bà Hằng cho hay.

Việt Nam đã tiếp cận và vận động, “có thể nói là, với hầu hết các nước, các đối tác chúng ta đã thiết lập quan hệ, đặc biệt là những đối tác chiến lược, toàn diện và đối tác có quan hệ kinh tế, thương mại lớn đối với Việt Nam”, theo đó, thúc đẩy các hoạt động, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, điện đàm cấp cao với các nước đối tác. Việt Nam cũng thông qua tất cả các kênh, song phương trực tiếp với các đối tác và đa phương tại các diễn đàn đa phương. Ngay từ đầu Việt Nam đã nhấn mạnh việc tiếp cận vaccine công bằng, nhấn mạnh việc COVAX phải tăng cường hỗ trợ, kêu gọi các nước đóng góp để COVAX có thêm nguồn vaccine hỗ trợ.

Với sự nỗ lực, phối hợp của tất cả các bộ ngành, và với những đối tác đã tiếp xúc, vận động, Việt Nam đều đạt được những kết quả đáng kể. Không một đối tác nào Việt Nam để vuột mất cơ hội để tiếp cận được nguồn vaccine.

“Cách tiếp cận của chúng ta cũng rất linh hoạt và điều chỉnh liên tục qua từng tháng rồi từng tuần. Với nguồn vaccine, với cơ hội nổi lên được thì chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận liên tục”.

“Chúng ta đã sử dụng tất cả những hình thức để tiếp cận được vaccine từ việc đề nghị các nước hỗ trợ, viện trợ cho Việt Nam, đến việc đề nghị cho “vay trước”, hay mua lại nguồn vaccine họ đã có nhưng chưa sử dụng ngay. Hoặc là hoán đổi vaccine mà họ chưa có nhu cầu sử dụng ngay để chuyển cho chúng ta dùng trước và sau đó chúng ta sẽ chuyển lại. Như vậy về tất cả mặt lý thuyết, với tất cả những cách có thể, chúng ta đã đều triển khai để tiếp cận và đưa vaccine về Việt Nam”, bà Nguyễn Minh Hằng chia sẻ cụ thể.

Khi dịch bùng phát cao điểm tại TP.HCM, số ca tử vong tăng cao, Tổ công tác về ngoại giao vaccine và các Đại sứ quán ở nước ngoài đã làm hết sức để đưa vaccine về. Mỗi liều vaccine về đến là nguồn động lực rất lớn. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc lúc ấy đã nói, nhiệm vụ ngoại giao vaccine là một “nhiệm vụ thiêng liêng” vì nó góp phần bảo vệ tính mạng của đồng bảo ở quê hương.

Đại sứ Hà Kim Ngọc đánh giá: “Kết quả ngoại giao vaccine thực sự là kết tinh tổng lực, quyết liệt từ các cấp, các ngành và từ trong đến ngoài nước. Quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân đã đem tới “quả ngọt” khi hàng trăm triệu liều vaccine được chuyển về Việt Nam trong vòng hơn bốn tháng”.

Cùng vào cuộc với cả hệ thống chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã luôn quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt trong triển khai chiến lược ngoại giao vaccine.

Thủ tướng Chính phủ đã điện đàm với Thủ tướng 16 nước; gửi thư, điện cho lãnh đạo 22 nước; điện đàm và gửi thư cho 10 tổ chức quốc tế để thúc đẩy ngoại giao vaccine. Thủ tướng Chính phủ cũng trực tiếp chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc.

Không chỉ ở kênh song phương, Việt Nam cũng đẩy mạnh ngoại giao vaccine ở kênh đa phương, kêu gọi cộng đồng quốc tế có những giải pháp đối với bất bình đẳng vaccine và khan hiếm vaccine. Việt Nam đã đóng góp 500.000 USD vào quỹ vaccine toàn cầu.

“Phải nhập khẩu được vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Khó khăn là khan hiếm trên toàn cầu, nhưng không vì khó khăn đó mà chúng ta ngồi im”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao tận dụng mọi kênh để tiếp cận nguồn vaccine.

Vừa qua, tại các Hội nghị tổng kết của Quốc hội, của Chính phủ đã đều đánh giá công tác ngoại giao vaccine được triển khai hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Trong năm 2021, chúng ta đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Độc lập, chủ quyền được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đối ngoại đạt thành tích rất quan trọng, nhất là ngoại giao vaccine giúp chúng ta “đi sau về trước” về tiêm chủng vaccine”.

Thành công của chiến lược vaccine là một yếu tố quyết định để Việt Nam kiểm soát dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế, phát triển và hội nhập trong giai đoạn “bình thường mới”.

Ngoại giao vaccine sẽ không chỉ dừng ở tiếp cận, nhập khẩu vaccine, Việt Nam đang thúc đẩy sâu hơn nữa, tích cực hơn nữa việc hợp tác chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine để phục vụ cho việc sản xuất lâu dài. Bởi “Đây là bài toán cơ bản để Việt Nam bảo đảm nguồn vaccine lâu dài và ổn định, đồng thời thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất vaccine trong nước”./.

Chủ Nhật, 06:14, 30/01/2022