Ngoài quy định nồng độ cồn bằng "0", cần kiểm tra độ tỉnh táo của tài xế
VOV.VN - Các chuyên gia cho rằng, bản chất những nhà làm luật cần hướng đến là kiểm tra độ tỉnh táo của người lái xe dưới ảnh hưởng của các chất có cồn, tránh gây ra các rủi ro về tai nạn giao thông.
Cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế là cần thiết
Trong văn bản tham gia giải trình một số nội dung mới của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới đây, Bộ Công an bảo lưu quy định nồng độ cồn bằng "0" khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trước đó, vào tháng 11/2023, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, quy định xử phạt tài xế có nồng độ cồn đã có nhiều ý kiến tranh luận. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp và nên thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt.
Một số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị cân nhắc việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe vì "quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam". Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.
Dự kiến dự luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.
Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), là đại diện cơ quan soạn thảo luật cho biết, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được xây dựng với quan điểm bảo vệ tính mạng của người tham gia giao thông là trên hết. Quy định này nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông và thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Theo Tướng Phạm Công Nguyên, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia thường bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm thần và thể chất, ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông; đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn. Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể, chứng minh được hiệu quả của quy định trên trong thực tế.
Theo đại diện Bộ Công an, việc sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó hiện các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc với người lái xe có nồng độ cồn. Trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay thực sự rất cần quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe.
Bên cạnh đó theo khảo sát của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (đứng thứ 2 trong Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu bia). Đây là tỉ lệ rất đáng báo động.
Rượu bia là một trong những nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng rượu bia đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Trong đó hơn 50% các vụ án giết người; gây rối trật tự công cộng; hiếp dâm; vi phạm quy định về lái xe, người phạm tội trước khi gây án có sử dụng rượu bia, hơn 30% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có liên quan đến sử dụng rượu bia. Do đó việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể bị ép uống. Ngoài ra đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp uống rượu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước uống rượu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe.
“Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua. Chưa kể ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó xã hội rất cần sự nghiêm khắc", đại diện Bộ Công an nêu rõ.
Ở góc độ chuyên gia, ông Lê Quang Hoàn - chuyên gia xã hội học cho rằng: "Việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng chức năng thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống xã hội. Lựa chọn đúng và trúng đã giúp giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Bảo vệ thế hệ tương lai của chúng ta. Thúc đẩy người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, hạn chế hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Du khách sẽ cảm thấy an tâm hơn khi du lịch tại một quốc gia có luật lệ giao thông nghiêm minh và an toàn. Từ đó, văn hóa giao thông được nâng lên, giao thông văn minh giúp chúng ta hội nhập quốc tế nhanh hơn. Từ đó, bạn bè quốc tế sẽ đánh giá cao và đầu tư của nước ngoài sẽ nhiều hơn và an tâm hơn khi Việt Nam là đất nước có văn hoá giao thông đã nâng cao".
"Trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia và lợi ích của việc chấp hành luật giao thông. Hỗ trợ du khách di chuyển an toàn mà không cần lái xe sau khi sử dụng rượu bia, ví dụ như dịch vụ gọi xe, taxi, xe buýt. Ngành sản xuất rượu bia cần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các loại đồ uống có cồn ít hoặc không cồn", ông Lê Quang Hoàn cho biết thêm.
Cần thêm biện pháp kiểm tra độ tỉnh táo của tài xế
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ quy định nồng độ cồn bằng “0”, cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định nồng độ cồn bằng "0" là "đúng nhưng chưa đủ", cần cân nhắc kĩ lưỡng và nghiên cứu các cơ sở khoa học, đồng thời tham khảo thêm các mô hình trên thế giới.
GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp của Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: "Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới đưa ra ngưỡng xử lý vi phạm nồng độ cồn, trong đó có giới hạn nhất định. Bản thân con người trong cơ thể vẫn có nồng độ cồn nhất định, vì vậy đề xuất mức tuyệt đối theo tôi là cần cân nhắc kỹ".
Theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, trước khi đề xuất, đơn vị soạn thảo cần phân tích kỹ lưỡng những ưu, nhược điểm của chính sách hiện hành. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Xem xét chính sách hiện hành có yếu điểm hạn chế là gì, có cần thiết đề xuất thay đổi không? Vì sao phải thay đổi? Cân nhắc việc đề xuất thay đổi có được và mất gì so với hiện tại?.
Còn TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Hiện nay, chúng ta mới chỉ bàn về mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn. Cái đó đúng nhưng chưa đủ. Một số người có uống bia rượu, nhưng nồng độ cồn không cao. Cũng có người không có nồng độ cồn trong cơ thể nhưng lại không đủ tỉnh táo khi điều khiển phương tiện. Vì vậy, thế giới đưa ra khái niệm DUI, DWI và độ tỉnh táo. Chúng ta đang tranh cãi về mức giới hạn xử phạt tài xế vi phạm nồng độ cồn bằng hoặc hơn "0". Nhưng đó mới chỉ là định lượng, thiếu đi định tính. Bản chất vẫn là kiểm tra độ tỉnh táo của tài xế. Vì vậy, ngưỡng "0" hay lớn hơn "0" mới dừng lại định lượng, phải thêm quy định về độ tỉnh táo".
Theo TS Nguyễn Hữu Đức, hiện nay, để phát hiện vi phạm liên quan đến rượu bia, lực lượng chức năng ở Việt Nam chủ yếu, chỉ dùng dụng cụ đo nồng độ cồn. Các dụng cụ này có những hạn chế nhất định do chúng khá tốn kém và có yêu cầu bảo quản cao. Để khắc phục bất cập này, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các bài kiểm tra độ tỉnh táo.
"Suy cho cùng, bản chất là nhằm kiểm tra độ tỉnh táo của người lái xe dưới ảnh hưởng của các chất có cồn để có thể tránh gây ra các rủi ro về tai nạn giao thông (TNGT). Như vậy, điều quan trọng là mức độ tỉnh táo của người lái xe có đủ bảo đảm điều khiển phương tiện được an toàn không, còn nồng độ cồn từ rượu bia chỉ là các tác nhân làm ảnh hưởng xấu đến sự tỉnh táo này. Do đó, cách tiếp cận qua độ tỉnh táo rõ ràng là trực tiếp hơn. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có những bài kiểm tra độ tỉnh táo của người điều khiển phương tiện. Đây là những bài kiểm tra có thể thực hiện được trong những điều kiện rất đơn giản, không cần thiết bị gì phức tạp, có thể tổ chức thực hiện dễ dàng hầu như mọi nơi mà hiệu quả lại cao. Các bài này giúp cảnh sát xác định xem người lái xe có đang chịu ảnh hưởng của nồng độ cồn cao hơn mức cho phép, hoặc có chịu ảnh hưởng của chất gây nghiện hay không. Đây là một trong những giải pháp dễ dàng, đơn giản, hiệu quả, không tốn kém, không cần dụng cụ gì phức tạp và có thể thực hiện ở hầu như mọi lúc, mọi nơi. Do vậy, đây là một trong những cách tiếp cận đáng được xem xét nghiên cứu để đưa vào ứng dụng rộng rãi ở nước ta”, TS Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định, các bài kiểm tra độ tỉnh táo, nếu được áp dụng ở Việt Nam rõ ràng sẽ góp phần thúc đẩy công tác phòng chống vi phạm nồng độ cồn lên một bước mới. Cho phép lực lượng chức năng có thể tiến hành kiểm soát vi phạm bất cứ lúc nào chứ không cần phải trong chuyên đề, chiến dịch nữa. Cũng cho phép các doanh nghiệp vận tải tự kiểm tra lái xe của mình trước khi lăn bánh. Điều kiện thực thi đơn giản, tác dụng ngăn ngừa, răn đe rất cao là những yếu tố thúc đẩy việc áp dụng này.