Phòng, chống HIV/AIDS nhìn từ vai trò của các tổ chức cộng đồng

“Ngôi nhà” gắn kết những người nhiễm HIV

VOV.VN -Đến với nhóm tự lực, người nhiễm HIV/AIDS nhận được nhiều sự giúp đỡ và thấy mình như “từ cõi chết trở về”, sống có ích cho xã hội.

LTS: Luật Phòng, chống HIV/AIDS được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2007, có rất nhiều quy định liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho một số đối tượng ưu tiên như: tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai; điều trị ARV miễn phí cho các đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai, người có công, gia đình chính sách; điều trị phơi nhiễm miễn phí cho cán bộ y tế, lực lượng vũ trang bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp…    

Hiện nay, dựa nguồn viện trợ quốc tế nên hầu hết các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đều được miễn phí. Tuy nhiên Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn về tính bền vững khi phần lớn nguồn lực cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là thuốc ARV, là từ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế; trong khi các nhà tài trợ đã có kế hoạch cắt giảm nguồn tài trợ vì nước ta đang là nước thu nhập trung bình.

Việc thực hiện các chính sách về phòng, chống HIV/AIDS rất cần có nguồn kinh phí để thực hiện đầy đủ các chính sách theo quy định trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, sự vào cuộc tích cực từ phía các tổ chức cộng động góp phần quan trọng bảo đảm nguồn lực này. Vậy, các tổ chức xã hội ở đâu, có vai trò gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS? Các tổ chức này cần được nhìn nhận và đánh giá, hỗ trợ như thế nào để nước ta hoàn thành mục tiêu Chiến lược quốc gia?

Phóng viên VOV.VN giới thiệu loạt bài về chủ đề này.

Bài 1: "Ngôi nhà" gắn kết những người nhiễm HIV 

Nhóm tự lực - “ngôi nhà” những người nhiễm HIV

Câu lạc bộ Tình Thương bản Noong Nhai 2 (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được thành lập từ năm 2003 với 28 thành viên ban đầu, chủ yếu là người nhiễm HIV và người thân của người nhiễm HIV. Hàng tháng nhóm sinh hoạt định kỳ một lần với các nội dung về kiến thức HIV, tài liệu tham khảo là các tạp chí, tập san về HIV/AIDS. Chị Hoàng Thị Biên, nhóm trưởng và chị Vì Thị Xiên, nhóm phó nhờ được tập huấn các phương pháp, kỹ năng tổ chức sinh hoạt nhóm nên năng lực đã được nâng lên, được các thành viên giúp đỡ, tin tưởng.

Tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS của một nhóm tự lực

Năm 2011, chị Xiên còn được dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Đến nay, nhóm Tình Thương vẫn duy trì sinh hoạt có hiệu quả, mặc dù không còn sự hỗ trợ của dự án. Theo chị Xiên, thành lập được câu lạc bộ không phải dễ dàng, vì thế chị sẽ cố gắng duy trì bằng cách lồng ghép với các hoạt động khác, vì nếu không tăng cường tuyên truyền tác hại của căn bệnh thế kỷ, hậu quả của nó sẽ rất khôn lường, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Nếu nhận thức đầy đủ và được sử dụng thuốc làm chậm sự phát triển của bệnh (ARV), người nhiễm HIV có thể kéo dài sự sống được hàng chục năm.

“Những năm qua, chúng tôi được gặp gỡ bạn bè khắp nơi đến để trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý nhóm. Đây là động lực thúc đẩy để chúng tôi thực hiện tốt trong những năm tiếp theo, góp phần cùng xã hội đẩy lùi đại dịch thế kỷ HIV/AIDS. Mong muốn của chúng tôi không chỉ là cố gắng duy trì mà còn kết nạp thêm nhiều thành viên vào nhóm cùng sinh hoạt” – chị Xiên nói.

Anh Nguyễn Phú Quý là thành viên nòng cốt, nhân viên chăm sóc của nhóm tự lực Thân Thiện tại xã Tân Phước, huyện Tân Thành (Bà Rịa – Vũng Tàu). Thời thanh niên, Quý đã từng sử dụng ma túy. Khi sức khỏe suy sụp, Quý đi khám sức khỏe thì mới biết mình bị nhiễm HIV. Điều may mắn khiến anh được “hồi sinh” đó là vợ và đứa con gái nhỏ 6 tuổi của anh hoàn toàn khỏe mạnh. Biết mình sức khỏe yếu, năm 2010, Quý mở xưởng sản xuất đá tại nhà. Đến tháng 12/2012, anh được vay số vốn 10 triệu đồng từ Quỹ quay vòng của Mạng lưới tự lực huyện Tân Thành trong khuôn khổ Tiểu dự án thành phần COHEH - Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS. Với số tiền này, Quý có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Hiện tại, cơ sở của anh đã giúp tạo điều kiện cho nhiều người dân địa phương, trong đó có 2 thành viên là người sau cai nghiện ma túy. Bên cạnh đó, Quý là thành viên tích cực và nòng cốt của nhóm Thân Thiện, một nhóm tự lực của người nhiễm HIV tại xã Tân Phước ngay từ những ngày đầu thành lập (tháng 11/2011). Hiện Quý đang chăm sóc và hỗ trợ tại nhà cho 21 người nhiễm HIV và 14 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Vợ anh, chị Võ Thị Kim Liên, cũng tham gia tích cực với vai trò là Trưởng nhóm và là tiếp cận viên của nhóm Đoàn Kết – một nhóm tự lực của bạn tình âm tính của người nhiễm HIV và người nghiện chích ma túy.

Nguyễn Phú Quý chia sẻ: “Công việc cộng đồng đã giúp tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Vợ chồng tôi thấy hài lòng với công việc của mình và mong muốn tạo thêm việc làm cho những người cùng cảnh ngộ khác trên địa bàn”.

Một nhóm trong Dự án thành phần của VUSTA hoạt động tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS

Hiệu quả từ mô hình nhóm tự lực

Chị Hà Thị Quyên, Trưởng ban điều hành Mạng lưới các nhóm tự lực tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, mạng lưới tại Bắc Kạn được thành lập từ tháng 12/2007, với 11 thành viên ban đầu. Đến nay đã thu hút được trên 550 thành viên nòng cốt trên toàn tỉnh. Mạng lưới có kế hoạch phát triển thành một Mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS lớn mạnh nhằm tăng cường mối liên kết, chăm sóc người nhiễm HIV tại cộng đồng, chung tay thực hiện các hoạt động phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Với mục đích “nâng cao chất lượng cuộc sống cho các thành viên thuộc Mạng lưới, từ ổn định cuộc sống, các thành viên sẽ chung tay xây dựng Mạng lưới ngày càng phát triển”, Mạng lưới đã kết nối với các cơ sở y tế; Hội Liên hiệp Phụ nữ; chính quyền địa phương; Liên đoàn Lao động, Hội Doanh nhân trẻ, Trung tâm trợ giúp pháp lý; các chương trình, dự án, tổ chức phi chính phủ… Sau hơn 6 năm hoạt động, đến nay Mạng lưới đã trở nên lớn mạnh với 11 nhóm, 6 mô hình sinh kế, 3 tổ tín dụng cộng đồng…

Chị Hà Thị Quyên cho biết, rất nhiều thành viên là người nhiễm HIV “từ cõi chết trở về” đến với Mạng lưới với phương châm sống “Mỗi ngày là một niềm vui” nên họ rất quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, làm chủ cuộc sống và lấy bản thân làm gương cho cộng đồng trong việc phòng, chống HIV/AIDS.

CLB đồng tính nam thị xã Chí Linh (Hải Dương) trong một chương trình tuyên truyền

Tuy nhiên, điều mà những thành viên tích cực của mạng lưới, nhóm tự lực băn khoăn, trăn trở đó là rất cần có tài trợ kinh phí từ các tổ chức, dự án để duy trì hoạt động. Anh Vương Kiến Thành, Trưởng nhóm Cuộc Sống Mới TP HCM chia sẻ: “Mỗi gia đình được hỗ trợ để làm ăn khấm khá hơn, ổn định cuộc sống, yên tâm điều trị bệnh chính là niềm vui của các thành viên trong nhóm. Nhưng hiện nay, người nhiễm HIV đa phần thuộc các gia đình gặp khó khăn nên nhóm rất mong có sự hỗ trợ từ các ban ngành, cơ quan chức năng như: miễn giảm phí điều trị cho người nhiễm HIV; tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; với trẻ em nhiễm HIV cần có chính sách miễn giảm học phí để giảm thiệt thòi cho các em…”.

Bác sĩ Hoàng Thị Xuân Lan, Giám đốc Trung tâm Nâng cao Chất lượng cuộc sống (LIFE) khẳng định: Sự tham gia của các tổ chức xã hội vào công cuộc phòng chống HIV là phù hợp với chủ trương xã hội hóa và huy động trong phòng, chống HIV của Đảng và Chính phủ, được khuyến khích trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS cũng như Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; được các tổ chức trong nước và quốc tế xem như một bước tiến quan trọng, là cơ hội cho sự phát triển.

Vậy, đóng góp của các tổ chức xã hội, phi chính phủ Việt Nam trong việc dựa vào cộng đồng triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như thế nào? Vướng mắc cần tháo gỡ của các tổ chức này là gì? Trong bài 2, phóng viên VOV.VN sẽ đề cập vấn đề này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV
Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV

VOV.VN -Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi đầu tư hiệu quả hơn cho phòng, chống AIDS để tăng tốc tiến tới mục tiêu “ba không”.

Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV

Việt Nam có những tiến bộ đáng kể trong phòng, chống HIV

VOV.VN -Liên Hợp Quốc tại Việt Nam kêu gọi đầu tư hiệu quả hơn cho phòng, chống AIDS để tăng tốc tiến tới mục tiêu “ba không”.

Gian nan con đường hòa nhập cộng đồng của trẻ nhiễm HIV
Gian nan con đường hòa nhập cộng đồng của trẻ nhiễm HIV

VOV.VN -Trẻ nhiễm HIV được công khai tại cộng đồng khi đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi còn sự kỳ thị từ phía các bậc phụ huynh.

Gian nan con đường hòa nhập cộng đồng của trẻ nhiễm HIV

Gian nan con đường hòa nhập cộng đồng của trẻ nhiễm HIV

VOV.VN -Trẻ nhiễm HIV được công khai tại cộng đồng khi đến trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bởi còn sự kỳ thị từ phía các bậc phụ huynh.

Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS
Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS

VOV.VN -Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần tăng cường trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.

Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS

Trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS

VOV.VN -Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần tăng cường trao quyền cho các tổ chức cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV.