Ngôi nhà thắp lên hy vọng của trẻ nhiễm H

(VOV) -Tình yêu thương, sự quan tâm là điều mà Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân đã giúp các trẻ em nhiễm H vươn lên bệnh tật...

Nằm trong một con ngõ nhỏ cách quốc lộ 1K không xa, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Thủ Đức, TP HCM) được biết đến như ngôi nhà của các trẻ em nhiễm H. Không quá rộng lớn, nhưng nơi đây lại tràn ngập tình yêu thương của những “người mẹ” không quản vất vả hay thậm chí cả “nguy hiểm” để đem đến cho các “con” những phút giây hạnh phúc.

Làm thầy và làm mẹ các em nhiễm H

Đã 9 năm từ khi nhận quyết định nghỉ hưu, cô giáo Phạm Thị Hoa, nguyên giáo viên trường Tiểu học Xuân Hợp (phường Linh Trung, quận Thủ Đức – thành phố Hồ Chí Minh) tình nguyện về dạy cho các cháu nhiễm HIV tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân, quận Thủ Đức (sau đây gọi tắt là Trung tâm). Đều đặn các buổi chiều, cô Hoa cần mẫn, tận tình chỉ dạy từng nét chữ, đến lời ăn tiếng nói cho các cháu lớp 1 và 2 mà không đòi hỏi bất cứ đồng thù lao nào. Cô Hoa cho rằng, khi sức khoẻ vẫn còn, cùng với ngọn lửa đam mê nghề “gõ đầu trẻ” chưa tắt, cô sẽ còn cống hiến, nhất là khi được đứng trên bục giảng truyền đạt từng con chữ cho các em thiệt thòi, cũng như được chia sẻ những mất mát với các em.

“Khi vào đây dạy, tôi thấy thương các con vô cùng, bởi các con có hoàn cảnh rất bất hạnh khi mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Đây chính là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với bảng đen phấn trắng. Dẫu biết rằng chúng tôi ở đây có chăm sóc, yêu thương các con bao nhiêu cũng không thể bù đắp những nỗi đau mà chúng đang và sẽ phải trải qua”, cô Hoa chia sẻ.


Cô giáo Phạm Thị Hoa, nguyên giáo viên trường Tiểu học Xuân Hợp


Với chị Phạm Thị Bé, Trưởng phòng Quản lý giáo dục của Trung tâm, người đã gắn bó với các cháu nhiễm HIV từ 10 năm nay, thì chính tình yêu thương, sự đồng cảm với các em đã giúp chị gắn bó với nghề giáo đặc thù này, bởi bản thân chị cũng chịu thiệt thòi từ nhỏ khi mồ côi cả cha lẫn mẹ. Chồng chị cũng là nhân viên công tác tại Trung tâm, thế nên anh cũng hiểu và luôn chia sẻ công việc với chị.

Đến Trung tâm, ai cũng rơi nước mắt khi gặp bé Nguyễn Thị Cẩm Tiên. Bé bị bỏ rơi tại cổng Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh tháng 2/2009. Bé không còn cha mẹ, họ hàng thân thiết, bị nhiễm HIV và hai mắt không không còn nhìn thấy ánh mặt trời. Thế nhưng sau 2 năm được nuôi dưỡng tại Trung tâm, giờ bé đã trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn.


Nhiều em nhỏ được các “mẹ” ở Trung tâm chăm sóc từ khi mới lọt lòng


Rồi cậu bé Phan Thanh Tâm có đôi mắt tròn xoe đen láy và lanh lợi, rất thích được chụp hình khi chúng tôi đến thăm. Không ai hình dung được, trước khi được đưa về đây, cháu bị suy dinh dưỡng nặng, sức đề kháng rất yếu, tưởng chừng không thể chống chọi lại được với bệnh tật. Song chính tình yêu thương của các cô bảo mẫu, những “chuyên gia” chăm sóc người nhiễm HIV của Trung tâm đã cứu các cháu thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.

Tuy nhiên, Cẩm Tiên và Thanh Tâm chỉ là 2 trong số hơn 100 cháu nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại đây. Nhìn những gương mặt ngây thơ, hồn nhiên, đồng thanh “Con chào quý khách”, khi chúng tôi tới thăm; những nụ cười rạng rỡ, cùng đùa vui với các cháu của các “mẹ hiền” tại đây, chúng tôi cảm nhận rằng, sự sống của các cháu chính là quả ngọt vô giá mà các chị gặt hái được trong sự nghiệp trồng người.

Gập ghềnh con đường đến trường

Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi cháu một hoàn cảnh, song đều mang trong mình virus HIV. Hầu hết các cháu khi tiếp nhận vào đây đều bị suy dinh dưỡng nặng, viên gan siêu vi B-C, lao, nhiễm trùng da, có cháu bị người thân mang vứt bỏ ngoài cổng Trung tâm và được các nhân viên cho nhập “ngôi nhà chung” khẩn cấp để chăm sóc và điều trị.

Hầu hết các em có độ tuổi lớn đều biết mình bị nhiễm HIV, thế nên có em tỏ ra tự ti, chán nản, thậm chí “sốc”. Tuy nhiên, khi về Trung tâm, các em được các nhân viên, cán bộ, giáo viên gần gũi, chia sẻ, giúp nhanh chóng hoà nhập với tập thể và được tham gia các hoạt động ngoại khoá. Bên cạnh đó, các em được chăm sóc, điều trị đúng phác đồ và tư vấn về các biện pháp tránh lây nhiễm. Vì thế, từ năm 2009 đến nay, không có trường hợp nào tử vong do AISD.


Bà Nguyễn Thị Kim Tiên, Giám đốc Trung tâm


Đến Trung tâm vào một chiều muộn, chúng tôi bắt gặp từng tốp học sinh mang đồng phục đạp xe đi học về. Đây là những em mồ côi nhiễm HIV, được may mắn cắp sách đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Thế nhưng để có được như ngày hôm nay, lãnh đạo, nhân viên, giáo viên Trung tâm cùng với các em nhiễm HIV đã phải tốn bao công sức, nước mắt, thậm chí phải dùng “mưu kế”, “bày binh bố trận” để đạt được mục đích cuối cùng là nhà trường và xã hội hãy cho các em quyền được đi học.

Giám đốc Kim Tiên kể: Cách đây 3 năm, Trung tâm là nơi đầu tiên đưa trẻ nhiễm HIV ra học phổ thông với các bạn ngoài cộng đồng, khi các em bước vào lớp 4. Trung tâm đã chuẩn bị rất kỹ như tập huấn cho các em biết cách phòng, tránh lây bệnh cho người khác, xử lý tình huống nếu lỡ có chuyện không mong muốn xảy ra. Sau đó, làm việc cùng với nhà trường để họ hiểu và chia sẻ với các em, cũng như “bảo mật” thông tin, tránh các em bị kỳ thị.

Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 4.000 trẻ em nhiễm HIV, trong đó, gần 2.000 em đang được điều trị ARV. Thế nhưng, khoảng 2/3 số trẻ đó không được đến trường bởi sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người có HIV trong cộng đồng.

“Trung tâm muốn đưa các em đến trường học bình thường để hòa nhập cộng đồng, tiếp cận với chương trình giáo dục chung, để các em không bị thiệt thòi cũng như mở rộng cánh cửa vào đời. Tuy nhiên, ban đầu việc vận động các trường bên ngoài chấp nhận các em là hết sức khó khăn, có lúc tưởng chừng thất bại. Trung tâm phải chuẩn bị tâm lý để nhà trường an tâm và lường hết các biện pháp bảo đảm an toàn cho các bé và bạn bè trong trường”, bà Kim Tiên nói.

Chị Phạm Thị Bé, Trưởng phòng Quản lý giáo dục của Trung tâm kể cho chúng tôi nghe về “hành trình” giúp các em được đi học: Ban đầu, Trung tâm phối hợp với nhà trường, chính quyền địa phương phải giữ kín hồ sơ về các em nhiễm HIV, tránh tâm lý hoang mang cho các em bình thường khác. Trong trường hợp các em cùng lớp phát hiện bạn mình sống ở Trung tâm, các em nhiễm HIV sẽ nói rằng, có người thân làm trong đó và vào chơi. Các em cũng phải vờ “đóng kịch” là có bố, mẹ làm việc ở đâu đó trong quận để bạn cùng lớp không nghi ngờ. Trung tâm liên tục cắt cử các cô bảo mẫu đóng vai trò là người mẹ đưa đón các em, qua đó nghe ngóng dư luận và phản ứng của các phụ huynh, sau đó báo lại Ban Giám đốc để có hướng xử lý.


Chị Phạm Thị Bé, Trưởng phòng Quản lý giáo dục của Trung tâm


“Đã có trường hợp phụ huynh biết là con mình “đang ngồi chung lớp với đứa nhiễm HIV”, liền đến Trung tâm và nhà trường phản ánh, nhất quyết đòi chuyển lớp cho con. Sau này, được sự tư vấn của nhà trường và từ phía Trung tâm, cùng với sự nỗ lực của các em nhiễm HIV, các bậc phụ huynh giờ đã rất an tâm và đều mong muốn các em nhỏ thiệt thòi được hưởng quyền bình đẳng như con họ”, chị Bé tâm sự.

Điểm sáng về giúp trẻ nhiễm H hòa nhập cộng đồng

Điều chị Bé cũng như các cô giáo ở đây luôn trăn trở là làm sao để xã hội bớt đi sự kỳ thị đối với các em nhiễm HIV; giúp các em có môi trường tốt nhất để phát triển toàn diện, cũng như được xã hội đón nhận khi các em trưởng thành. Thế nên, bằng tình thương yêu với trẻ nhiễm HIV, chị lặn lội đi thuyết phục các trường phổ thông trên địa bàn, phối hợp cùng Trung tâm để giúp các cháu được tiếp tục học, sau khi kết thúc lớp 3 tại Trung tâm. Chị cũng luôn tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp giáo dục, tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ nhiễm HIV.


Tình yêu của các “mẹ” đã giúp các em vượt lên bênh tật và sống vui vẻ như bao trẻ thơ khác.

67 cán bộ, giáo viên, hộ lý đang công tác tại Trung tâm vừa là thầy, vừa là cha mẹ của các cháu. Họ thay phiên nhau làm việc 24/24 giờ, không ngại nguy cơ lây nhiễm. Tận mắt chứng kiến các cô giáo, các chị bảo mẫu chăm sóc trẻ nhiễm HIV, chúng tôi không khỏi xúc động và cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của các cô, các chị dành cho những đứa trẻ đang ở tận cùng của nỗi đau.

Hiện Trung tâm có có 26 cháu đang theo học tại các trường Tiểu học Xuân Hiệp và THCS Xuân Trường (phường Linh Xuân, Thủ Đức). Điều đáng mừng là tất cả các em đều là học sinh khá và giỏi, có em còn làm cán bộ lớp; đáng chú ý có 6 em đang theo học lớp 8 và các em tham gia các hoạt động của lớp rất năng nổ và học giỏi. Tiếp xúc với chúng tôi, em H.D, đang học lớp 6 vui vẻ cho biết: “Chúng em chơi với các bạn cùng lớp rất thân, hầu như không có phân biệt gì cả. Trước khi đến trường, chúng em đã được các cô ở Trung tâm tập huấn kỹ lưỡng, tư vấn xử lý các tình huống xảy ra. Hiện em có rất nhiều bạn ở bên ngoài, cứ dịp sinh nhật hay ngày lễ, các bạn lại vào Trung tâm để vui cùng”.

Ước mơ được đến trường của trẻ nhiễm HIV là chính đáng. Bản thân các em không có lỗi khi phải mang trong mình virus của căn bệnh thế kỷ do bố mẹ truyền sang. Thiết nghĩ, để giúp trẻ nhiễm HIV có cơ hội tiếp tục học tập hòa nhập, phụ huynh học sinh và cộng đồng cần hiểu chính xác và đầy đủ về HIV, biết phòng tránh lây nhiễm HIV đúng cách để không có sự kỳ thị với trẻ nhiễm bệnh./.

Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân là cơ sở xã hội trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc 137 em từ sơ sinh tới 17 tuổi. Tất cả các em đều gánh “nỗi đau kép” khi vừa bị nhiễm HIV vừa phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, hoặc bị bỏ rơi. Các em lứa tuổi lớp 1, 2, 3 học tại Trung tâm, được tham gia các hoạt động tham quan, vui chơi, tham gia hoạt động của Nhà văn hoá thiếu nhi quận Thủ Đức. Các em từ lớp 4 đến lớp 9 sẽ được Trung tâm liên hệ để được theo học tại trường phổ thông bên ngoài như những học sinh bình thường, có cơ hội tham gia tất cả các hoạt động của trường.


Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên