Ngôn ngữ học Việt Nam “vẽ lại bản đồ” theo xu hướng chung

VOV.VN - Ngày 20/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với nội dung “Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học khu vực và thế giới" do Viện Ngôn ngữ học tổ chức.

Ngày nay, ngôn ngữ học được xem là một lĩnh vực phát triển nhanh, trên phạm vi toàn thế giới cũng như ở từng quốc gia. Quan niệm cho rằng ngôn ngữ học là một khoa học trừu tượng, câu chữ cao siêu, chỉ xét ngôn ngữ trong tính hệ thống và các quan hệ nội tại của nó không còn đúng nữa, mà ngôn ngữ học đã khẳng định mình là một khoa học khả dụng.

Có thể nói, ngôn ngữ học mở rộng ranh giới, bao quát mọi phạm vi đời sống xã hội, từ những vấn đề cổ xưa như các biện pháp tu từ đến những vấn đề hiện nay của khoa học trí tuệ nhân tạo, đến khoa học hình sự và bệnh học ngôn ngữ.

Ngôn ngữ học thế giới, ngôn ngữ học khu vực và ngôn ngữ học Việt Nam cũng được “vẽ lại bản đồ” theo xu hướng như vậy, đặc biệt có sự ra đời và phát triển nhanh chóng của những hướng nghiên cứu liên ngành, mà ngôn ngữ học máy tính, ngôn ngữ học văn hóa hay ngôn ngữ học nhân học, ngôn ngữ học tri nhận, ngôn ngữ học lâm sàng… là những ví dụ tiêu biểu.

Trong bối cảnh đó, trên nền tảng vững chắc được xây dựng qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã nhanh chóng hòa nhập với các trào lưu, các lý thuyết hiện đại của thế giới và đã có những thành tựu rất đáng được ghi nhận, cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Trưởng ban tổ chức Hội thảo, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho biết, qua các công trình được công bố gần đây, đặc biệt qua danh sách hơn 700 báo cáo tham dự các hội thảo ngôn ngữ học quốc tế, do Viện Ngôn ngữ học tổ chức trong thời gian gần đây (2013, 2015, 2017 và 2020), có thể thấy, bên cạnh những nghiên cứu rất cơ bản với các cách tiếp cận đã có trước đây, trong thời gian qua, những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam đã tiếp thu, áp dụng một cách sáng tạo và có phát triển các lý thuyết, đường hướng của ngôn ngữ học hiện đại vào nghiên cứu tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

"Qua bức tranh toàn cảnh về sự nỗ lực của giới nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam, để ngôn ngữ học thật sự trở thành một ngành khoa học khả dụng, Viện Ngôn ngữ học đã khẳng định được vai trò của mình thông qua vai trò kết nối, tổ chức nghiên cứu, thông qua các đề tài nghiên cứu vừa rất cơ bản vừa mang tính thực tiễn cao, thúc đẩy công bố trong và ngoài nước các kết quả nghiên cứu, cũng như thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về ngôn ngữ học” - GS.TS Nguyễn Văn Hiệp nhấn mạnh.

Hội thảo tập trung giới thiệu và thảo luận những thành tựu của ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh có những thay đổi nhanh chóng của ngôn ngữ học thế giới và khu vực. Đã có gần 190 báo cáo toàn văn của các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước gửi đến hội thảo, trong đó có những tác giả nước ngoài đến từ Australia, Hoa Kỳ, Pháp, Trung Quốc, Thái Lan...

Bên cạnh đó, hội thảo cũng tập trung thảo luận một số nội dung phù hợp trong bối cảnh mới như vấn đề bảo tồn và phát huy vai trò, bản sắc của các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế; Đánh giá lại vấn đề giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt gắn với chuẩn hóa tiếng Việt trong tình hình, bối cảnh xã hội mới, do sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện nghe nhìn hiện đại, hướng đến xây dựng và ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam…

Gửi đến hội thảo bản báo cáo về “Bảo tồn chữ viết của dân tộc Thái trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Th.s Lò Mai Cương (Sơn La) cho biết: “Ngôn ngữ tiếng Thái cũng giống như ngôn ngữ tiếng Việt, vấn đề hội nhập là không tránh khỏi. Lớp trẻ thời nay không còn sử dụng tiếng Thái hoặc là học chữ Thái, phần đa theo trào lưu học tiếng nước ngoài. Mặc dù sắp tới tiếng dân tộc Thái được đưa vào trường phổ thông nhưng lại thuộc vào bộ môn tự chọn. Cũng có nhiều trường lại lựa chọn môn ngoại ngữ để giảng dạy. Vì thế thông qua đề tài này, bản thân tôi mong muốn 2 điều: Thứ nhất cần đưa ra một chính sách để thúc đẩy việc dạy và học tiếng Thái, chữ Thái nói riêng, tiếng dân tộc nói chung; Thứ 2, tiếng Thái ở các vùng khác nhau sẽ có phương ngữ khác nhau, cần có sự thống nhất về cách dùng chữ để thuận lợi trong việc biên soạn sách sắp tới”.

Phiên toàn thể có 3 báo cáo quan trọng được lựa chọn, phản ánh phần nào những vấn đề đa dạng mà ngôn ngữ học phải giải quyết cả về lí thuyết lẫn thực tiễn. Các báo cáo còn lại được chia thành 5 tiểu ban, với những nội dung chủ yếu được phản ánh qua tên gọi của các tiểu ban: Ngôn ngữ học lí thuyết; Ngôn ngữ-Văn hóa; Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt; Ngôn ngữ học ứng dụng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên