Người chiến sĩ cảm tử và những kỷ niệm thiêng liêng về Bác
VOV.VN -Được nhiều lần gặp Bác Hồ khiến đại tá Nguyễn Trọng Hàm thấy vinh dự, tự hào và tự hứa với lòng mình suốt đời học tập tấm gương của Bác.
Nhớ như in thời khắc Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập
Mặc dù đã bước sang tuổi 93, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng Ban liên lạc truyền thống Thủ đô Anh hùng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Ký ức về những ngày mùa Thu lịch sử năm 1945 vẫn còn in đậm trong tâm trí người chiến sĩ cảm tử này.
Theo ông, điều cốt tử để giành được độc lập, tự do đó chính là lòng tin trong nhân dân “trăm người như một”; của Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo trí tuệ, tài tình của Bác Hồ.
Ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Nguyễn Trọng Hàm đang là chàng thanh niên trẻ tuổi tham gia tự vệ thành, bảo vệ an ninh trật tự cho ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Người đại tá 93 tuổi, với mái tóc bạc phơ không thể nào quên thời khắc thiêng liêng đó.
Đại tá Hàm kể: “Từ sáng sớm ngày 2/9/1945, đông đảo nhân dân từ khắp các nẻo đường kéo về trung tâm Quảng trường Ba Đình. Công việc của tự vệ thành là bảm đảm an ninh trật tự, hướng dẫn nhân dân đi lại. Nhân dân lúc đó ý thức lắm, cho nên dù rất đông nhưng ai cũng rất trật tự, hồ hởi.
Lúc Bác Hồ xuất hiện trên khán đài, nhiều người đã bật khóc. Khóc vì thương Bác quá. Bác lúc đó trông gầy lắm, ấy thế mà đã lãnh đạo Việt Minh mang lại vinh quang, hạnh phúc cho dân tộc. Khi Bác cất tiếng nói, cả biển người im phăng phắc lắng nghe từng lời của Bác. Lòng dân một lòng một dạ tin tưởng ở Bác Hồ bởi đã bao năm dưới ách thống trị, người dân tay không đã lật đổ ách thống trị, cướp chính quyền ở ngay trung tâm thủ đô, giành được độc lập, tự do. Đó là một kỳ tích vĩ đại của lịch sử nước nhà”.
Suốt đời học tập Bác Hồ và “Anh Văn”
Tham gia cách mạng từ những ngày đầu, là chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô Anh hùng, rồi trở thành Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô…, ông Nguyễn Trọng Hàm đã nhiều lần được gặp gỡ, tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ. Điều đó khiến ông cảm thấy vinh dự, tự hào và tự hứa với lòng mình suốt đời học tập tấm gương của Bác và vị Đại tướng lỗi lạc.
“Gia tài” lớn nhất của đại tá Nguyễn Trọng Hàm được ông nâng niu, gìn giữ và treo trang trọng trong phòng khách gia đình chính là những tấm hình ông được chụp chung cùng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tới dự liên hoan mừng chiến thắng Chiến dịch Lê Hồng Phong – Thu Đông 1950 (Chiến dịch Biên giới – giải phóng Cao Bằng, Bắc Kạn, Làng Sơn) tại khu rừng Lam Sơn – Nước Hai (Cao Bằng).
Ông Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại: Sau khi giành chiến thắng Chiến dịch Biên giới, Bác tổ chức họp các cán bộ của Đại đoàn Quân Tiên Phong để liên hoan. Được đón tiếp Bác, ai nấy đều rất phấn khởi và hân hoan. Ở Bác thể hiện một tác phong vô cùng gần gũi, giản dị, chan hòa. Những lời nói, câu chuyện của Bác thật dung dị, dễ đi vào lòng người.
“Khi dự liên hoan với chúng tôi, Bác hỏi “Các chú đánh thắng giặc Pháp, có thấy phấn khởi không?”, chúng tôi đồng thanh trả lời “Thưa Bác, có ạ”. Từ đó, Bác khơi gợi cho chúng tôi tinh thần chiến đấu lạc quan, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quân đội với niềm tin tất thắng. Sau khi liên hoan, Bác nói mọi người cùng chụp ảnh lưu niệm. Hình ảnh Bác Hồ luôn sát cánh cùng chúng tôi ra trận lập công khiến ai nấy đều cảm phục, kính trọng Bác, là động lực vô cùng to lớn để chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu. Dù Bác và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng mỗi khi nhìn tấm hình, tôi luôn như thấy Bác và Đại tướng ở bên cạnh, quan tâm, chỉ bảo tôi sống xứng đáng với truyền thống của đơn vị cảm tử” – ông Hàm chia sẻ.
Cởi mở, gần gũi khi tiếp xúc đó chính là điều dễ nhận thấy khi gặp gỡ với đại tá Nguyễn Trọng Hàm. Ông cho biết, qua những lần vinh dự được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông học tập được ở Người điều điều. Học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác không phải là những gì mang tính “triết lý” hay xa vời đâu đó, mà chính là học và làm theo Bác trong cuộc sống hàng ngày.
Theo ông, nhiều cán bộ, đảng viên thời nay chưa thực sự thấm nhuần lời dạy của Bác, chưa “là đầy tớ trung thành của dân”, chưa thực sự vì dân, gần dân. Khi tiếp xúc với dân còn hống hách, nạt nộ dân khiến dân “ngại” đến chốn công quyền. Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập cách đây 69 năm, khi Bác hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, đại tá Nguyễn Trọng Hàm khẳng định, đó chính là biểu hiện sinh động tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Bác lúc nào cũng đặt lợi ích của dân lên trên hết, thế nên suốt đời Bác chẳng nghĩ gì cho riêng mình mà chỉ lo cho dân, cho nước.
“Tôi thấm thía rằng, bởi tôi luôn học tập, rèn luyện theo gương Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên bây giờ đã 93 tuổi, tôi vẫn tích cực tham gia hoạt động, không những với Ban liên lạc truyền thống Thủ đô Anh hùng mà còn nhiều tổ chức đoàn thể khác. Trong cuộc sống luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất người Bộ đội Cụ Hồ, giữ gìn sức khỏe để cống hiến đến hơi thở cuối cùng” – đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ./.