Người cựu chiến binh già và nỗi đau da cam

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng gia đình người cựu chiến binh Nguyễn Văn Truyền vẫn còn những nỗi đau âm thầm: những đứa con tâm thần, không thành người do di chứng của chất độc da cam/dioxin  

Ông Truyền và 3 người con bị nhiễm chất độc da cam

 Di chứng chiến tranh và nỗi đau

Về xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hỏi đường đến nhà ông Nguyễn Văn Truyền ai cũng biết. Từ ngoài ngõ, tôi đã nghe thấy tiếng cười nói, ú ớ của mấy người con tật nguyền của ông Truyền.

Tiếp tôi trong căn nhà nhỏ, trống trơ, cạnh đó là ba đứa con bị bệnh tâm thần đang chạy, nhảy nằm vạ vật, ông Truyền rưng rưng nước mắt: “Anh xem, lúc ngủ thì thôi, chứ lúc thức, chúng nói cười, la hét suốt ngày. Lắm lúc bực mình, tôi quát chúng nhưng nghĩ lại thương con, vì chúng có biết gì đâu”.    

Nhìn nét mặt khắc khổ của ông Truyền và những đứa con cười, nói ngô nghê, ai cũng phải chạnh lòng. Dù đã ngoài 30 tuổi, nhưng những đứa con của ông Truyền chỉ như lũ trẻ lên năm, lên ba.

Giây phút những đứa con ngồi yên bên bố mẹ

Sinh ra ở làng quê nghèo Hà Nam, năm 1958, ông Nguyễn Văn Truyền kết duyên cùng bà Đinh Thị Định. Sau ngày cưới, như bao thanh niên khác, ông lên đường nhập ngũ vào Đoàn 559 khi tuổi đời chỉ mới đôi mươi. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều năm ở chiến trường C ác liệt. Ông bị nhiễm chất độc da cam vào những năm 1966, 1967 khi quân đội Mỹ rải chất diệt cỏ xuống tuyến đường 559 (Quảng Trị), nơi đơn vị ông đang chiến đấu, bảo vệ con đường.

Năm 1968, ông xuất ngũ về quê. Nỗi đau bắt đầu ập đến với gia đình ông khi cô con gái Nguyễn Thị Hoà ra đời. Chị Hoà lớn lên như bao đứa trẻ khác ở làng quê nghèo, khi đến tuổi trưởng thành thì trở nên ngây dại, thân hình tiều tụy, quắt queo. Cách đây 6 năm, một căn bệnh quái ác đã cướp đi sinh mạng của chị.

Ba người con khác là anh Nguyễn Văn Bình sinh năm 1972, chị Nguyễn Thị Mai sinh năm 1974 và người em út là chị Nguyễn Thị Mài sinh năm 1977 lớn lên đều luôn trong tình trạng ngu ngơ không biết gì.

Cái âm thanh e, ẹ, ô, à, hô hô…rồi khóc thét của mấy Chị em dường như đã quá quen thuộc với những người dân quanh thôn 6 xã Thi Sơn.

Theo thống kê, quân đội Mỹ đã rải xuống miền nam Việt Nam trên 80 triệu lít chất độc da cam, trong đó có gần 400kg độc tố dioxin. Hơn 4 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc đang phải vật lộn với những bệnh nan y. Chiếm phần đông số này là các cựu chiến binh, các con của họ cũng bị  nhiễm do di truyền, di chứng của loại chất độc này gây nên dị dạng, dị tật.
Bà Định vợ ông Truyền buồn bã nhớ lại: “Lúc sinh ra đứa nào, đứa đó trắng trẻo, xinh xắn, lớn hơn một chút, còn phụ giúp bố mẹ chăn bò nhưng đến khoảng 10 tuổi chúng cứ ngây ngây, ngô ngô, lăn lộn hết chỗ này đến chỗ khác, có lớn nhưng không có khôn. Vợ chồng tôi cho các con đi học, nhưng nhà trường trả về vì chúng nó chỉ biết cười …”

Thấy các con như vậy, lúc đầu vợ chồng ông cũng chạy chữa khắp nơi. Mọi tài sản trong nhà đều lần lượt đội nón ra đi nhưng các con ông vẫn không chữa khỏi bệnh.

Để có tiền chăm lo cho đàn con bệnh tật, vợ chồng ông Truyền quần quật làm lụng, sớm hôm vất vả chạy ngược xuôi. Khi làng xóm chìm trong giấc ngủ thì ông và bà vẫn thay nhau nấu từng bát cháo, nồi cơm, thay quần, thay áo cho những đứa con.

Nói chuyện với tôi, nước mắt ông Truyền cứ chực trào ra: “Nhà tôi có khác gì trại tâm thần, ba đứa con mỗi đứa một góc, cứ cười nói, khóc thét, ú ớ cả ngày. Mọi việc ăn uống đến vệ sinh chúng đều làm theo bản năng. Chỉ tội cho vợ tôi, khi đêm khuya các con ngủ hết, bà ấy lại gánh cả gánh quần áo ra sông giặt giũ, rồi khóc thầm lặng lẽ”.

Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi nhiều lần bị đứt quãng bởi những tiếng gào thét, la hét của hai chị Mai và Mài. “Khổ lắm anh ơi, người ta sinh con thì mong nhờ cậy khi tuổi già còn đằng này thì…?”- bà Định tâm sự.

Lo lắng cho số phận của các con

Trong câu chuyện với tôi, ông Định luôn lo lắng về tương lai của những đứa con tật nguyền khi ông bà tuổi ngày càng cao. “Hai vợ chồng tôi vẫn thường bảo nhau ngày nào còn sức khoẻ, còn làm được thì còn lo lắng, chăm sóc cho các con. Nhưng giờ chúng tôi già rồi, sống chết không biết thế nào, ai sẽ chăm sóc các con tôi. Chúng có 2 người anh (hai người con lành lặn của ông Truyền-PV), nhưng chúng cũng rất khó khăn, nuôi con chúng còn không nổi nói gì đến nuôi em. Ở gần đây có trại mồ côi, cứ nghĩ đến lúc phải đưa các con vào đó, tôi lại rớt nước mắt”.

Bà Định đang mặc áo cho người con gần 40 tuổi 

Chứng kiến bà Định nặng nhọc thay áo cho người con trai gần 40 tuổi, tôi không khỏi ái ngại bởi ở tuổi ngoài 70, bà vẫn chưa lúc nào được nghỉ ngơi mà vẫn phải âm thầm, lam lũ chịu đựng, chăm con, chăm chồng. Còn ông Truyền thì bước những bước đi khó nhọc lẫn những tiếng thở nặng nề, vẫn cố với lấy chiếc khăn lau mặt cho chị Mài.

Khó khăn lắm tôi mới chụp được vài tấm ảnh với sự trợ giúp của ông Truyền, bà Định. Khi gọi được người này thì người kia lại chạy đi chỗ khác, cứ như gia đình họ đang chơi trò đuổi bắt.

Vợ chồng ông Truyền lo lắng cho các con về sau

Hiện nay cả xã Thi Sơn có 34 trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin, cấp uỷ, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến các đối tượng này, luôn động viên họ cả về vật chất lẫn tinh thần. Khi được hỏi về các trường hợp về gia đình nạn nhân chất độc da cam ở địa phương, ông Nguyễn Văn Tuấn - phó Chủ tịch UBND xã Thi Sơn cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đến các hộ có người bị nhiễm chất độc da cam, đặc biệt những gia đình khó khăn như ông Truyền. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi cũng tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình các nạn nhân trong các dịp Lễ, Tết. Song đó chỉ xem như muối bỏ bể, bởi hệ luỵ của chất độc da cam là quá lớn đối với những người không may mắc phải”./.