Người dân bản Sa Ná gượng dậy sau trận lũ kinh hoàng
VOV.VN - Cùng với sự quan tâm, chung tay của cộng động, nhà hảo tâm, hy vọng người dân Sa Ná sẽ sớm vượt mọi khó khăn thử thách để ổn định cuộc sống trở lại.
Chỉ chưa đầy 10 phút, cơn lũ dữ kèm theo khối lượng lớn đất đá, gỗ… khổng lồ đã gần như san phẳng bản Sa Ná, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Mất nhà mất cửa, mất đi người thân, người dân Sa Ná đang đối diện thảm kịch chưa từng có.
“Đứng dậy và bước tiếp”, là điều ai cũng nghĩ, cũng mong, nhưng người dân Sa Ná sẽ phải bắt đầu từ đâu, đứng dậy như thế nào?
5 ngày sau trận lũ kinh hoàng, sông Luồng vẫn hiện hình hung dữ, nước lũ phá nát 2 bờ sông, gần như san phẳng bản Sa Ná chỉ trong tích tắc. Phía thượng nguồn nhô lên những khối gỗ có bán kính vài người ôm; nước sông đục ngầu, đất đá ngổn ngang, xen lẫn những hố sâu tựa như miệng quái vật, có thể nuốt chửng bất kỳ ai tới gần.
Chạy lũ, chị Hà Thị Thận giờ còn 2 bàn tay trắng. |
Bản Sa Ná sau trận lũ dữ tựa như một khu rừng vừa bị lâm tặc đốn hạ, những ngôi nhà sàn, tài sản góp nhặt cả đời người giờ chỉ còn là nền đất đá, cây cối xiêu vẹo. Chị Hà Thị Thận, bản Sa Ná chỉ còn duy nhất bộ quần áo trên người chua xót cho biết: “Hôm lũ về chị đang ốm, lúc đó chỉ có chị với anh và cháu ở nhà. Chị bế cháu chạy lên rừng nhưng không kịp vì nước về nhanh quá. Nhà chị mất trắng không còn cái gì, chỉ còn mỗi bộ áo quần trên người”.
Đang đứng ở đầu bản, chị Phạm Thị Nguyễn, 40 tuổi, ngồi bệt xuống đường rồi ôm mặt nức nở khi nhìn thấy người thân đến thăm. Mất nhà, mất hết tất cả, chị Nguyễn vẫn chưa hình dung cuộc sống rồi sẽ thế nào, khi gia đình vẫn còn đang nợ món tiền lớn vừa vay làm nhà.
Đau đớn hơn cả có lẽ là trường hợp anh Hà Văn Vân. Anh Vân nghe tin lũ quét qua bản mình khi đang làm phụ hồ ở thành phố Thanh Hóa. Tức tốc trở về nhưng tới bản, anh Vân chết lặng khi chứng kiến cả bản mình gần như bị san phẳng. Đau đớn hơn, toàn bộ 6 người thân của anh đã bị lũ cuốn trôi. Những ánh mắt hướng về anh Vân, nhiều người muốn hỏi thăm động viên, nhưng anh Vân miệng chỉ lập bật, rồi im lặng, 2 hàm răng lại nghiền chặt, đưa ánh mắt nhìn xa xăm như người mất hồn.
Vận chuyển hàng cứu trợ vào Sa Ná. |
Lũ đến, lũ đi, nhưng những mất mát đau thương còn ở lại. Người dân Sa Ná vẫn phải tiếp tục cuộc sống của mình. Gượng dậy, bước tiếp - nhưng phải bắt đầu từ đâu?
Anh Lê Xuân Tuấn - một trong những người bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa và tài sản băn khoăn: “Tiếp theo 2 vợ chồng cũng chưa có định hướng được gì cả, bây giờ cũng chưa biết làm cái chi cả”.
Với phương châm: “Phải nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân bản Sa Ná", ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn khẳng định, nhiệm vụ trước tiên là ổn định, động viên và cứu trợ người dân; về lâu dài huyện đang tính toán phương án tái định cư, ổn định đời sống người dân. “Huyện sẽ triển khai quy hoạch để xây dựng khu tái định cư mới cho bà con nhân dân trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết.
Gạo cứu trợ được tập kết bên bờ sông Luồng. |
Có mặt tại hiện trường sau khi lũ quét xảy ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, việc trước mắt là tái định cư cho người dân: “Sớm nhất là phải có khu tái định cư để nhanh chóng ổn định cuộc sống cho người dân. Hiện nay xã đã tìm được một khu vực gần đấy có thể đảm bảo an toàn để tái định cư tại chỗ cho 34 hộ dân và đảm bảo hạ tầng tối thiểu”.
Mấy ngày nay, dọc Quốc lộ 217 từ trung tâm huyện Quan Sơn lên tâm lũ Sa Ná (khoảng 50km) những chuyến xe hàng, đoàn người tấp nập ra vào. Có những người ở những bản làng lân cận, nhưng cũng có những người từ các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận đến với Sa Ná để chia sẻ những đau thương, mất mát và động viên với người dân nơi đây gượng dậy, bước tiếp.
Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay của cộng động và các nhà hảo tâm, hy vọng người dân Sa Ná sẽ sớm vượt mọi khó khăn thử thách để nhanh chóng ổn định cuộc sống./.