Người dân cần bình tĩnh xử trí khi bị phơi nhiễm HIV
VOV.VN - Khi chẳng may có tiếp xúc chảy máu hay bị vật nhọn dính máu nghi nhiễm HIV đâm phải, người dân cần bình tĩnh xử trí và đến cơ sở y tế sớm nhất.
Liên quan đến vụ việc 10 người bị kẻ lạ mặt đâm vật nhọn gây thương tích chảy máu phải điều trị phơi nhiễm HIV tại Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện nay, ngoài nhóm người có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV cao như công an, thầy thuốc, số người bị phơi nhiễm HIV trong cộng đồng đang tăng nhanh. Nguy cơ nhiễm HIV sau khi bị vật nhọn đâm vào tùy thuộc vào vết thương và cấu trúc của vật nhọn đó.
Khi bị nghi ngờ phơi nhiễm HIV, cần tiến hành xét nghiệm và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV (ảnh: Thư viện Bình Phước) |
Vì vậy, theo bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, khi chẳng may có tiếp xúc chảy máu hay bị vật nhọn dính máu nghi nhiễm HIV đâm phải, người dân cần hết sức bình tĩnh xử trí bằng cách rửa sạch vết thương và đến cơ sở y tế sớm nhất để được tư vấn, làm các xét nghiệm và sử dụng thuốc điều trị phơi nhiễm.
Sau khi bị một vết thương như thế, việc đầu tiên là rửa sạch bằng nước và xà phòng, nếu có chảy máu thì băng bó sát trùng, sau đó đến cơ sở y tế để có thể xem xét, đánh giá, làm các xét nghiệm và được cấp thuốc dự phòng HIV. Thông thường các trường hợp nhiễm HIV với lượng máu thâm nhiễm thấp thì việc dự phòng rất hiệu quả, đặc biệt dự phòng càng sớm thì hiệu quả càng cao./.
Người nhiễm HIV cũng có thể hiến tạng
TPHCM: Bị người lạ tấn công, 10 bệnh nhân phải điều trị phơi nhiễm HIV