Người dân Cao Bằng chủ động ứng phó thiếu nước vụ xuân
VOV.VN - Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino tiếp tục gây nguy cơ hạn hán, thiếu nước cho sản xuất vụ xuân, do đó, người dân tỉnh miền núi Cao Bằng đã chủ động làm đất, linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm ứng phó với hạn hán có thể xảy ra.
Vụ xuân năm nay, Cao Bằng có kế hoạch gieo cấy hơn 3.800ha lúa, hơn 25.500ha ngô, hơn 3.800 ha cây thuốc lá và khoảng 1.700ha các loại như khoai tây, đỗ tương, lạc, gừng, thạch đen... Tuy nhiên, hiện tượng El Nino kéo dài khiến mực nước các hồ chứa xuống thấp gây tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất.
Ông La Chí Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy nông Cao Bằng cho biết, nhiều hồ chứa năm nay chỉ đạt chưa đến 50% công suất thiết kế.
"Một số công trình hồ chứa tại các huyện Hòa An, Hà Quảng và thành phố Cao Bằng chỉ đạt 30-50%, khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cho sản xuất là khá cao. Nếu không có mưa thì việc cung cấp nước tưới, nhất là cho cấy lúa vụ xuân tại các huyện Hòa An, Hà Quảng sẽ gặp khó khăn", ông La Chí Thành nói.
Ngoài nguồn nước từ các hồ chứa, người dân các địa phương đã tích cực tận dụng các nguồn nước sẵn có từ sông, suối qua các biện pháp truyền thống như sử dụng cọn nước, đắp mương, phai, hay sử dụng ống nhựa, tre nứa để chủ động khắc phục.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích đã được người dân chủ động chuyển sang các cây trồng chịu hạn như ngô, lạc, gừng, đỗ tương. Tại khu vực Lục Khu, huyện Hà Quảng, nơi tình trạng khô hạn thường xuyên diễn ra, người dân đã chủ động dọn cỏ, làm đất để có thể kịp trồng ngô ngay từ những đợt mưa xuân đầu tiên.
Anh Vi Văn Đông, người dân Lũng Rỳ, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết: Ở đây các hộ dân đều tận dụng tối đa các loại phân chuồng hoai mục để tăng màu mỡ cho đất. Ngoài trồng ngô, nhiều hộ cũng tiếp tục trồng lạc, gừng để phù hợp với điều kiện khô hạn của vùng đất này.
“Chúng tôi cũng đợi mưa mới trồng được thôi, nắng thì khô, không trồng được, đất xới lên mà thành cục thì mình không lấp được. Nhiều gia đình đã dùng máy cày, đất tơi trồng cây lên tốt hơn. Kinh nghiệm là ngô giống phải ngâm nước khoảng 2 hôm rồi vớt lên để hôm sau mang đi trồng sẽ lên đảm bảo hơn”, anh Vi Văn Đông cho biết.
UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện rà soát nguồn nước, nhu cầu dùng nước của các công trình thủy lợi, xây dựng phương án cấp nước, kế hoạch tưới chi tiết từng vụ sản xuất năm 2024. Đồng thời, sẵn sàng các giải pháp chống hạn, phương án điều tiết nước hợp lý khi hạn hán xảy ra.