Người dân không phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi

Tất cả các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải tham gia mua bảo hiểm tiền gửi cho người dân nộp tiền tiết kiệm.  

Hiện nay, dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi đang được Quốc hội xem xét, lấy ý kiến của các đại biểu. Dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi được xây dựng sẽ hoàn thiện hơn nữa các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, bảo vệ quyền lợi của người dân khi gửi tiền tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Phóng viên VOV Online phỏng vấn ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

PV: Thưa ông, Luật Bảo hiểm tiền gửi nếu được ban hành sẽ tính hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho người dân như thế nào?

Luật Bảo hiểm tiền gửi nhấn mạnh đến chỉ bảo hiểm đồng tiền Việt Nam

Ông Nguyễn Đức Kiên: Hạn mức đó sẽ được tính theo số thống kê bình quân của mức gửi tiền theo tỷ trọng %, số lượng đông người nhưng gửi tiền ít, số lượng ít người nhưng gửi nhiều tiền. Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm tiền gửi cho người dân cũng được tính theo thực tế tình hình nền kinh tế của đất nước, sức mua của đồng tiền Việt Nam gắn với chỉ số lạm phát, yếu tố phát triển khác như tăng trưởng GDP, giá trị số tiền cộng với lãi suất theo thời gian của người gửi. Việc tính hạn mức bảo hiểm tiền gửi sẽ phải đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền.

Người dân không phải đóng phí bảo hiểm tiền gửi. Chỉ có tổ chức bảo hiểm tiền gửi và tổ chức mua bảo hiểm (tổ chức tín dụng, ngân hàng) mới phải mua phí bảo hiểm tiền gửi với mức là 0,15% tính trên số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân và phí điều chỉnh theo mức độ rủi ro.

Hạn mức tiền gửi đã được Việt Nam đưa ra từ năm 1999 và đã có sự điều chỉnh. Theo số liệu điều tra của các tổ chức tín dụng, người dân có số tiền gửi tiết kiệm từ 200 triệu đồng trở lên rất ít, đa phần là ở ngưỡng 100-150 triệu đồng. Trong dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi đã có quy định là nâng mức bảo hiểm tiền gửi lên theo tổng thu nhập GDP trên đầu người và sẽ chia theo từng vùng. Mức nâng bảo hiểm tiền gửi sẽ rất linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo thỏa đáng quyền lợi của người gửi tiền.

Hiện nay, việc tính toán để nâng mức bảo hiểm tiền gửi cho các vùng đang lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Dự kiến, trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII, Chính phủ sẽ trình trước Quốc hội dự thảo Nghị định bảo hiểm tiền gửi, trong đó sẽ có cụ thể các phương pháp tính.

Ông Nguyễn Đức Kiên

PV: Trong dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi đề cập đến việc chỉ bảo hiểm tiền gửi cho người dân, chứ không bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức cá nhân hay doanh nghiệp. Theo ông, tại sao lại quy định như vậy?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Quan điểm của Nhà nước là không khuyến khích các doanh nghiệp giữ một lượng vốn lớn ở các tổ chức tín dụng, ngân hàng để thu tiền lấy lãi, mà chúng ta khuyến khích doanh nghiệp đưa số tiền đó vào tái đầu tư sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định rõ, tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều phải mua bảo hiểm tiền gửi. Như vậy, người dân khi gửi tiền ở ngân hàng, tổ chức tín dụng đương nhiên là được bảo hiểm tiền gửi.

 PV: Ông có cho rằng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải trả phí bảo hiểm tiền gửi là 0,15% là hơi thấp?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Mức thấp hay cao còn tuỳ thuộc vào việc chiết khấu, mức độ huy động, sự ổn định của các tổ chức tín dụng.

PV: Trong dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi chỉ quy định bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng, nên bảo hiểm cả với  ngoại tệ và kim loại quý vì đây cũng là tài sản hợp pháp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Chúng ta phải quy định rõ, việc cho phép người dân gửi tiền và bảo hiểm tiền gửi của người dân là 2 vấn đề khác nhau. Việc Nhà nước cho phép người dân gửi tiền là tôn trọng và bảo vệ tài sản hợp pháp của nhân dân. Tuy nhiên, Nhà nước cũng quy định rõ, ở trên đất nước Việt Nam là người dân chỉ sử dụng đồng tiền Việt Nam và Nhà nước chỉ bảo vệ những gì phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Trong pháp lệnh về quản lý ngoại hối, Nhà nước đã quy định rõ việc cấm niêm yết và dùng đồng ngoại tệ để thực hiện các giao dịch kinh tế và thanh toán về kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam.

Nhà nước cũng có các tổ chức tín dụng bảo vệ và giữ hộ người dân có ngoại tệ và kim loại quý và có thể được tính theo giá trị gia tăng. Quy định không bảo hiểm đối với ngoại tệ và kim loại quý nhằm thực hiện chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho ngân hàng. Vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi nhấn mạnh đến chỉ bảo hiểm tiền gửi là đồng Việt Nam, không bảo hiểm đối với ngoại tệ và kim loại quý.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên