Người dân nóng lòng chờ tái định cư dự án Sân bay Long Thành
VOV.VN -Hàng chục năm nay, người dân các xã trong vùng quy hoạch Sân bay Long Thành nóng lòng chờ đến ngày dự án chính thức triển khai.
Ông Phạm Văn Hiếu (ấp 11, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) cho biết, 10 năm nay gia đình ông gần như không thể phát triển sản xuất do toàn bộ diện tích nhà ở và đất sản xuất nằm trong vùng lõi quy hoạch sân bay. Điều này đồng nghĩa với việc ông không thể xây dựng mới nhà cửa hay đầu tư cây giống, chuồng trại mở rộng quy mô canh tác, chăn nuôi; 2 ha đất canh tác của gia đình ông gần như “giậm chân tại chỗ”.
Dù vui mừng với chủ trương của Nhà nước xây dựng một sân bay quốc tế quy mô lớn, nhưng ông Phạm Văn Hiếu vẫn thấp thỏm, sản xuất chỉ cầm chừng để duy trì cuộc sống hàng ngày.
Gia đình ông Phạm Văn Hiếu nhiều năm nay không dám đầu tư mở rộng sản xuất vì nằm trong vùng dự án. |
"Dự án sân bay quốc tế Long Thành này đã 10 năm rồi, người dân chúng tôi rất phấp phỏng, không yên tâm làm ăn. Chúng tôi ở đây đang ổn định yên chí làm ăn, giờ đi nơi khác cũng không biết có được như trước nữa không. Rất mong Nhà nước có cái ưu đãi cho người dân chúng tôi có chỗ tái định cư, ổn định công ăn việc làm cho người dân phù hợp với từng lứa tuổi"- ông Phạm Văn Hiếu nói.
Câu chuyện cũng tương tự với hộ ông Đoàn Đức Ngọ ở ấp 3, xã Suối Trầu. Căn nhà của ông Ngọ đã xuống cấp trầm trọng nhưng ông cũng không dám xây mới hay sửa chữa. Bởi xây mới thì không được phép, còn sửa chữa cũng ngại bởi sửa xong mà phải di dời thì uổng công.
Ông Ngọ cho biết: "Chúng tôi bây giờ là phát triển không phát triển được nữa. Nói chung trong cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Công ăn việc làm, rẫy rời, cuộc sống luôn luôn bị “treo” lên như vậy. Thứ nhất là kiến thiết trong gia đình, thứ hai là nó ảnh hưởng về kinh tế, có khi ruộng rẫy của mình muốn trồng cấy cây nọ, cây kia nhưng trong dự án nên cũng không dám trồng, không dám làm".
Chưa hết, cả ông Hiếu và ông Ngọ đều rất lo lắng bởi theo chủ trương di dời, các hộ dân bị ảnh hưởng sẽ được bố trí nơi ở mới tại khu tái định cư đã quy hoạch. Nhưng diện tích ở khu tái định cư sẽ chỉ khoảng một vài trăm mét vuông cho mỗi hộ gia đình, những nông dân vốn gắn bó với ruộng vườn, chuồng trại không biết sẽ tiếp tục công việc như thế nào.
Đây cũng là tình trạng chung của gần 4.900 hộ gia đình với khoảng 16.000 nhân khẩu thuộc các xã Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Sẵn sàng tái định cư
Theo quy hoạch, sẽ có 2 khu tái định cư phục vụ cho việc di dời dân trong vùng dự án gồm khu tái định cư Bình Sơn và khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, với diện tích mỗi khu là 282 ha.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, để chuẩn bị cho việc di dời, tái định cư dự án Sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã chủ động tiến hành các bước khảo sát sơ bộ về tình hình dân cư, đất đai trong vùng dự án để khi được thông qua sẽ tiến hành ngay các bước chi tiết.
Khu đất sạch sẽ tiến hành xây dựng khu tái định cư Bình Sơn. |
Chính quyền các xã thuộc vùng dự án cũng cho hay, địa phương đã tiến hành việc kiểm kê, cập nhật số hộ dân, số nhân khẩu; kiểm kê sơ bộ diện tích đất thuộc diện thu hồi cũng như rà soát tình hình dân cư phục vụ cho đề án tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân vùng bị ảnh hưởng. Riêng với các khu tái định cư đã được quy hoạch, do đều thuộc khu vực “đất sạch” nên sẽ không gặp phải khó khăn khi tiến hành thu hồi, xây dựng hạ tầng.
Ông Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: "Tất cả hai khu tái định cư đất đều thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý, không giải tỏa nhân dân, về cơ bản nó là đất sạch. Khi triển khai dự án chỉ cần bồi thường tài sản là cây cao su, sau đó thanh lý cây cao su là có thể triển khai ngay dự án, không phải di dời dân. Đó là một cái thuận lợi của khu tái định cư".
Đáng chú ý, cũng theo Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, thời gian gần đây tình hình mua bán, sang nhượng đất đai ở khu vực phụ cận sân bay đã cơ bản ổn định và hạ nhiệt, không còn biến động nhiều hay xảy ra tình trạng “sốt đất”, mua bán sang nhượng tràn lan như trước đây.
Hiện chính quyền địa phương đang tiếp tục tuyên truyền cho người dân trong và ngoài vùng dự án về chủ trương bồi thường, giải tỏa nhằm giúp họ ổn định sản xuất, giữ nguyên hiện trạng, không xây dựng mới nhà cửa, không khuyến khích trồng mới hay chuyển đổi cây trồng trên đất để thực hiện công tác bồi thường một cách thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Dù vậy, hiện vẫn còn những khó khăn nhất định như: chưa xác định được giá bồi thường đất, tài sản trên đất, vật kiến trúc hay việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân trong vùng dự án vẫn chưa có giải thích cụ thể./.
Trình phương án mới bồi thường đất ở dự án sân bay Long Thành
Đền bù đất dự án sân bay Long Thành trong 5 năm khó khả thi
Thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án sân bay Long Thành