Người dân nườm nượp đi lễ chùa cầu bình an và may mắn
VOV.VN -Tại các ngôi đình, chùa đông nghịt người dân và du khách đến để cầu may mắn, bình an cho gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Ngày 29/1 (tức mùng 2 Tết Đinh Dậu), đông đảo du khách ở khắp nơi và người dân Thủ đô đã đến Quảng trường Ba Đình lịch sử, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp người dân bày tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, với tâm niệm nhớ về nguồn cội trong ngày đầu năm mới.
Thời tiết rất thuận lợi cho nhiều du khách vào viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đây, đồng bào cả nước đều mang trong mình những tấm chân tình của người con đất Việt gửi đến Bác Hồ kính yêu.
Tính đến 8h sáng, tại khu vực lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có khoảng gần 1.000 lượt khách vào viếng và tham quan Khu di tích. Ngay từ sáng sớm, anh Nguyễn Văn Tri, một người dân ở Hà Nam đã đưa các cháu bắt xe khách từ Hà Nam lên Hà Nội để vào lăng viếng Bác. Anh Tri cho biết, đoàn của anh gồm 4 người lớn và 2 cháu nhỏ, ai cũng trật tự, xếp hàng để chờ tới lượt vào viếng.
“Hôm nay lần đầu tiên tôi đưa gia đình đến thăm Lăng Bác. Tôi rất phấn chấn vì đầu năm được đến thăm Lăng Bác. Không khí hôm nay trong lành. Ai cũng muốn nhìn thấy Bác nên chúng tôi đến đây thắp hương cho Bác. Những ngày này, chúng tôi muốn tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Bác Hồ kính yêu” – anh Tri nói.
Hòa vào dòng người xếp hàng vào viếng Lăng Bác, em Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 11, đến từ Nam Định nói: “Trong ngày đầu năm mới, em vào viếng Lăng Bác cảm thấy rất xúc động, biết ơn người anh hùng vĩ đại của dân tộc”.
Trong lòng tất cả người dân Việt Nam, Bác Hồ là người sống mãi. Chính vì thế đây là điểm đầu tiên mà nhiều đồng bào cả nước muốn đến tham quan. Đến thăm lăng Bác để có thêm động lực làm việc trong năm mới.
Chị Thu Vân, một người dân ở Huế cho biết, ra Hà Nội làm việc đến nay được 2 năm nhưng công việc thường ngày bận rộn, chị chưa có dịp vào lăng viếng Bác. Vì thế, năm nay ăn Tết ở Hà Nội, chị đã quyết định dành 1 ngày để đưa gia đình tham quan Hà Nội, vào lăng viếng Bác, sau đó mới về quê:
Các con của mình đã lớn rồi mà chưa có cơ hội đến thăm Lăng Bác. Ngày mùng 2 Tết là điểm đến đầu tiên trong các điểm ở Hà Nội là Lăng Bác để cho các con của mình có cái nhìn thực tế vào Lăng Bác, mà trước đây cháu học và biết qua sách báo nhiều. Đây là lần đầu tiên cho các cháu có tham quan thực tế.
Thời tiết Hà Nội rất ủng hộ du khách tham quan. Bên cạnh sự lựa chọn là những khu vui chơi giải trí, những trung tâm thương mại hiện đại thì không ít khách tham quan và người dân thủ đô đã chọn điểm dừng chân rất đỗi thiêng liêng và thành kính như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tâm niệm luôn nhớ về nguồn cội trong ngày đầu năm mới ấm áp.
Người dân và du khách miền Trung đi lễ chùa mồng 2 Tết
Ngày 29/1 (mồng 2 Tết), tại các ngôi chùa ở miền Trung đông nghịt người dân và du khách đến để cầu may mắn, bình an cho gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Chùa Thiên Mụ, thành phố Huế
Sáng nay, mồng 2 Tết nguyên đán Đinh Dậu, mọi ngả đường dẫn về tổ đình Tự Đàm, Thiên Minh, Từ Hiếu, Báo Quốc… ở phía Tây- Nam thành phố Huế đông đúc người người du xuân cầu tài lộc đầu năm. Với người Huế, Tết là dịp để mọi người cùng nhau đi lễ, cầu mong cho gia đình an khang, thịnh vượng. Người đến chùa để tâm hồn thư thái, chào đón một năm mới yên vui thái bình. Đây cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống đậm bản sắc văn hóa Việt.
Bà Nguyễn Thị Lý, ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế chia sẻ: “Cầu trong năm mới có được sức khỏe, trong năm làm ăn phát tài phát lộc, tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ”.
Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Bởi vậy, không chỉ có người theo đạo Phật mà nhiều người dân khác cũng tìm đến chùa. Với người Huế đi chùa cầu an đầu năm mới gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và cầu mong sự bình an.
Khi đến viếng lễ chùa, tốt nhất là làm sao lòng phải thành, tâm phải thiện; ăn nói, đi đứng từ tốn, nhường nhịn, tránh xô bồ, xô đẩy; biết nơi nào cầu xin cái gì và phải làm cho đúng cách, tuân thủ lễ nghi.
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đi chùa vào những ngày đầu xuân, dù đạo hay đời mỗi người Huế đều tâm niệm cầu một năm mới gia đạo an lành, quốc thái dân an.
“Truyền thống của người Huế đi chùa họ mong cầu đó là an lành đến với họ, đến với gia đình và đến với xã hội trong dịp đầu năm. Khi mà đã có được sự an lành vào đầu năm thì chắc chắn trong suốt năm đó thì gia đình họ cũng hanh thông và tốt đẹp”-Hòa thượng Hải Ấn nói.
Còn tại thành phố Đà Nẵng, hàng ngàn người dân đã đến viếng chùa và cầu cho năm mới được bình an tại chùa Linh Ứng trên núi Sơn Trà. Nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 10km, chùa Linh Ứng được xem là cõi Phật giữa chốn trần gian, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Trung.
Chị Nguyễn Thị Điệp ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho biết, trong nhà có người cháu bị bệnh nên chị đến đây để cầu cho cháu mình được mạnh khỏe như những trẻ em khác: “Hôm nay là Mồng 2 Tết, em tới để cầu an cho gia đình cả năm được yên vui và có nhiều sức khỏe. Khi tới chùa Linh Ứng, cảm giác của em rất là yên bình, tâm trí không phải suy nghĩ nhiều như cuộc sống hằng ngày nữa”.
Khu vực cổng vào Đường hoa luôn chật kín du khách đứng chụp hình ghi lại những khoảnh khắc đẹp |
Đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ sắc xuân
Đã từ lâu đường hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa của Tết Sài Gòn và là điểm đến quen thuộc của người dân và du khách mỗi khi Tết đến, Xuân về. Ngày 29/1 (mồng 2 Tết Nguyên đán), trong nắng xuân chan hòa, Đường hoa Nguyễn Huệ tiếp tục thu hút hàng ngàn du khách đến thưởng lãm và tham quan công trình đặc sắc này.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Đinh Dậu 2017 có chủ đề “Thành phố mang tên Bác, Khát vọng ngời sáng” với hàng trăm nghìn chậu hoa, có nhiều loại hoa lạ, mới đẹp. Cùng với đó là các khu vực tiểu cảnh trong đường hoa như “Đài sen hồng”, Tiểu cảnh “Thành phố trong tranh” hay "Bản đồ Việt Nam"... hấp dẫn du khách bởi những bức họa trên những bình gốm cao, suối hoa, hay hình ảnh tết miền Nam với mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét đậm nét Nam bộ , các chú gà đạp xe hoa đi chợ tết...
Điểm đặc biệt của Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay là đại cảnh 2 chú gà trống ngay khu vực cổng vào có gắn mô tơ điện thỉnh thoảng cất tiếng gáy tạo nên sự bất ngờ đầy thú vị. Đến với đường hoa năm nay, người dân còn thích thú khi được ứng dụng công nghệ phần mềm chụp hình ảo tại một số điểm như: cổng đường hoa, cây xuân, công trình thành phố, rừng thiên nhiên rực sáng và những chú gà vui nhộn.
Du khách thích thú chụp hình lưu lại những khoảnh khắc đẹp trong ngày đầu năm mới |
Cùng cả gia đình du xuân trong ngày đầu năm mới, anh Nguyễn Văn Đức, ở quận Thủ Đức nói: “Năm nay, đường hoa cũng khá đẹp, ấn tượng nhất là gia đình gà. Đặc biệt là chú gà trống có thể quay đầu và cất tiếng gáy rất là thú vị nên rất nhiều người đến chụp hình với chú gà đó. Ngoài ra, còn những hình ảnh rất là thích như tái hiện lại thuyền chở trái cây tết và đờn ca tài tử”.
Chị Võ Thị Vân, trú tại Quận 2, TP HCM cho biết: Đầu năm đi lễ chùa và thăm bà con họ hàng, hôm nay chị dành thời gian cả buổi sáng để đi dạo và ghi lại những hình ảnh tươi mới của đường hoa Nguyễn Huệ. So với mọi năm thì đường hoa năm nay đẹp và rất ấn tượng.
Kể từ ngày khai mạc đến nay, mỗi ngày Đường hoa Nguyễn Huệ thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan và trở thành một nét văn hóa thu hút đông đảo du khách mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đường hoa sẽ mở cửa cho khách tham quan đến hết ngày ngày 31/1 (tức mùng 4 tết)./.
Ăn Tết xong, ngư dân Hà Tĩnh đưa tàu công suất lớn vươn khơi
Tết ở bản cuối cùng có điện