Người đàn ông ngày đêm góp công sức, bảo vệ đê biển Tây, Cà Mau
VOV.VN - Trước diễn biến phức tạp của thời tiết những năm gần đây, đê biển Tây (Cà Mau) bị tàn phá nặng nề. Không chỉ cơ quan chức năng, mà người dân địa phương cũng luôn sẵn sàng góp công sức để bảo vệ đê.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết những năm gần đây, đê biển Tây Cà Mau bị tàn phá nặng nề. Không chỉ cơ quan chức năng, mà người dân địa phương cũng luôn sẵn sàng góp công sức để bảo vệ đê. Một trong những tấm gương tiêu biểu trong công tác bảo vệ đê biển Tây của tỉnh Cà Mau là ông Nguyễn Thanh Tuấn (ở ấp Thời Hưng, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).
Ông Nguyễn Thanh Tuấn về sống trong đê phòng hộ biển Tây đã hơn 20 năm. Cái nết những cơn sóng nơi đây ông rõ mồn một, bởi, miếng vuông gần 4ha của gia đình cũng vì những cơn sóng đó mà đã mất đi. Ông Tuấn kể, khoảng những năm 2000, rừng phòng hộ bên ngoài đê biển còn khoảng 500 m mới ra tới biển. Sinh kế của gia đình ông cũng như nhiều hộ dân nơi đây chính là nuôi tôm tới tán rừng. Bà con sống khỏe, thậm chí khá giả nhờ con tôm sú nuôi tự nhiên. Tuy nhiên, sau đó "ông trời" trở tính, sóng biển tàn phá rừng phòng hộ, đến khoảng những năm 2010, gia đình ông đã không còn nuôi tôm được nữa. Mấy năm sau, nhiều vị trí tại đoạn đê biển từ Đá Bạc – Kênh Mới (nơi gia đình ông ở), sóng biển đã đánh vào đến chân đê. Cơ quan chức năng thực hiện khẩn cấp các biện pháp để bảo vệ đê và ông Tuấn luôn là một phần trong những người tham gia cuộc chiến “giành đất với biển”.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ: "Theo nhiệt huyết của mình, trách nhiệm hay không là do mình. Tôi nghĩ, bảo vệ đê này không chỉ là bảo vệ mình mà còn bảo vệ gia đình và đông đảo bà con sống trong đê, từ đó, nêu cao trách nhiệm. Qua thời gian, mình thấy công việc của mình có ích nên hăng say thực hiện. Mình thường xuyên đi kiểm tra, cần nhất là những lúc giông tố. Đi kiểm tra các vị trí xung yếu, rồi báo cho các anh có trách nhiệm. Chỗ nào sạt lở nguy hiểm mình phải lội đi xem mới nắm hết được tình hình".
Nhiều năm qua ông Tuấn luôn nhiệt huyết làm người "canh cổng" ở đê biển Tây. Vừa qua, ông được đưa vào làm Tổ trưởng Tổ quản lý đê nhân dân ở địa phương. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước rất hạn chế nhưng ông đều đặn đi kiểm tra đoạn đê mình phụ trách. Lúc cần nhất chính là khi dông gió nổi lên, sóng biển uy hiếp đê thì người đàn ông đã 60 tuổi luôn có mặt ở hiện trường để ghi nhận, kịp thời báo cáo. Trong đợt triều cường kỷ lục vào tháng 8/2019, sóng biển tràn qua mặt đê biển Tây, nguy cơ làm vỡ đê thì cũng chính những thông báo từ ông đã giúp cơ quan chức năng kịp thời ứng phó. Những cơn sóng dữ đã lấy đi tài sản lớn nhất là miếng vuông của gia đình, những cơn sóng cũng đã làm ngập nhà, thiệt hại những tài sản khác nhưng không làm ông sợ hãi. Bởi, khi người đàn ông nhỏ bé đó đứng trên đê thì một bên là sóng dữ còn một bên là những ruộng lúa tốt tươi, là tài sản của hàng chục ngàn hộ dân vùng ngọt hóa.
Ông tự bảo: “đoạn đê này cần có mình”. Cũng chính vì vậy, mà trong việc triển khai các biện pháp bảo vệ đê chưa bao giờ thiếu ông Nguyễn Thanh Tuấn, bất kể ngày đêm: "Nhiều lúc ở nơi xung yếu này phải làm đêm để kịp, thủy triều nhỏ thì phải làm, nếu để nước lớn thì sóng biển đánh trùm qua đầu không làm nổi. Nhiều lúc anh em không dám về thay quần áo, ngồi xổm ăn cơm, ăn xong làm tiếp. Đấy là thường xuyên chứ không phải lâu lâu mới vậy".
Thời gian gần đây, thời tiết ngày càng cực đoan hơn, đoạn đê biển Tây mà ông Tuấn quản lý cũng bị tàn phá nặng nề hơn. Việc làm của ông Tổ trưởng Tổ quản lý đê nhân dân càng thêm ý nghĩa. Không chỉ vậy, ông còn đứng ra vận động người dân địa phương góp phần cùng lực lượng chức năng cùng góp sức bảo vệ đê.
Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Cà Mau chia sẻ: "Người dân như anh Tuấn là tấm gương. Anh là người nông dân thôi nhưng thấy sự cố đê điều thì anh báo ngay cho lực lượng chức năng và báo cáo thẳng cho hạt quản lý đê, trực tiếp là tôi. Đây như là tiền trạm của Hạt đê điều khi có tình huống xấu. Đồng thời, anh còn có tinh thần tuyên truyền vận động người dân xung quanh cùng hỗ trợ lực lượng quản lý đê góp phần theo khả năng của mình như: nước uống, chỗ nghỉ ngơi, thậm chí là nấu cơm cho anh em hộ đê ăn để làm nhiệm vụ".
Ông Nguyễn Thanh Tuấn vốn là người gốc Nam Định. Ông luôn mong muốn mang sức mình xây dựng quê hương thứ hai của mình đẹp hơn. Ông lựa chọn “làm bạn với đê biển” để góp phần cùng cơ quan chức năng bảo vệ đê. Cũng là để bảo vệ người thân, bà con nơi mình ở. Việc làm của ông thầm lặng nhưng thật đẹp biết bao./.