Người dân phải thực hiện nghiêm túc về phòng chống Covid-19

VOV.VN - Theo các chuyên gia, bên cạnh việc truy vết, khoanh vùng đang làm rất tốt, thì vẫn cần người dân chủ động, dự phòng trong phòng chống dịch Covid-19.

Sáng 2/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết số lượng, số ca mắc Covid-19 từ tâm dịch Đà Nẵng tăng nhanh.

Kết quả giải trình tự gen cho thấy đây là chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, có đột biến làm tăng khả năng cảm nhiễm, dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

“Thực tế ở Đà Nẵng đã ghi nhận 6 ca trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được nguồn lây, đặc biệt lần này, tỷ lệ F2 bị nhiễm cũng tăng. Bên cạnh đó, có số lượng người lớn đi đến từ Đà Nẵng, đi đến các bệnh viện ở Đà Nẵng. Từ 1/7 đến nay, các cơ quan chức năng xác định có khoảng 1,4 triệu người”, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.

Trước diễn biến rất phức tạp và nguy cơ dịch lây lan nhanh từ Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tập trung tối đa nhân lực, phương tiện vào Đà Nẵng, lập bộ phận thường trực đặc biệt… đồng thời kêu gọi các địa phương và lực lượng khác cùng vào cuộc.

Theo các chuyên gia y tế, dịch Covid-19 có đặc thù “diễn biến âm thầm”, do vậy các lực lượng y tế cần tiếp tục thực hiện tốt khâu phát hiện sớm, khoanh vùng ngay, điều trị hiệu quả, ngăn chặn dịch lây lan.

Đặc biệt, trong lúc này mọi người dân phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong trạng thái “bình thường mới” như bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, hạn chế tập trung đông người, trang bị nước sát khuẩn…

“Hiện nay, chúng ta tập trung, dồn lực phòng chống dịch vào xử lý những điểm nóng, tuy nhiên, vẫn cần hết sức chú ý đến nền dự phòng, bởi mỗi người dân là 1 chiến sĩ chống dịch, nhưng hiện nhiều người có biểu hiện chủ quan. Do vậy, chúng ta cần nâng mức đề phòng của toàn xã hội. Mỗi người dân đều phải chủ động phòng dịch, thay vì thụ động, xảy ra cái gì mới ứng phó cái đó”, PGS.TS Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo.

Bên cạnh việc dồn lực dập dịch ở Đà Nẵng, các chuyên gia cũng đề xuất phải siết lại kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch. Trước hết lực lượng biên phòng và công an quản lý thật chặt người nhập cảnh.

Tiếp đó, ngành y tế cũng phải tiến hành rà toàn bộ số người già, người bệnh nền, người yếu thế; siết chặt việc bảo đảm vệ sinh an toàn dịch tễ, phòng chống nhiễm khuẩn trong các bệnh viện, phải “phòng thủ thật chặt”, nhất là với những khoa, những nơi đang điều trị nhiều bệnh nhân nặng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên