Người dân Thanh Hóa chặt bỏ cây cao su đang cho thu hoạch
VOV.VN - Do giá mủ xuống quá thấp, diện tích mật độ cây không còn đảm bảo, người dân nhiều nơi tại Thanh Hóa đã chặt bỏ cây cao su đang giai đoạn thu hoạch.
Sau hàng chục năm gắn bó với cây cao su, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) có hiện tượng chặt bỏ cây cao su, loại cây một thời tại Thanh Hóa xem như cây xóa đói, giảm nghèo có tính bền vững cao.
Tìm hiểu từ thực tế cho thấy, nguyên nhân người dân chặt hạ cây cao su là do giá mủ xuống quá thấp, tiền bán mủ không bù nổi công thuê cạo mủ. Hơn nữa, nhiều diện tích đến nay mật độ cây không còn đảm bảo. Theo quy chuẩn thì 1ha diện tích đất được trồng khoảng 550 cây cao su, thế nhưng, nhiều hecta nay chỉ có mật độ từ 200-300 cây, cá biệt có những diện tích chỉ còn khoảng 100 cây.
Nhiều diện tích cây cao su bị người dân đốn hạ tuy chưa trả hết nợ đầu tư ban đầu |
Gia đình chị Hà Thị Hoa, một hộ trồng cao su tại xã Hóa Quỳ (huyện Như Xuân – Thanh Hóa) cho biết, gia đình chị trồng 1ha cao su từ những năm 1999 - 2000, đến nay cây cao su đang trong độ thu hoạch mủ. Nhưng do giá mủ từ năm 2015 đến giờ quá thấp, chỉ còn giao động từ 9.000 - 12.000đ/kg. Nếu các gia đình thuê người cạo mủ thì tiền bán mủ không đủ trả công.
Còn ông Hà Văn Ngân (thôn Đồng Quan, xã Hóa Quỳ) nói: “Gia đình có diện tích đất vườn và rừng đồi đều trồng cao su mong xóa đói, giảm nghèo. Những năm đầu thu hoạch, giá mủ còn cao đời sống cũng ổn định. Nhưng vài năm nay, gia đình còn không muốn cạo mủ nữa. Có cạo cũng người trong nhà tự làm được bao nhiêu thì được, còn thuê người thì không đủ tiền trả công”.
“Người dân đề nghị với Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa (đơn vị đứng ra đầu tư ban đầu) xin chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng chưa được. Cả nhà dựa vào vài hecta đất để canh tác, nay cao su không cho giá trị nên khó khăn lắm” – ông Ngân chia sẻ thêm.
Xác nhận những vấn đề trên, ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Xuân khẳng định: “Đúng là thời gian qua trên địa bàn huyện có hiện tượng người dân chặt cây cao su. Có cả việc nhiều thương lái từ nơi khác đến thu mua thân cây gây mất ổn định tâm lý cho người dân. Theo chỉ đạo của tỉnh và các ngành, huyện Như Xuân đã liên tục có văn bản chỉ đạo các xã, tuyên truyền cho người dân không chặt phá cao su, cố giữ, bảo vệ chờ giá mủ tăng lên. Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện phối hợp với các ngành đã xử phạt 4 hộ dân tự ý chặt cây cao su”.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Huyện Như Xuân hiện có hơn 6.000ha cây cao su. Năm 2015, huyện ban hành rất nhiều văn bản, tuyên truyền cho bà con không chặt cây cao su, đợi giá mủ cao su lên. Hiện giá mủ cao su quy khô thời điểm này khoảng 23.000 đ/kg. Tính ra 1ha một năm cũng thu được 23 triệu đồng”.
Ông Hà Văn Ngân cố cạo lấy ít mủ bán kiếm tiền tiêu vặt và ông mong được chuyển đổi rừng cao su của gia đình sang cây trồng khác |
Cây cao su tại Thanh Hóa được trồng trong 3 giai đoạn, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có gần 20.000ha. Để khuyến khích người dân trồng và chăm sóc cây cao su tốt, UBND tỉnh này cũng đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cao su giai đoạn 2011 - 2015, với mức hỗ trợ 9 triệu đồng/ha cao su trồng mới và chăm sóc hai năm đầu. Về năng xuất, toàn tỉnh hiện có hơn 6.400ha cao su đang cho thu hoạch mủ, sản lượng đạt hơn 6.000 tấn/năm.
Các địa phương tại Thanh Hóa có diện tích cây cao su lớn như: Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy... Tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua cũng đề ra mục tiêu tiếp tục trồng mới cây cao su. Như trong năm 2015, tỉnh này đề ra kế hoạch trồng mới 800ha cao su, nhưng do giá mủ thấp, người dân không còn mặn mà nên chỉ trồng đúng được 1ha, và đã chỉ đạo dừng trồng.
Theo phản ánh của người dân về việc Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa (đơn vị ký hợp đồng với người dân đầu tư ban đầu và thu mua mủ) không tổ chức thu mua mủ từ cuối năm 2015, ông Đỗ Viết Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Do tình hình giá mủ cao su giảm chung, nhưng không vì thế mà Công ty không thu mua mủ. Tại huyện Như Xuân, Công ty chúng tôi tổ chức một điểm thu mua mủ cho bà con. Nhưng thời gian qua, nhiều bà con bán mủ ra ngoài cho các tư thương với giá cao hơn, hoặc bằng với Công ty.
Có việc bà con không bán cho Công ty vì phải trừ phần trăm tiền đầu tư ban đầu; bán cho các tư thương bên ngoài thì được bao nhiêu, bà con lấy bấy nhiêu. Chính vì thế, từ cuối năm 2015, điểm thu mua mủ của Công ty trên huyện Như Xuân không còn ai làm”.
Cây cao su tại Thanh Hóa đang ngày càng đáng quan tâm khi giá mủ xuống thấp, dân mỏi mòn chờ đợi và buộc lòng phải chặt phá để chuyển đổi sang cây trồng khác. Để tỉnh Thanh Hóa muốn giữ ổn định cây cao su, cần nhanh chóng có cơ chế đối với người trồng để đảm bảo cuộc sống của dân và chăm sóc cây cao su đúng kỹ thuật./.