Người đường sắt mong kế hoạch không bị "vỡ", tàu Bắc - Nam sớm được chạy lại
VOV.VN - Sau khi Chính phủ vào cuộc, hành không đã được khôi phục các chuyến bay. Đối với đường sắt cũng đang cần sự quyết liệt, quyết đoán để sớm được khai thác trở lại vì nhiều địa phương vẫn đang “lăn tăn” chưa quyết.
Ngay đầu tháng 10, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản xin ý kiến 22 địa phương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về kế hoạch tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, dự kiến chạy lại tàu khách từ ngày 7/10/2021.
Tuy nhiên, theo Cục Đường sắt, đến 8/10, có 03 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng và Quảng Trị và Phú Yên nhất trí với Dự thảo kế hoạch; UBND thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác chưa đồng ý cho tàu được hoạt động trở lại.
Cục Đường sắt cho biết đến nay còn 21 tỉnh/thành chưa có ý kiến: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.
Do đó, các tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn chưa được phép và chưa biết ngày được chạy tàu trở lại.
Nóng lòng muốn tàu sớm được lăn bánh
Theo Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh, ngay sau khi có phương án cho đường sắt được hoạt động trở lại, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện...sẵn sàng tổ chức chạy lại tàu khách trên các tuyến.
Kế hoạch dự thảo này nêu chi tiết số đôi tàu trên các tuyến, dự kiến ngày chạy lại của từng đôi tàu theo từng giai đoạn, các ga dừng đón, trả khách trên các tuyến và việc tổ chức thực hiện.
“Tổng công ty Đường sắt cũng chấp hành nghiêm các chỉ thị của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT trong công tác phòng chống dịch Covid-19; Đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp "5K" trong quá trình giao tiếp và phục vụ khách hàng. Tuy nhiện, đến nay các tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn chưa được phép chạy tàu trở lại...”, ông Minh cho hay.
Để chuẩn bị cho các chuyến tàu Bắc - Nam hoạt động trở lại, ông Minh cho biết thêm, ngoài phương án sẵn sàng chạy tàu, toàn bộ nhân viên phục các chuyến tàu đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 và đi tàu theo mô hình bong bóng nhằm giảm chi phí xét nghiệm, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định theo hướng dẫn của Bộ GTVT về tổ chức hoạt động vận tải hành khách.
Về kế hoạch chạy tàu cụ thể, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị đường sắt có phương án chuẩn bị về phương tiện, nhân lực đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Tinh thần là sẵn sàng chạy tàu khách trở lại ngay từ đầu tháng 10/2021.
"Về nhân lực, chúng tôi sẽ bố trí lái tàu và nhân viên phục vụ trên tàu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và đi tàu theo mô hình bong bóng. Yêu cầu các đơn vị trên tàu, dưới ga nghiêm túc chấp hành chỉ thị của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp “5K” trong quá trình giao tiếp và phục vụ khách hàng”, ông Phan Quốc Anh cho biết.
Công ty vận tải đường sắt Hà Nội bảo dưỡng tàu, làm vệ sinh tàu xong
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị phụ trách khu vực phía Bắc, bà Hà cho biết, công ty đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho Chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt Hà Nội, các chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng, Vinh...bố trí đội ngũ nhân viên phục vụ trên tàu đáp ứng các tiêu chuẩn như: Đã tiêm đủ liều vaccine, trong đó liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày, có chứng nhận tiêm chủng; Hoặc người đã mắc và khỏi bệnh Covid-19, có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng tính đến thời điểm đi tàu theo quy định...
“Để đảm bảo phòng dịch, trước khi đi tàu, nhân viên sẽ được test nhanh kháng nguyên để kiểm tra. Đơn vị nào không đủ nhân lực, chúng tôi chuyển tàu cho đơn vị khác đảm nhận, nhằm đảm đảo nhân viên đi tàu đáp ứng các quy định phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ GTVT. Cùng đó, nhân viên đi tàu được bố trí đi tàu theo mô hình bong bóng, nghĩa là đi tàu thường xuyên trong một thời gian nhất định đến khi có tổ khác thay thế, kết thúc chuyến đi phải hạn chế tối đa tiếp xúc tại khu vực ga, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm”, bà Hà cho biết.
Cũng theo bà Hà, đến nay toàn bộ các toa xe sẽ đưa ra lập tàu khách theo phương án dự kiến đã được chỉnh bị, làm vệ sinh và khử khuẩn, đảm bảo toa xe khi vận dụng an toàn, trang thiết bị phục vụ hành khách đầy đủ, hoạt động tốt.
“Các toa xe trước khi đưa ra đón hành khách sẽ được phun khử trùng. Các đơn vị cũng chuẩn bị đầy đủ các vật tư trên tàu phục vụ hành khách phòng dịch như xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn”, bà Hà nói.
Lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội khẳng định, trên tàu nhân viên sẽ phải thực hiện các quy định phòng dịch của ngành như: Dành riêng vị trí để cách ly hành khách, nhân viên nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh; 3 tiếng/1 lần thực hiện vệ sinh khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B tại các vị trí hay tiếp xúc, dễ lây lan virus như tay nắm cửa, mặt bàn.
Cùng với sự chuẩn bị của các đơn vị vận tải, đối với các ga, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng yêu cầu nhân viên phục vụ hành khách, nhân viên làm công tác chạy tàu phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. Bố trí đầy đủ dung dịch rửa tay sát khuẩn tại các vị trí thuận tiện để hành khách sử dụng. Đồng thời thường xuyên vệ sinh khử khuẩn khu vực phục vụ hành khách; định kỳ phun khử khuẩn nhà ga....
Trước sự chậm trễ của các địa phương, mới đây tại cuộc làm việc với các đơn vị và địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đề nghị, việc mở lại tàu khách trên các tuyến cần phải được thống nhất thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc tạo điều kiện đưa người dân về quê, không để tự phát.
“Đề nghị các địa phương phản hồi bằng văn bản trước 13/10/2021, trong đó kiến nghị về thời gian bắt đầu thực hiện, ga đón, trả khách... Đồng thời có ý kiến cụ thể về cơ chế phối hợp thế nào giữa các địa phương, đường sắt và thống nhất các quy định, nhất là về giấy tờ, biểu mẫu để không quá phức tạp, dễ triển khai”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đông yêu cầu các đơn vị và địa phương phải hoàn thành dự thảo kế hoạch khoảng 15/10/2021 để báo cáo Chính phủ.
Thông tin mới nhất, tối 10/11, Bộ GTVT đã ban hành quyết định quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Theo đó, đường sắt sẽ được thí điểm chạy lại tàu khách trên tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội-Hải Phòng từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021./.