Người Hà Nội “ứng phó” với phương án đổi giờ học

Để giải pháp này phát huy hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành cùng với những giải pháp đồng bộ khác.

Thực hiện quyết định của UBND thành phố Hà Nội về điều chỉnh giờ học, giờ làm việc, từ 1/2 hàng loạt các cơ quan, đơn vị, trường học trên phạm vi toàn thành phố đã triển khai làm việc theo quy định mới. Theo đó, học sinh mầm non, tiểu học, THCS bắt đầu học từ 8h và kết thúc lúc 17h; học sinh, sinh viên trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH bắt đầu giờ học buổi sáng trước 7h và kết thúc sau 19h.

Sau khi tiến hành đổi giờ học, giờ làm, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội – ông Nguyễn Quốc Hùng – đưa ra nhận định: “Tình hình giao thông đi lại trên các tuyến đường của thành phố được cải thiện, trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc có đông nhưng không tắc nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể”.

Thông báo thay đổi giờ học được các bậc phụ huynh quan tâm theo dỏi (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, việc thay đổi giờ học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nếp sinh hoạt của học sinh và giáo viên. Tại nhiều trường tiểu học trong thành phố, Ban giám hiệu đã dán thông báo thực hiện quy định đổi giờ học giờ làm ở bảng tin trước cổng của trường để các phụ huynh và học sinh nắm bắt được kế hoạch tổ chức giảng dạy. Nhiều trường tổ chức đón các cháu học sinh tiểu học từ 7h30-8h sáng và cho học sinh nghỉ từ 16h30 - 17h.

Chị Nguyễn Quỳnh Lan, khu đô thị mới Pháp Vân cho biết, chị có con gái đang học tại trường mẫu giáo Pháp Vân. Nếu như trước đây, chị đưa con đến lớp vào lúc 7h sau đó đến cơ quan làm việc là vừa kịp 8h. Theo việc điều chỉnh giờ học của con, chị sẽ đến cơ quan muộn khoảng 20-30 phút sau khi đưa con tới trường, vì từ nhà chị đến chỗ làm ít nhất là một giờ đồng hồ.

Khó khăn nhất phải kể đến nhóm học sinh THPT và sinh viên. Bởi, các em vẫn phải vào học như thường lệ đối với ca sáng, trong khi giờ kết thúc ca chiều lại muộn hơn trước tới 2 tiếng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch học tập của các em. Em Trần Duy Linh, học sinh lớp 12 trường THPT Yên Hòa cho biết: “Lịch học hiện giờ của chúng em rất dày, ngoài giờ học tại trường chúng em còn phải học bổ túc buổi tối, học tại nhà. Nếu tan học muộn chúng em chẳng đủ thời gian nghỉ ngơi nữa”. 

Sinh viên Nguyễn Thị Kim Dung, Trường Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội băn khoăn, bởi với lịch học như vậy sẽ phải sắp xếp lại thời gian học thêm tiếng Anh vào buổi tối.

TP Hà Nội đang nỗ lực để giảm ùn tắc (Ảnh: KT)

Việc thay đổi giờ học giờ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quỹ thời gian của đội ngũ giáo viên. Họ phải làm việc từ 7h sáng đến tận 19h. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ trích ngân sách hỗ trợ các giáo viên phải làm việc thêm giờ với mức 700.000 đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, đối với các trường tư thục thì lại có mối lo lắng khác. Chị Nguyễn Thị Hà giáo viên trường mầm non Sơn Hà Baby băn khoăn: “Hầu hết chúng tôi phải tự sắp xếp, bố trí thời gian trông các cháu thêm 30 phút kể từ lúc kết thúc giờ học. Khoảng thời gian làm thêm này ai sẽ trả cho chúng tôi, không lẽ lại “gõ” lên đầu học sinh?”. 

Theo các chuyên gia, việc thay đổi giờ học, giờ làm lần này là một trong số nhiều giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, để giảm thiểu ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành cùng với những giải pháp đồng bộ, tổng thể; thậm chí cần có một “cuộc cách mạng giao thông”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên