Người lao động bị “treo” bảo hiểm xã hội: Đảm bảo quyền lợi như thế nào?
VOV.VN - Để xảy ra tình trạng trốn đóng báo hiểm xã hội, trách nhiệm trước tiên thuộc về người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải nói tới một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp và tổ chức đại diện người lao động.
Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, hiện cả nước có khoảng 2,79 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ một tháng trở lên, trong đó hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn.
Thông tin với PV VOV2, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: 200.000 lao động này chủ yếu trong các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản; đang làm thủ tục giải thể, phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và đơn vị không có người đại diện theo pháp luật (chủ bỏ trốn). Trong đó có gần 20% là người đủ điều kiện giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần; gần 40% người lao động đang tiếp tục tham gia ở đơn vị mới; gần 20% lao động hiện đang nghỉ việc (chưa tham gia ở nơi mới); khoảng 10% người lao động điều chỉnh tăng tiền lương theo quy định của cơ quan có thẩm quyền sau khi người lao động đã nghỉ việc chuyển đơn vị khác, đã giải quyết các chế độ.
Thống kê của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố 382 vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa vụ nào bị xử lý, trong đó 186 vụ bị cơ quan điều tra xác định không khởi tố vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Ban Chính sách - pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động sẽ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn bởi họ không chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Đặc biệt, rất nhiều quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng như: không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh, bị cắt giảm các chế độ phúc lợi.
Phân tích thêm về quyền lợi của người lao động khi bị trốn đóng bảo hiểm xã hội và tiền lương, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội bày tỏ nỗi cảm thông bởi thực tế việc doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ khiến cơ quan bảo hiểm xã hội không ghi nhận được quá trình đóng bảo hiểm xã hội và ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động. Thậm chí có nhiều trường hợp chỉ đến khi đi khám bệnh, họ mới phát hiện ra mình bị nợ đóng bảo hiểm xã hội nên không được bảo hiểm y tế chi trả.
“Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm trước tiên thuộc về người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải nói tới một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp và tổ chức đại diện người lao động”, ông Cường phân tích.
Mới đây, tại phiên làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra đề nghị, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cách xử lý đảm bảo quyền lợi cho hơn 200.000 lao động bị doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng đã yêu cầu bảo hiểm xã hội Việt Nam tiến hành rà soát số liệu, thống kê, phân nhóm đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trao đổi thống nhất phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các đơn vị đã phá sản; đơn vị đang làm thủ tục phá sản; đơn vị ngừng hoạt động và đơn vị không có người đại diện theo pháp luật (chủ bỏ trốn).
“Trước tiên, kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp đã đủ điều kiện hưởng các chế độ. Những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, tử tuất,..thì cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết để đảm bảo kịp thời quyền lợi cho người lao động”, ông Cường thông tin.
Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ xác nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để cộng nối thời gian đóng đối với người lao động đang tham gia tại đơn vị mới hoặc bảo lưu thời gian đã đóng đối với trường hợp đang nghỉ việc.
Cũng theo thông tin của ông Nguyễn Duy Cường, ngay đầu tháng 11/2022, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản 4388 gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố hướng dẫn công tác thanh tra năm 2023, trong đó đề nghị “thanh tra toàn bộ đơn vị/doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với 100% đơn vị/doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý”. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ, các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023.
Theo ý kiến của các chuyên gia, tất cả các giải pháp hiện đang áp dụng chỉ mang tính trước mắt, về lâu dài cần phải sửa Luật bảo hiểm xã hội, tăng cường các chế tài đủ mạnh cho hành vi trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách và pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng: Việc sửa đổi pháp luật về an sinh xã hội, nhất là sửa đổi về Luật bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trong đó phải chú trọng tăng tính công khai minh bạch, tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe. Đồng thời phải tăng trách nhiệm các cơ quan quản lý về bảo hiểm xã hội, không để tình trạng doanh nghiệp chậm đóng kéo dài. Trong thực thi cũng phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan. “Bộ luật hình sự đã quy định tội liên quan đến trốn đóng BHXH, chậm đóng BHXH nhưng hầu như chưa xử lý được thì cái này cũng phải xem xét”, ông Quảng nêu quan điểm.
Còn theo ông Nguyễn Duy Cường, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, từ ý thức của người sử dụng lao động đến công tác tổ chức thực hiện của các cơ quan liên quan và một phần là do các quy định về mặt pháp luật chưa đủ sức răn đe. Do vậy, để hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp. Việc sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội cũng chỉ có thể giải quyết được một phần những nguyên nhân từ quy phạm pháp luật.
Theo dự kiến, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ dành một chương/mục riêng để quy định về quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có các biện pháp, chế tài xử lý vi phạm trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng nợ đọng bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất bổ sung một số chế tài xử lý, như: Phong toả hoá đơn với trường hợp trốn đóng từ 6 tháng trở lên, cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp trốn đóng từ 12 tháng trở lên.
Ngoài ra, để nâng cao tính tuân thủ của người sử dụng lao động, đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, dự thảo Luật cũng dự kiến bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tới đây, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp các ý kiến tham gia, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của các cơ quan chức năng các cấp ông Nguyễn Duy Cường cũng khuyến cáo người lao động:
- Khi bắt đầu vào làm việc cho doanh nghiệp cần yêu cầu người sử dụng lao động phải đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho mình.
- Trong quá trình làm việc, chủ động theo dõi, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đầy đủ, kip thời thì trực tiếp yêu cầu người sử dụng lao động hoặc phản ánh với tổ chức công đoàn hoặc nhờ các cơ quan chức năng ở địa phương can thiệp, yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
- Hiện nay, cơ quan bảo hiểm xã hội đã triển khai ứng dụng VssID, đây cũng là một kênh để người lao động chủ động giám sát quá trình tham gia, đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động./.