Người lao động mong ngóng được thưởng Tết
VOV.VN -Mức thưởng cao nhất ở Hà Nội là 80 triệu đồng thuộc doanh nghiệp FDI. Còn ở TP HCM, mức thưởng cao nhất lên tới 2 tỉ đồng.
Tết nguyên đán đang đến gần. Thời điểm này, nhiều công nhân đang “mong ngóng” các khoản lương, thưởng Tết sau một năm lao động, cống hiến cho đơn vị, doanh nghiệp. Theo ghi nhận, mức thưởng trung bình của doanh nghiệp dành cho người lao động phổ biến là 1 tháng lương.
Đối với người lao động, thưởng Tết có ý nghĩa rất quan trọng bởi cuối năm phải chi tiêu nhiều khoản như: tiền về quê, đến sắm sửa cho gia đình đón năm mới… Tại nhiều khu công nghiệp, khi được hỏi, nhiều công nhân cho biết, họ rất “trông ngóng” vào thưởng Tết.
Nhiều doanh nghiệp coi thưởng Tết cho người lao động là một truyền thống |
Chị Lê Thị Định, Công nhân Công ty Panasonic (Khu công nghiệp Đông Anh) bày tỏ, năm nay kinh tế đã có chút khởi sắc, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong kinh doanh. Dù biết thế nhưng nhiều công nhân vẫn muốn được thưởng Tết cao một chút để về quê có quà cho gia đình, anh em nội, ngoại.
Chị Lê Thị Định bày tỏ: “Đi làm ai cũng mong muốn có lương, thưởng cao, nên người lao động mong muốn tăng lương, thưởng cao để người lao động có cuộc sống tốt hơn. Hiện tại công ty vẫn chưa thông báo mức thưởng cụ thể, nhưng tôi và nhiều công nhân khác mong muốn sẽ quan tâm hỗ trợ người lao động được tốt hơn để đón Tết vui vẻ và hạnh phúc”.
Nhiều doanh nghiệp coi thưởng Tết cho người lao động là một truyền thống và xác định công tác này phải được duy trì thường xuyên. Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Zemoto Việt Nam cho biết, doanh nghiệp có 20 năm hình thành và phát triển, năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, công ty luôn có những khoảng lương, thưởng tết cho tất cả công nhân. Hiện mức lương trung bình là 10 triệu/ công nhân.
Năm nay, doanh nghiệp vẫn duy trì mức thưởng như năm ngoái, mỗi người sẽ được thêm tháng lương thứ 13. Cũng theo ông Quý, đối với công nhân ở xa, doanh nghiệp bố trí phương án hỗ trợ đưa xe chở công nhân về quê ăn tết hoặc tặng tiền mua vé, chưa kể các chương trình tặng quà.
"Thưởng tết cho lao động là truyền thống, công ty năm nào cũng thưởng 1 tháng lương để ăn Tết. Ngoài ra còn có đánh giá, nhân viên có chỉ tiêu, nếu họ được lãnh đạo đánh giá hoàn thành tốt và vượt mức thì sẽ được thưởng nhiều hơn, có thể là gấp rưỡi"- ông Văn Quý nói.
Năm nay, mức thưởng trung bình của doanh nghiệp cho người lao động phổ biến là 1 tháng lương |
Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc việc thưởng Tết cho người lao động nhưng dự báo, mức thưởng trung bình của doanh nghiệp dành cho người lao động phổ biến vẫn là 1 tháng lương (gọi là tháng lương thứ 13).
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp muốn có nguồn lao động ổn định, có tay nghề giỏi cần phải thực hiện đầy đủ các chính sách của pháp luật đối với người lao động. Vì vậy, mỗi lãnh đạo doanh nghiệp phải coi người lao động là nguồn lực quan trọng, tài sản quý. Do đó, nên quan tâm, chăm lo cho người lao động thông qua chính sách tiền lương, tiền thưởng vào dịp cuối năm, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Ông Vũ Tiến Lộc nói: “Tôi đề nghị các doanh nghiệp hết sức quan tâm tới lao động trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Sự chăm lo của các doanh nghiệp cho người lao động giúp cho họ gắn bó với doanh nghiệp cùng với chủ doanh nghiệp sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập thành công. Chăm sóc cho người lao động lo tiền lương, tiền thưởng cho người lao động trong dịp Tết cũng như cả năm là cách để giúp cho doanh nghiệp trụ vững trong bối cảnh hội nhập”.
Theo thống kê ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, mức thưởng cao nhất ở Hà Nội là 80 triệu đồng thuộc doanh nghiệp FDI và mức thưởng thấp nhất là 450.000 đồng/người. Còn ở TP HCM, mức thưởng cao nhất lên tới 2 tỉ đồng cũng thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; mức thưởng thấp nhất là 134.000 đồng/người cũng thuộc về khối này...
Có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp hiện nay đều coi người lao động là nguồn lực quan trọng, là tài sản quý của doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc chăm lo cho người lao động, cùng với thực hiện trách nhiệm xã hội, cũng như các công việc xã hội từ thiện … sẽ là cách để giúp cho các doanh nghiệp phát triển bền vững trong xu thế mới hiện nay./.