Người lao động trục lợi bảo hiểm thất nghiệp: Do vô tình hay cố ý?
VOV.VN - Lao động vi phạm trục lợi BHTN hầu hết là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các khu chế xuất. Đội ngũ cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp cũng chưa nằm vững các quy định về pháp luật lao động để tư vấn cho người lao động, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng các quy định.
Tổng kết Luật Việc làm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, sau hơn 7 năm thực hiện luật, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm, bình quân hằng năm tăng 14,3%.
Số liệu thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho thấy, từ năm 2010 đến hết năm 2022, có gần 8,7 triệu người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng được mở rộng.
Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng một số người lao động chưa tuân thủ các quy định pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, có việc làm trong thời gian chờ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng không thông báo theo quy định, dẫn đến phải thu hồi.
Trao đổi về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, việc trục lợi bảo hiểm thất nghiệp một phần do luật chưa có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thông báo ngay cho cơ quan lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội về việc có việc làm của người lao động, nên xảy ra trường hợp người lao động đã có việc làm mà vẫn được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
"14 năm thực hiện giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, việc chưa có chức năng về kết nối được với dữ liệu quản lý thu của cơ quan BHXH nên trước khi giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm còn gặp nhiều khó khăn trong việc kịp thời phát hiện người lao động có quá trình trùng đóng BHXH, với việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều trường hợp người lao động bị phát hiện sau khi đã được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc trong quá trình giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp, hoặc quá trình chốt sổ BHXH cho người lao động cơ quan BHXH phát hiện. Vì vậy, việc giải quyết thu hồi tiền trợ cấp đối với người lao động thường mất nhiều nguồn lực, thời gian và tồn tại qua nhiều năm và còn khó thực hiện. Có trường hợp khi phát hiện người lao động vi phạm bị thu hồi là lúc họ đã hết hưởng trợ cấp thất nghiệp", bà Liễu cho biết.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, có trường hợp trục lợi bảo hiểm thất nghiệp do Trung tâm Dịch vụ việc làm phát hiện khi người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hoặc trong thời gian đang hưởng người lao động đến thông báo tình trạng việc làm hàng tháng. Một số là các trường hợp theo kết quả các kỳ kết luận của thanh tra, kiểm toán Nhà nước kiểm tra công tác quản lý thu của đơn vị tại cơ quan BHXH phát hiện người lao động có việc làm, được đóng BHXH nhưng vẫn hưởng bảo hiểm thất nghiệp mà không thông báo cho Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
Hoặc một số các trường hợp theo Thông báo của cơ quan BHXH gửi đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để phối hợp giải quyết do trong quá trình giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp phát hiện người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị mới trong thời đang hưởng trợ cấp thất nghiệp của lần hưởng trước (người lao động trùng đóng, trùng hưởng); hoặc phát hiện trong quá trình giải quyết chế độ hưu trí; giải quyết chế độ tử tuất cho người lao động.
Ngoài ra, cũng có trường hợp người lao động tự nguyện đến trung tâm có đơn đề nghị xin được xem xét giải quyết, có xuất trình hợp đồng lao động và xin hoàn trả tiền trợ cấp thất nghiệp do nhận thấy bản thân đã hưởng sai quy định.
Người lao động vi phạm chủ yếu là công nhân khu công nghiệp vừa và nhỏ
Nói về nguyên nhân dẫn đến trục lợi bảo hiểm thất nghiệp, bà Liễu cho biết, trong quá trình trao đổi, làm việc và trực tiếp lắng nghe người lao động là đối tượng hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trình bày về lý do dẫn đến hành vi vi phạm việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, đa số người lao động vi phạm không cố tình vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp, không cố ý trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp mà chủ yếu bởi một số lý do như chưa nắm rõ các quy định về pháp luật lao động nói chung và các quy định về bảo hiểm thất nghiệp nói riêng.
Người lao động nhầm lẫn khái niệm có việc làm, đa số đều cho rằng, bắt đầu được tham gia đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp mới bị cắt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều lao động cũng chưa có sự trao đổi cụ thể rõ ràng với doanh nghiệp về nội dung và hiệu lực của hợp đồng lao động, khi mới vào làm việc trao đổi là thử việc và chưa được nhận hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi được nhận và ký hợp đồng lao động thì ngày có hiệu lực của hợp đồng lao động lại được xác định từ trước thời điểm ký kết, hoặc thời gian thử việc, doanh nghiệp vẫn báo tăng đóng BHXH, BHTN... Do nhu cầu có việc làm nên dù chưa được ký kết hợp đồng, nhiều lao động vẫn đi làm và hưởng lương dẫn đến không xác định được chính xác ngày có việc làm theo hợp đồng lao động.
Theo bà Liễu, lao động vi phạm hầu hết là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp vừa và nhỏ, các khu chế xuất. Hơn nữa, qua trao đổi với người lao động thì đội ngũ cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp cũng chưa nằm vững các quy định về pháp luật lao động để tư vấn cho người lao động, dẫn tới hướng dẫn và thực hiện chưa đúng các quy định về giao kết hợp đồng lao động. Đây là một nguyên nhân khách quan, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới số lượng người lao động vi phạm bảo hiểm thất nghiệp.
Chính sách nếu không thực hiện đúng sẽ gây ra nhiều hệ lụy
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, khi một chính sách bị thực hiện không đúng sẽ gây ra những hệ luỵ. Đầu tiên là thất thu phần đóng (số người được hưởng tăng lên). Ngay từ đầu không ai muốn thất nghiệp để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng khi đến trung tâm dịch vụ việc làm, có người lao động sẽ nghĩ đến việc một lúc được hưởng 2 chế độ (bảo hiểm thất nghiệp và tiền lương) khi vẫn đi làm công việc khác. Bên cạnh đó, nếu trong quá trình thực hiện còn có những vướng mắc, thông tin không minh bạch rõ ràng có thể khiến thất thoát quỹ. Làm chính sách bảo hiểm thì quan trọng nhất là giám sát thất thoát, lạm dụng quỹ.
"Có trường hợp người lao động đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm không thiết tha với 3 chế độ đầu, mà chỉ muốn được hưởng trợ cấp. Có câu chuyện cười ra nước mắt, đó là khi gọi điện người lao động lấy bảo hiểm thất nghiệp thì nói: “Đợi em đi làm về rồi em lấy".
Ngoài ra, vấn đề tái hoà nhập thị trường lao động. Đây là những người có kinh nghiệm lao động, gánh nặng mưu sinh lớn, nếu không tái hoà nhập thị trường lao động, mà chỉ nhìn thấy lợi nhỏ trước mắt thì có khả năng sẽ làm sai lệch, không phát huy được vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp - nhanh chóng hỗ trợ họ tái hoà nhập thị trường lao động chứ không phải là để tạo nguồn thu nhập nào đó cho người lao động", bà Hương nhấn mạnh.