Người nghiện ma túy khó tiếp cận điều trị Methadone
VOV.VN - 90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị Methadone, tuy nhiên họ gặp rất nhiều rào cản.
“Methadone – lý tưởng cho người nghiện ma túy”
Anh Trần Thành Thắng, hiện là Chủ nhiệm CLB Chân Trời Mới – một tổ chức dựa vào cộng đồng của người sử dụng ma túy sau cai và đang điều trị bằng thuốc Methadone (điều trị Methadone) tại huyện Mường Ẳng (Điện Biên) cho biết: Anh vướng nghiện ma túy từ lâu, khiến “thân tàn ma dại”, kinh tế gia đình kiệt quệ. Anh được gia đình đưa đi cai nghiện và bản thân anh cũng quyết tâm dứt khỏi làn khói trắng tử thần, thế nhưng không dưới 20 lần cai rồi lại nghiện, nghiện rồi lại đi cai, nhưng đầu óc anh không thể dứt khỏi sự cám dỗ đến mê muội của ma túy.
Khi có chương trình điều trị Methadone triển khai tại Điện Biên, anh Thắng làm hồ sơ và trở thành bệnh nhân của cơ sở. Vậy là từ nhiều năm qua, đúng 7h30 phút hàng ngày, anh và các bệnh nhân khác đến tập trung uống Methadone. Đến nay, nhìn vẻ bề ngoài vạm vỡ, lối nói năng hoạt bát, nhanh nhẹn, không ai nghĩ anh đã trải qua quãng đời đen tối khi dính vào ma túy. Anh Thắng chia sẻ: “Được điều trị Methadone tôi thấy thực sự lý tưởng cho những người mắc nghiện. Giờ tôi không còn thấy thiết tha với ma túy nữa. Nếu như trước đây, tôi chỉ quanh quẩn với suy nghĩ làm sao có thuốc để thỏa mãn cơn nghiện, thì nay đã thấy đầu óc thanh thản, nhẹ nhõm, có nhiều thời gian dành cho gia đình và bản thân, cũng như đi làm để kiếm thu nhập nuôi gia đình”.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay đã có 80 quốc gia triển khai điều trị thay thế bằng Methadone. Dùng Methadone, người nghiện được nâng cao sức khỏe, tránh lây nhiễm HIV, tránh tử vong do sốc ma túy quá liều; đồng thời giảm tệ nạn và kỳ thị từ xã hội, giảm tiêu thụ ma túy bất hợp pháp. Ở nước ta, năm 2008 – 2009 bắt đầu thí điểm điều trị Methadone tại Hải Phòng và TP HCM. Tính đến ngày 15/11/2014 đã có 38/63 tỉnh, thành với 112 cơ sở điều trị với số lượng gần 22.000 bệnh nhân, đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015, chiếm 12% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.
Nhiều rào cản với người nghiện
Theo báo cáo của Mạng lưới của người sử dụng ma túy tại Việt Nam (VNPUT) thì 90% người sử dụng ma túy và gia đình của họ mong muốn được tiếp cận chương trình điều trị Methadone. Tuy nhiên, hiện còn rất nhiều rào cản khiến người sử dụng ma túy khó tiếp cận được chương trình này, trong đó có thủ tục “nhập viện”. Anh Trần Thành Thắng chia sẻ, thủ tục để một người nghiện được công nhận là bệnh nhân bắt buộc điều trị Methadone rất phức tạp, rườm rà và tốn rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc. Bản thân anh đã phải mất 4 tháng để hoàn thành hồ sơ. Theo anh Thắng: “Người nghiện đã bị suy kiệt về sức khỏe và kinh tế. Nếu chờ lâu quá, họ phải tốn rất nhiều tiền để hút chích, gây phức tạp cho xã hội, thậm chí có người đã tử vong trước khi hồ sơ hoàn thành”.
Anh Nguyễn Đình H. ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, bản thân anh nghiện ma túy và rất mong muốn tiếp cận chương trình điều trị Methadone. Tuy nhiên, khi anh tới phường xin xác nhận thì phường chỉ sang bên công an, vì họ nghĩ anh là người nghiện trốn trại. Phía công an nói rằng họ không có quyền xác nhận anh nghiện ma túy, mà phải là cơ sở y tế cấp quận trở lên. Sau đó anh được hướng dẫn tới Bệnh viện Thanh Nhàn, rồi qua Bệnh viện Xanh-Pôn, Bạch Mai làm các xét nghiệm sâu rất tốn kém, tuy nhiên chờ đợi đã hơn 1 tháng mà anh vẫn chưa xong thủ tục, trong khi mỗi ngày vẫn phải vật lộn với cơn nghiện và bằng mọi cách để có tiền sử dụng ma túy trái phép.
Cần xã hội hóa chương trình điều trị Methadone
Ông Nguyễn Hoàng Long cho biết, nguồn kinh phí chương trình được viện trợ 100%, hiện đang bị cắt giảm nhanh và sẽ kết thúc trong 1 – 2 năm tới; trong khi đó ngân sách Trung ương cắt giảm 70% so với năm 2013. Nhiều cơ sở thiếu kinh phí, không muốn nhận thêm bệnh nhân, nhiều địa phương không có tiền mở thêm cơ sở mới hoặc có sơ sở nhưng lại vắng bệnh nhân, gây lãng phí; đội ngũ nhân viên y tế không mặn mà với công tác này. Điều tra cho thấy cơ sở ở Sơn La với quy mô 200 bệnh nhân nhưng chỉ có 19 người điều trị; cơ sở tại TP Đà Nẵng có quy mô tương tự nhưng cũng chỉ thu hút được 170 bệnh nhân…
Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân dùng ma túy tổng hợp, “ma túy đá” ngày càng tăng và chưa có biện pháp can thiệp; nhiều bệnh nhân nghiện rượu; bệnh nhân đi làm ăn xa, công tác ở những địa phương không có chương trình Methadone (trong khi đó quy định không được mang thuốc theo); tỷ lệ bệnh nhân bỏ điều trị ngày càng tăng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, kinh phí cho một ca điều trị Methadone là từ 20.000-25.000 đồng/ngày/người, trong đó tiền thuốc là 7.000-8.000 đồng. Ông Long đề xuất: “Cần mở rộng xã hội hóa chương trình này. Dự kiến thu 10.000 đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, để chương trình đạt hiệu quả hơn, cần rà soát và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính để đưa người nghiện vào điều trị; xây dựng mô hình điểm cấp phát thuốc tại các trạm y tế xã, nhất là khu vực miền núi; cũng như có thể sản xuất thuốc trong nước”.
Theo anh Nguyễn Đình H., những người nghiện ma túy như anh rất đồng tình đóng tiền. Bởi mỗi tháng họ chỉ phải bỏ ra 300.000 đồng để được điều trị Methadone, trong khi đó mỗi lần hút chích, người nghiện tốn ít nhất khoản tiền tương tự, thậm chí đến 500.000 đồng.
Về khía cạnh pháp lý, bà Trịnh Thị Lê Tâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS khuyến nghị cần đơn giản hóa thủ tục hành chính cho đăng ký điều trị Methadone, kể cả cho những người nghiện không có nơi cư trú ổn định; cũng như cần có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức ngoài công lập thành lập cơ sở điều trị Methadone./.