Người phụ nữ Thụy Điển nặng lòng với Việt Nam

Điều thúc đẩy người phụ nữ Thụy Điển này tìm hiểu Việt Nam là vì sao một nước nhỏ, nghèo lại có thể đánh thắng một “đế quốc to” vang dội như vậy.

Bà là một nhà xã hội học người Thuỵ Điển nhưng nói được tiếng Việt như người Việt. Hàng chục năm gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, bà không chỉ tận tâm với những dự án xã hội học, những dự án xoá đói giảm nghèo đem lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng, mà còn có hàng trăm bức ảnh có giá trị tư liệu cao về Việt Nam.

Việt Nam - sức hút kỳ lạ

Eva Lindskog (sinh năm 1947), là người Thuỵ Điển tích cực tham gia phong trào ủng hộ Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ.

Bà là một trong những người nước ngoài đầu tiên đặt chân tới Hà Nội vào mùa Xuân năm 1975, khi chiến dịch Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam đang vào giai đoạn nước rút, được tận mắt chứng kiến không khí tưng bừng khi Việt Nam thống nhất đất nước.

Bà Eva Lindskog

Điều thúc đẩy Eva đến tìm hiểu Việt Nam là vì sao một nước nhỏ, nghèo lại có thể đánh thắng một “đế quốc to” vang dội như vậy. Từ đó, Việt Nam đã có sức hút kỳ lạ để Eva Lindskog gắn bó tới tận bây giờ.

Bà đã ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc nhiều năm, ghi lại những hoạt động của nhân dân Việt Nam đồng lòng, đồng sức vì niềm tin chiến thắng. Bức ảnh bà chụp tháng 3/1975 cho thấy rất nhiều người xem tấm bản đồ chiến thắng nói về diễn biến chiến dịch Tổng tiến công. Trong tấm ảnh có dòng chữ “miền Nam tiến lên và nổi dậy mạnh mẽ”, ở dưới có những tấm biển ghi diễn biến cũng như những con số thể hiện thắng lợi của quân và dân ta ở từng mặt trận Tây Nguyên, Bình Trị Thiên, Nam Bộ...   

Năm 1980, bà trở lại Việt Nam học tiếng Việt và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá và hệ thống giáo dục của Việt Nam. Từ năm 1986 - 1989, bà làm quản lý dự án nâng cao điều kiện sống cho công nhân làm việc tại Nhà máy giấy Bãi Bằng - dự án liên doanh giữa Chính phủ Việt Nam và Thuỵ Điển. Từ năm 1998, bà làm cố vấn tại Viện Môi trường Stockhom - Trung tâm châu Á (Thuỵ Điển) về sự ảnh hưởng, phát triển của văn hoá và xã hội tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Từ năm 2010, bà về Thuỵ Điển sinh sống, nhưng năm 2011 bà trở lại Việt Nam một vài lần khi tham gia một số dự án xoá đói giảm nghèo của Liên minh châu Âu.

Kho ảnh tư liệu có giá trị về Việt Nam

Với vốn tiếng Việt cùng với sở thích chụp ảnh, nhà xã hội học Eva Lindskog đã tạo được kho tư liệu quý giá gồm nhiều bức ảnh về Hà Nội và nông thôn miền Bắc trong những năm 75 - 80 của thế kỷ trước.

Xem những bức ảnh tư liệu quí giá này, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhận xét: “Có thể về góc độ nhiếp ảnh, bà Eva là người nghiệp dư, nhưng cái nhìn của bà rất chuyên nghiệp”.

Bức ảnh Phố Tràng Tiền - Hà Nội do bà Eva chụp

Rong ruổi khắp Hà Nội với chiếc máy ảnh, Eva ghi lại nhiều cảnh đời thường của người dân. Bà kể rằng: "Thời bao cấp, mọi người đều mua thực phẩm bằng tem phiếu, hình ảnh rất khác với cuộc sống của tôi ở Thụy Điển. Con phố Hàng Ngang, Hàng Đào vắng vẻ, chỉ có mấy chiếc xe đạp và người đi bộ". Những quầy hàng Tết thời bao cấp, toa tàu đông đúc, một điểm vui chơi công cộng trong ngày lễ, một đám cưới mà chú rể đèo cô dâu bằng xe đạp… đã đi vào ống kính của Eva.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương kể rằng, lần đầu tiên anh gặp Eva ở TP HCM khi bà đến xem triển lãm cá nhân của anh. Sau đó bà có sưu tầm một số tranh, tượng của Lê Thiết Cương. Nhưng chính nhiếp ảnh và quan niệm giống nhau về giá trị của nhiếp ảnh đã thúc đẩy hai người có những triển lãm chung. Đó là triển lãm "Việt Nam 80 - 00" (giai đoạn 1980 - 2000) vào năm 2007 và triển lãm “Còn và Mất” vào tháng 2/2011.

Những bức ảnh bà Eva chụp làm tư liệu cho riêng mình đã trở thành những tư liệu quí giá khi nó được giới thiệu với công chúng. Phía sau từng khuôn hình, cất giấu sự tinh tế của những câu chuyện dài về người nhập cư, về số phận những căn nhà trong phố cổ Hà Nội.

Vì dành trọn cuộc đời và tình cảm cho Việt Nam nên người con gái duy nhất của bà được bà đặt tên là Maria Liên, bởi “Liên” theo âm Hán Việt có nghĩa là bông hoa sen và phát âm theo tiếng Thụy Điển cũng không khó. Giờ đây, bà vẫn giữ bức ảnh đen trắng chụp bà và cô con gái Liên 3 tuổi cùng với những người bạn Việt Nam vào những năm 80 của thế kỷ trước.

Dấu chân bà Eva đã đặt ở khắp các tỉnh, thành phố của dải đất hình chữ S mà bà nặng lòng yêu thương. Nhưng nơi mà bà yêu thích nhất vẫn là Hà Nội. Bà yêu khu phố cổ và nếp sống của con người ở đó. Bà cũng thích đi bộ và thư giãn ở đường Thanh Niên để thưởng thức sự trong lành của gió, nước và cây xanh, ngắm ánh hoàng hôn mỗi chiều trên Hồ Tây. Bà coi Hà Nội là “quê nhà”, bởi vì: "13 năm ở TP.HCM nhưng tôi vẫn “giữ giọng” Hà Nội coi Hà Nội như là quê tôi vậy".

Bà Eva Lindskog giờ đây đã về sum vầy tuổi già với những người thân trong gia đình ở Thuỵ Điển. Nhưng tình cảm của bà vẫn dành trọn cho Việt Nam. Bà tâm sự, nếu còn sức khỏe, bà sẽ tham gia những dự án liên quan đến Việt Nam để có thể sang Việt Nam mỗi năm vài lần. Bà cũng ước mơ sẽ có dịp đưa cả gia đình trở lại Việt Nam./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên