Dự thảo Luật thuế Môi trường

Người tiêu dùng“gánh” thuế môi trường

Trong bản Dự thảo Luật thuế Môi trường, sẽ có 5 nhóm đối tượng phải nộp thuế môi trường và những người sử dụng những sản phẩm thuộc nhóm này cũng sẽ là người nộp thuế

5 nhóm đối tượng phải nộp thuế môi trường

Theo bản Dự thảo Luật thuế môi trường được đưa ra tại Hội thảo về Luật thuế Môi trường tại Vĩnh Phúc ngày 12/3 thì sẽ có 5 nhóm đối tượng phải chịu thuế môi trường bao gồm: xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp (túi ni lông), thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

So với bản dự thảo đầu tiên, bản dự thảo lần này có sự thay đổi về đối tượng chịu thuế khi chỉ còn lại 5 nhóm đối tượng so với 8 nhóm đối tượng trước là

Nhiên liệu và sản phẩm từ hoá thạch (xăng, nhiên liệu bay, dầu diezel, dầu hoả, dầu mazut, dầu, mỡ nhờn, than, khí thiên nhiên, khí than); Dung dịch HCFC; Thuốc lá; Hạt và bột nhựa từ sản phẩm hoá dầu; nhựa màng mỏng, phế liệu nhựa nhập khẩu;  Pin, ắc qui các loại; Hoá chất tẩy rửa (trừ các loại chế biến từ thực vật); Axít vô cơ, xút và nhóm sơn công nghiệp.

Giá thuế của các đối tượng cũng có nhiều thay đổi, trong đó, xăng dầu chịu mức thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít (so với dự thảo trước đây mức thuế đã giảm xuống 2.000 đồng/lít), nhiên liệu bay 1.000-3000 đồng/lít, dầu từ 300-2.000 đồng/lít. Còn than chịu mức thuế từ 6.000-30.000 đồng/tấn; dung dịch HCFC từ 1.000-5.000 đồng/kg; túi nhựa xốp 20.000-30.000 đồng/kg và thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng từ 500-5.000 đồng/kg.

Theo ban soạn thảo Dự thảo Luật thuế Môi trường, người nộp thuế môi trường chính là người sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường. Các doanh nghiệp sản xuất chỉ là người trả hộ và thuế môi trường sẽ được tính vào sản phẩm bán ra của các doanh nghiệp này.

Đại diện của ban soạn thảo Luật thuế môi trường ông Vũ Văn Trường, Tổ trưởng tổ biên tập Luật thuế Môi trường – Vụ trưởng Vụ Chính sách – Tổng cục thuế - Bộ Tài Chính cho rằng, việc áp thuế sẽ không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Ông Trường đưa ra ví dụ cụ thể: Nếu mua một chiếc tủ lạnh giá 2 triệu đồng, người tiêu dùng phải đóng mức thuế môi trường cho sản phẩm này là 1.000 đồng. Như vậy không phải là quá khó khăn với người mua sản phẩm.

Cũng theo ông Trường, áp thuế với những sản phẩm gây hại cho môi trường là nhằm giúp người dân ý thức trong việc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng. Nếu một túi nhựa xốp (túi ni lông) được áp thuế môi trường thì giá thành sẽ cao hơn. Bởi vậy, sẽ hạn chế được người dân trong việc sử dụng túi nhựa xốp gây hại đồng thời thay đổi ý thức trong việc đem làn nhựa mỗi khi đi chợ. Bởi vậy, mục tiêu chính của việc ban hành Luật thuế môi trường là nhằm định hướng người tiêu dùng trong việc lựa chọn cho mình những sản phẩm có lợi cho môi trường.

Thuế môi trường thay thuế “tiêu thụ đặc biệt”

Đã có nhiều sửa đổi so với Dự thảo Luật thuế năm 2009 nhưng vẫn khiến không ít ý kiến thắc mắc về những áp thuế đối với các mặt hàng được áp thuế môi trường đặc biệt là các mặt hàng nhạy cảm như: xăng dầu và than.

Đối với xăng dầu và than, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hai mặt hàng nhạy cảm bởi vậy việc áp thuế môi trường đối với hai sản phẩm này có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu. Đối với mặt hàng xăng dầu, hiện nay đang phải chịu thuế “tiêu thụ đặc biệt”, vậy khi áp thêm thuế môi trường là 1.000-4000 đồng/lít thì giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng cao.

Cần phân biệt rõ giữa phí môi trường và thuế môi trường: Phí môi trường nhằm huy động các chủ thể xả thải gây ô nhiễm môi trường phải góp tiền để cùng Nhà nước cải tạo môi trường. Còn thuế là cấu tạo nên một khoản thu trong sản phẩm, nên người mua sẽ phải nộp thuế môi trường. Phí môi trường phải nộp khi trực tiếp xả thải ra môi trường công cộng. Còn trong khu công nghiệp chất thải được xử lý riêng thì họ không phải nộp phí môi trường. 

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Trường cho biết, so với giá xăng hiện nay, nếu áp thuế môi trường, mặt hàng này sẽ không tăng vì khi đó xăng dầu không phải không phải nộp thuế “tiêu thụ đặc biệt” nữa. Ông Trường cho biết thêm, trong biểu khung thuế dự kiến, mức thuế tối đa chiếm 25% giá bán. Việc áp thuế nhằm điều hành giá xăng dầu theo giá hiện nay của thế giới và khu vực tránh tình trạng xuất, nhập lậu mặt hàng này.

Trong nhóm xăng dầu có sự đánh thuế chênh lệch giữa hai mặt hàng xăng và dầu diesel. Xăng gây tổn hại cho môi trường ít hơn dầu diesel lại phải chịu thuế cao hơn mặt hàng này. Vấn đề này được giải thích trên cơ sở do dầu diesel chủ yếu người sử dụng là ngư dân đánh cá, vận tải hàng hóa và vận tải đường sắt. Nếu áp thuế môi trường cao hơn sẽ làm ảnh hưởng đến dân sinh vì các mặt hàng khác sẽ tăng giá theo.

Còn đối với mặt hàng than, ông Trường cho rằng, trong việc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường, những người làm Luật đã cân nhắc tới sự tác động lên nền kinh tế. Ông Trường nói: “Chúng tôi thiết kế giá thuế với than ở một mức độ ngành than có thể chịu được trên cơ sở so sánh giá than trong nước và thế giới. Mức tiếp cận này phải mang tính lâu dài để tính tới khả năng ngành than cần nhập khẩu mặt hàng này trong tương lai”.

Nhiều ý kiến cho rằng có nên đánh thuế môi trường với nhóm đối tượng Thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng khi người sử dụng đa số là nông dân có thu nhập thấp. Việc đánh thuế đối tượng này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Đại diện của Vụ Chính sách thuế cho rằng, khi đưa đối tượng này vào danh mục đánh thuế môi trường Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đã có những khảo sát thực tế. Theo Cục này thì phân bón chiếm khoảng 35% chi phí đầu vào của người nông dân, thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 12% còn thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện đưa vào chịu thuế chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng số các thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào sử dụng ở Việt Nam. Bởi vậy, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ rất nhỏ. Hơn nữa, việc áp thuế với nhóm này sẽ hạn chế được việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng và giúp nông dân dần ý thức được việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nào có lợi và có hại cho cây trồng.

Thuế môi trường được hiểu là thuế giãn thu, là thuế do người tiêu dùng phải nộp khi mua những sản phẩm gây hại cho môi trường, doanh nghiệp chỉ là cơ sở đóng hộ. Vậy nên, có hợp lý khi thực hiện giảm thuế cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, tai họa bất ngờ như trong phần giảm thuế của Luật thuế môi trường. Theo ông Vũ Văn Trường, đây là vấn đề đang có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau vì trong các thiệt hại rất dễ sinh ra tiêu cực, trốn thuế, nhưng Nhà nước cũng cần phải tìm cách cứu trợ, hộ trợ các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Bởi vậy, cho đến khi Dự thảo được trình quốc hội vào tháng 10 năm nay, chắc chắn vấn đề này sẽ còn được thảo luận nhiều, ông Trường cho biết./.

Biểu khung thuế môi trường 

STT

Sản phẩm

Đơn vị

Khung thuế suất

(đồng)

I

Xăng dầu

 

 

1

Xăng

lít

1.000 - 4.000

2

Nhiên liệu bay

lít

1.000 – 3.000

3

Dầu diesel

lít

500 – 2.000

4

Dầu hoả

lít

300 – 2.000

5

Dầu mazut

kg

300 – 2.000

II

Than

Tấn

6.000 – 30.000

III

Dung dịch HCFC

kg

1.000 - 5.000

IV

Túi nhựa xốp (túi ni lông)

kg

20.000 – 30.000

V

Thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng

 

 

1

Thuốc sử dụng trong nông nghiệp

kg

500 - 2.000

2

Thuốc trừ mối

kg

1.000 - 5.000

3

Thuốc bảo quản lâm sản

kg

1.000 – 5.000

4

Thuốc khử trùng kho

kg

1.000 - 5.000

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên