Người trong cuộc trải lòng về mộ liệt sỹ tập thể ở Tân Sơn Nhất
VOV.VN - Những ngày này, thông tin về tìm kiếm mộ chôn tập thể các chiến sĩ giải phóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất được nhiều gia đình ngóng đợi...
Tháng 7, tháng tri ân những thương binh, liệt sỹ đã sinh xương máu cho độc lập, hòa bình của dân tộc. Những ngày này, thân nhân liệt sỹ và người dân cả nước đang dõi theo từng ngày, từng giờ về việc tìm kiếm mộ chôn tập thể các chiến sĩ giải phóng quân trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất để chờ đón những thông tin mới nhất từ đoàn tìm kiếm.
Công tác khai quật đang được tiến hành một cách cẩn thận. |
Biết tin về ngôi mộ tập thể đang được tìm kiếm tại sân bay Tân Sơn Nhất qua Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Ngô Thị Phái, ở thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã lặn lội tìm đến với phóng viên, người đang cập nhật những thông tin về việc tìm kiếm để chia sẻ những thông tin về người anh ruột là liệt sỹ Ngô Văn Phiếu, sinh năm 1946, quê xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa hy sinh trong đợt 1 trận đánh vào sân bay Tân sơn Nhất năm 1968 đến nay chưa tìm được hài cốt.
Bà Phái cho biết, theo một đồng đội của anh trai, người còn sống sót từ trận đánh này kể lại: liệt sỹ Ngô Văn Phiếu ở Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 khi chuyển quân vào đến phía tây Sài Gòn thì đơn vị có tách một phần chi viện cho Tỉnh đội Long An ngay trong đêm 30 Tết năm 1968, ông Phiếu nằm trong Trung đội đại liên, Tiểu đoàn 16 đánh thẳng vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Khai quật tìm kiếm mộ chôn tập thể các chiến sĩ giải phóng quân trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
“Người đồng đội còn sống về cho hay đánh xong thì nhận được lệnh rút ra, anh đồng đội của anh trai tôi còn sống nhưng bị trúng đạn vào bụng lòi cả ruột ra, anh này cố gắng ôm bụng rút ra và chỉ có 3 người quay trở ra thôi, số còn lại không biết đã hi sinh hay lạc đơn vị. Khuya hôm sau đêm 31, mùng 1 Tết Mậu Thân đơn vị cho người vào tìm xác đồng đội thì không thấy nữa’, bà Phái nghẹn ngào nhớ lại.
Bà Ngô Thị Phái cho rằng ông Vũ Chí Thành, nguyên là Trung đội phó Trung đội đại liên, Tiểu đoàn 16 một trong số nhân chứng trong cuộc tìm kiếm mộ tập thể mà báo chí thông tin những ngày qua chính là một trong số chỉ huy của anh trai bà. Gia đình rất mong muốn được gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ về những giây phút cam go ác liệt của anh bà và đồng đội trong trận đánh ấy. Gia đình mong muốn được đến tận nơi dù chỉ thắp một nén nhang cho hương hồn những người đã hi sinh.
Từng chi tiết nhỏ cũng không được bỏ qua. |
“Bao nhiêu năm đi tìm rồi, đi tìm nhiều lần lắm rồi nhưng không tìm thấy. Bây giờ nghe tin tìm kiếm ngôi một ở đó chúng tôi hi vọng nhiều lắm. Nếu như tìm mà không còn chút hài cốt nữa thì gia đình xin được ghi tên anh vào bia ở đó, xin một nắm đất để đắp lên mộ của anh trai của mình ở nghĩa trang quê nhà” bà Phái xúc động nói.
Ông Vũ Chí Thành, nhân chứng hiếm hoi còn sống sót của Tiểu đoàn 16 chia sẻ: Đây là đơn vị đánh vào phía tây sân bay, sau trận đánh từ quân số 550 còn lại chưa tới 100, đến nay trong số hy sinh còn hơn 300 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Vào thời điểm đó, ngoài lực lượng trợ chiến, trinh sát, biệt động thành, bộ đội địa phương, Tiểu đoàn 16 thì còn có 2 tiểu đoàn khác là 267, 269 tổng số quân tham gia đánh trên dưới 1.500 người, hầu hết đều đã hi sinh.
Đơn vị của ông Thành là đơn vị được chi viện cho Tỉnh đội Long An trước trận đánh. Do mới được điều động về bổ sung nên anh em chưa kịp nhận quân trang mới, khi hi sinh anh em đều mang dép râu. Mới đây cũng tìm được một số di vật trong đó có dép râu ở khu vực được cho là có ngôi mộ này.
Công trường tìm kiếm mộ chôn tập thể các chiến sĩ giải phóng quân trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất. |
Nguyện vọng của bà Phái cũng chính là nguyện vọng của nhiều thân nhân liệt sỹ khác đã hi sinh và đông đảo người dân cả nước. Quá trình xâu chuỗi các hình ảnh, tư liệu, thông tin từ các nhân chứng… cũng cho thấy có một số điểm trùng khớp về số lượng người hi sinh và vị trí khu vực được cho là vị trí mộ tập thể. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến giờ này vẫn chưa biết có hay không nhưng khi nhận được thông tin các đơn vị của thành phố triển khai ngay từ mấy hôm nay, nếu phát hiện được thì quy tập liền. Chúng ta luôn cố gắng làm, đây trách nhiệm của lớp người đi sau phải lo lắng cho các anh, các chú đã hi sinh trong trận đánh này.
Trận đánh Mậu Thân 1968 đã lui vào quá khứ. Sau gần 50 năm, khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất đã thay đổi rất nhiều. Nơi này thời gian qua ngập nước nghiêm trọng, vả lại thi thể thời điểm đó không được chôn cất cẩn thận nên việc hài cốt bị tiêu hủy hoặc trôi lạc cũng có thể xảy ra.
Trên diện tích xác định có ngôi mộ rộng hơn 7 ha, hơn 50 cán bộ, chiến sỹ của Quân khu 7 cùng xe chuyên dụng vẫn đang nỗ lực đào tìm suốt ngày đêm hơn 2 tuần qua. Chắn chắn việc tìm kiếm sẽ còn mất nhiều thời gian, tất cả chúng ta ai cũng đều trông chờ một tin vui và chính những người trong cuộc cũng luôn hi vọng về một phép màu nào đó.
“Tháng 1 tới đây chúng ta sẽ kỷ niệm chiến thắng Mậu Thân đây, những ngày mà 70 năm thương binh liệt sỹ, nhưng người lính chúng tôi hết sức trăn trở, có thể nói là hết sức xúc động khi vừa tìm được, an táng hàng trăm hài cốt của đồng đội mình ở sân bay Biên Hòa. Riêng ở sân bay Tân Sơn Nhất giờ vẫn đang làm ngày làm đêm để tìm kiếm manh mối thông tin, tôi khẳng định rằng những thông tin có được dù nhỏ nhất cũng phải làm hết sức của mình”, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ.
Không chỉ riêng tại sân bay Tân Sơn Nhất, cả nước đến thời điểm này còn gần 300 ngàn liệt sỹ vẫn còn mất tin tức, chưa tìm được hài cốt. Tại các nghĩa trang liệt sỹ kể cả những nơi xa xôi của vùng đất Nam bộ vẫn còn nhiều ngôi mộ chưa tìm được tên cho những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng khẳng định đây là việc lớn, Chính phủ quyết tâm đến năm 2020 sẽ nỗ lực tìm kiếm, cất bốc được hết các mộ liệt sỹ còn thất lạc theo những thông tin đã có được đến thời điểm này ./.