Người trồng hoa phát “sốt” vì… rét đậm

Tết Nguyên đán đã cận kề, tuy nhiên thời tiết rét đậm kéo dài đã khiến người trồng hoa phục vụ thị trường Tết như ngồi trên đống lửa. Dự báo hoa Tết năm nay sẽ khan hiếm và giá tăng ít nhất 30% so với năm ngoái.
 

Những ngày này tới thăm những làng hoa nổi tiếng của Hà Nội như Tây Tựu, Mê Linh, Quảng Bá, Nghi Tàm đều thấy bà con thở dài ngán ngẩm vì rét đậm.

Làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm) là nơi cung cấp hoa tươi lớn nhất thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nếu như bằng giờ này năm ngoái, thời tiết nắng ấm, thương lái khắp nơi đã nhộn nhịp về lấy hàng, thì năm nay, trong cái rét dưới 10 độ C, cánh đồng hoa vẫn phủ một màn sương trắng. Những luống hoa hồng vẫn khẳng khiu, lác đác mới bắt gặp ruộng cúc gối vụ bắt đầu đơm nụ chúm chím. Hình ảnh nổi bật nhất của đồng hoa là những “chuồng trại” phủ bạt, ni lông với vô vàn bóng đèn công suất lớn được thắp sáng cả ngày lẫn đêm để ủ ấm cho hoa, hy vọng trong những ngày tới sẽ cho thu hoạch.

Bất chấp giá rét, bà con nông dân làng hoa Tây Tựu vẫn cần mẫn tưới nước, tỉa nụ cho những vườn cúc, hồng, đồng tiền, hoa ly với mong muốn để hoa kịp nở đúng dịp Tết nguyên đán. Theo người trồng hoa Tết, thời tiết lý tưởng nhất phải có lạnh và ấm đan xen. Nghĩa là sau mỗi đợt rét đậm, phải có ít nhất vài ngày nắng ấm, hoa mới “xé” nụ, bông hoa mới to, cánh hoa dày và đẹp. Còn nếu thời tiết vẫn rét đậm như thời điểm này, nụ hoa bung rất hạn chế, nếu có lại không được đẹp. Với gia đình anh Nguyễn Văn Trường, một người trồng hoa tại thôn Chung, thì ông trời đã không chiều lòng người, bởi thời tiết lạnh giá khiến 10 mẫu hoa ly của gia đình anh sinh trưởng chậm. Khó khăn đối với anh Trường càng lớn bởi vốn đầu tư vào trồng ly đến cả trăm triệu đồng. Bao nhiêu vốn liếng dồn cả vào vụ hoa Tết mà nay hoa không nở.

Theo anh Trường, rét đậm khiến hoa ly bị tía, hoa chậm lớn và lâu nở, hoa xấu. Để có một vườn hoa ly phải mất 3 tháng với nhiều công chăm sóc, đòi hỏi kỹ thuật cao. Tết là thời điểm để kiếm thu nhập cho gia đình nhưng rét thế này ly chậm nở, xấu. Còn gia đình bác Biểu đầu tư 2 sào ly, vốn bỏ ra cũng hơn trăm triệu, nay lại tốn thêm mấy trăm ngàn tiền điện thắp sáng mỗi ngày. Bác Biểu thở dài: “Nghe Đài báo còn rét tới giáp Tết, cho nên bà con giờ chỉ biết tăng cường sưởi ấm cho hoa. Hy vọng thu hồi được vốn là tốt rồi”.

Theo bà con trồng hoa nơi đây, hoa Tết năm nay sẽ khan hiếm, theo đó, giá sẽ tăng ít nhất 30% so với năm ngoái. Nếu như năm ngoái gặp trời nắng, cúc nở sớm nên thương lái ép giá mua tại ruộng với giá từ 300-700 đồng/một bông thì năm nay ít nhất phải 5.000-7.000 đồng/một bông bán sỉ; hoa hồng cũng phải 2.000-5.000/một bông, hoa loa kèn từ 2.000-4.000, một cây ly có thể lên tới 40.000-50.000 đồng. Giá bán tại thị trường chắc chắn cũng sẽ theo đó leo thang trong những ngày giáp Tết.

“Bằng giờ mọi năm, nhà tôi đã bán tại gốc cho thương lái hết rồi, coi như có tiền sắm Tết, nhưng năm nay họ mới đến thăm dò, chưa chịu đặt cọc vì e ngại hoa không nở kịp hoặc xấu”, chị Vinh, một người trồng hoa thạch thảo chia sẻ.

Tại Làng hoa Đại Thịnh (huyện Mê Linh), cả cánh đồng hoa bạt ngàn cũng chỉ đang ém nụ, trong số đó, diện tích hoa thu hoạch đúng dịp Tết chỉ khoảng 30%. Anh Nguyễn Văn Hợp, một người dân trồng hoa tại làng hoa Đại Thịnh cho biết: Mọi năm thời gian này hoa đã bắt đầu thu hoạch, nhưng năm nay vẫn đang đi tỉa lá. Nhà anh trồng khoảng 6 sào cả hoa cúc và hồng, mỗi sào đầu tư gần 7 triệu đồng chưa kể công chăm sóc trong vòng 3 tháng. Nhưng phần lớn diện tích trồng cúc và hồng đều không kịp ra hoa Tết. Cả năm trông chờ vào mỗi vụ hoa Tết, nhưng hiện có khả năng không cho thu hoạch kịp.

Anh Hợp thở dài: “Người dân trồng hoa phần lớn phụ thuộc vào thời tiết, nhưng rét như thế này thì hoa chỉ bán ra Giêng. Làng Đại Thịnh có đến 40-50% người trồng hoa không kịp phục vụ Tết. Song người dân vẫn tích cực tưới nước, bón thúc phân chuồng kèm vỏ trấu ủ ấm gốc, hay giăng mành thắp điện sáng với hy vọng hoa nở bán dịp Tết là tốt nhất”.  

Ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết: Cả xã có khoảng 327 ha trồng hoa. Năm 2010 nhờ dự án khuyến nông về hoa của huyện Từ Liêm triển khai tại đây nên ngoài những loại hoa truyền thống, bà con đã mạnh dạn trồng nhiều loại hoa cao cấp, đáp ứng nhu cầu chơi hoa của khách hàng, mang lại thu nhập khá cao, hơn hẳn trồng lúa và hoa màu. Tuy nhiên, năm nay, với thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng không nhỏ tới sản lượng và thu nhập của người dân trồng hoa. “Đợt rét đậm, rét hại này có thể làm giảm đến 50% sản lượng hoa của Tây Tựu. Với loại hoa trồng trong nhà lưới, người dân tăng cường thắp ánh sáng về đêm để kích hoạt cho tăng trưởng nên chi phí tốn hơn. Vì vậy xã phối hợp thường xuyên với điện lực Từ Liêm để ít cắt điện về đêm để phục vụ bà con chăm sóc hoa”, ông Việt cho biết.

Còn những người buôn hoa cũng đang xoay sở nguồn thu mua. Chị Nguyễn Thị Thảo, người làng Hoàng Mai, Hà Nội năm nào cũng lên Tây Tựu lấy hoa về bán tại chợ hoa Mai Động. Tuy nhiên, năm nay đã “lấy số, đặt tiền” tại chợ hoa rồi nhưng nguồn hàng vẫn chưa có. Chị cho biết, năm nay kinh doanh hoa tươi chắc chắn lãi hơn mọi năm vì nguồn hàng khan hiếm, nên giá sẽ rất đắt đỏ. Chị cũng đã tìm nguồn hoa tươi tại các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, tuy nhiên ở đâu hoa cũng chưa “chịu nở” vì rét đậm. Vì thế, chị chuyển sang kinh doanh cả hoa giả, hoa nhựa và hoa Đà Lạt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên