Người trúng đấu giá có được bán biển số mà chưa đăng ký cho xe?
VOV.VN - Người sở hữu biển số xe trúng đấu giá sẽ không thể chuyển nhượng riêng biển số. Thay vào đó, biển số chuyển nhượng phải đi kèm với chiếc xe đã được đăng ký biển số đó.
Người trúng đấu giá sẽ có 15 ngày để nộp tiền vào tài khoản của Bộ Công an
Theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an), Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức đấu giá với 11 biển số ô tô của 10 tỉnh, thành phố vào ngày 15/9.
Sau thời gian đấu giá, biển số ô tô 51K-888.88 có giá trúng cao nhất là 32,340 tỷ đồng; giá trúng thấp nhất là 650 triệu đồng, thuộc về biển số 15K-188.88.
Tại buổi đấu giá đầu tiên của phiên đấu giá biển số ô tô thứ nhất cũng ghi nhận, biển số 30K-555.55 được trả giá đến 14,120 tỷ đồng, còn biển số 30K-567.89 được trả 13,075 tỷ đồng. Tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 82,3 tỷ đồng.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được kết quả, biên bản, danh sách người trúng từ tổ chức đấu giá tài sản, Bộ Công an sẽ ban hành văn bản phê duyệt kết quả.
Bộ Công an sẽ gửi thông báo kết quả trúng đấu giá biển số ô tô vào hòm thư điện tử và gửi tin nhắn thông báo tới số điện thoại đã đăng ký tại tài khoản truy cập cho người trúng ngay sau khi phê duyệt kết quả.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm có thông báo kết quả, người trúng phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá sau khi đã trừ tiền đặt trước vào tài khoản chuyên thu của Bộ Công an.
Ngay khi nhận đủ số tiền trúng đấu giá, Bộ Công an sẽ cấp hoá đơn điện tử bán tài sản công và văn bản điện tử xác nhận biển số ô tô trúng đấu giá gửi vào hòm thư điện tử cho người trúng để làm thủ tục đăng ký xe.
Biển xe trúng đấu giá có thể bán bao nhiêu lần?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho biết, theo quy định thì người trúng đấu giá sẽ có quyền giữ biển số. Trường hợp có nhu cầu bán xe, người trúng đấu giá vẫn được giữ lại biển số đó để đăng ký cho xe khác thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, quyền sở hữu chỉ được áp dụng với người trúng đấu giá biển số.
Trường hợp muốn bán biển số thì phải bán kèm theo xe và biển số này sẽ gắn với chiếc xe được bán đến suốt đời. Người mua, người được tặng, được thừa kế biển số đấu giá từ người trúng đấu giá chỉ được bán xe kèm biển và không có quyền giữ lại biển số.
Việc quy định người được nhận chuyển nhượng, mua, cho tặng không được giữ lại biển số nhằm tránh việc đầu cơ, trục lợi.
Người trúng đấu giá sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định thì sẽ được cấp quyết định trúng đấu giá. Họ có 12 tháng kể từ khi quyết định trúng đấu giá có hiệu lực để đăng ký cho phương tiện của mình.
"Qua khảo sát, Cục Cảnh sát giao thông xác định, thời gian 12 tháng là thời gian đủ để người trúng đấu giá chuẩn bị tài chính, đặt mua phương tiện để đăng ký. Nếu quá thời gian 12 tháng nhưng người trúng đấu giá không đăng ký cho phương tiện cụ thể thì biển số đó tự động thu hồi, đưa trở về kho số để tiếp tục đấu giá", Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay.
Đối với trường hợp người trúng đấu giá bán xe, giữ lại biển thì cũng trong vòng 12 tháng phải đăng ký biển đó cho xe mới.
Quy định như vậy để tránh việc người trúng đấu giá "gom" nhiều biển số nhưng giữ lại quá lâu nhằm mục đích kinh doanh thương mại.
Người trúng đấu giá có được bán luôn biển số mà chưa đăng ký cho xe?
Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho rằng, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số đó khi bán chiếc xe để đăng ký cho chiếc xe khác. Đồng thời, sau 3 năm thực hiện thí điểm nghị quyết thì người trúng đấu giá vẫn được hưởng quyền theo quy định của nghị quyết cho đến khi hết niên hạn của phương tiện đó.
"Người trúng đấu giá không được quyền bán biển số ngay sau khi đấu giá mà phải dùng để đăng ký phương tiện chính chủ vì biển số không phải là hàng hóa đứng độc lập. Biển số phải gắn với phương tiện bằng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. Khi có đủ 3 yếu tố: Phương tiện, biển số, giấy chứng nhận đăng ký thì phương tiện mới có thể lưu thông được", Thiếu tướng Lê Xuân Đức khẳng định.
Luật sư Lê Hồng Hiển (Hãng luật Lê Hồng Hiển & Cộng sự) cho biết, căn cứ quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA, tổ chức, cá nhân chỉ được chuyển nhượng biển số xe ô tô trúng đấu giá kèm theo chuyển quyền sở hữu xe đã đăng ký biển số xe trúng đấu giá đó.
“Người sở hữu biển số xe trúng đấu giá sẽ không thể chuyển nhượng biển số một cách độc lập. Thay vào đó, biển số chuyển nhượng phải đi kèm với chiếc xe đã được đăng ký biển số đó. Nếu muốn chuyển nhượng biển số, người mua sẽ phải mua luôn chiếc xe đang gắn biển đó”, luật sư Lê Hồng Hiển khẳng định.
Tuy nhiên, theo luật sư Lê Hồng Hiển, dù không thể chuyển nhượng riêng biển số đấu giá nhưng quy định này cũng đã có phần dễ hơn so với biển số định danh, vốn là loại biển số không thể chuyển nhượng.
Thủ tục đăng ký xe đối với trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá như sau: Chủ xe nộp hồ sơ và làm thủ tục thu hồi theo quy định tại khoản 1 điều 14, khoản 1 điều 15 Thông tư 24/2023/TT-BCA. Chủ xe không phải nộp lại biển số xe trúng đấu giá nhưng phải nộp bản sao chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và xuất trình bản chính để đối chiếu (chứng từ chuyển quyền sở hữu phải thể hiện rõ nội dung chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá).
Tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe nộp hồ sơ và làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định tại khoản 2 điều 14, khoản 2 điều 15 Thông tư 24/2023/TT-BCA và được đăng ký, giữ nguyên biển số xe trúng đấu giá (chứng từ chuyển quyền sở hữu phải thể hiện rõ nội dung chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số trúng đấu giá).