Nguồn nhân lực chất lượng - khâu đột phá trong cải tổ nền kinh tế
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá trong tăng năng suất, cải tổ nền kinh tế.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) là một trong những ngành chịu trách nhiệm chính về lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có 14 lĩnh vực cơ bản như: Trẻ em, người già, người có công, bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, giáo dục nghề nghiệp, việc làm, lao động ngoài nước...
Nhân dịp Xuân Mậu Tuất, phóng viên VOV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về một số giải pháp trọng tâm của ngành trong năm 2018.
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội |
PV: Thưa Bộ trưởng, trước hết xin Bộ trưởng cho biết, ngành đã đề ra những giải pháp gì để hoàn thành các chỉ tiêu an sinh xã hội trong năm 2018?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2018, chúng tôi tiếp tục thực hiện phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả". Đối với ngành thì phải thực hiện đồng đồng bộ, toàn diện 128 nhiệm vụ của ngành cũng như các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ và Nghị quyết 01 của Quốc hội. Trong đó, ngành sẽ lựa chọn những vấn đề ưu tiên.
Trước hết, tập trung và hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở pháp lý và hệ thống pháp luật. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi có tính chất nền tảng như: Sửa đổi Bộ luật Lao động và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội... tạo cơ sở để thực hiện an sinh xã hội một cách đồng bộ, vững chắc.
Dù không phải là năm trọng điểm nhưng lĩnh vực người có công vẫn được coi là khâu trọng yếu, tập trung vào hai việc cơ bản. Thứ nhất là giải quyết hồ sơ tồn đọng, hồ sơ tồn đọng này tôi xin nói còn khoảng 28.000 hồ sơ, mà càng xuống cơ sở bây giờ giải quyết hồ sơ này càng khó khăn. Đó còn chưa kể theo thống kê ban đầu của Hội Thanh niên xung phong còn khoảng 65.000 hồ sơ của cựu thanh niên xung phong. Vậy làm sao để tiến tới mạnh dạn hơn, công khai hơn, quyết liệt hơn, minh bạch hơn để đến năm 2020 chấm dứt được tình trạng này.
Thứ hai, trong lĩnh vực người có công năm 2018 là phải đồng bộ triển khai trên quy mô cả nước, giải quyết toàn bộ hệ thống nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với số đầu tư 11 ngàn tỷ và 410 nghìn căn nhà. Đặc biệt, ngành sẽ tập trung nâng cao chất luợng, đạo đức công vụ, tinh thần mẫn cán của cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, làm căn cứ thúc đẩy việc thực thi các chính sách an sinh xã hội một cách toàn diện, đồng bộ.
PV: Thưa Bộ trưởng, câu chuyện năng suất lao động Việt Nam vẫn là vấn đề được đặt ra, nhất là trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Vấn đề này tiếp tục được ngành quan tâm như thế nào trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Có thể khẳng định năng suất lao động của Việt Nam thấp. Về bản chất, năng suất lao động là GDP chia cho tổng số lao động, do đó thu nhập nó thấp, nhưng thu nhập thấp của Việt Nam có căn cứ là vì 50-60% người lao động Việt Nam ở khu vực nông nghiệp, trong khi khu vực này có năng suất lao động thấp, gặp nhiều rủi ro. Chúng ta không so sánh với ai, nhưng khách quan mà nói đúng là năng suất Việt Nam thấp, thấp thậm chí bằng 1/15 so với Singapore, bằng 1/5 so với Malaysia...
Quan điểm của Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ 2018 là cùng với việc phát triển hạ tầng, xây dựng thể chế, việc đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá.
Muốn đột phá phải thực hiện một cách căn cơ các giải pháp: cải tổ lại nền sản xuất, cơ cấu kinh tế; chuyển dịch dần lực lượng lao động từ các khu vực thu nhập, năng suất thấp sang khu vực có năng suất, thu nhập cao hơn; đào tạo nguồn nhân lực bài bản trên cơ sở dự báo được cung - cầu lao động.
Chính vì vậy, vừa rồi Chính phủ đã sơ kết Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện hai bài toán: đánh giá và dự báo cung - cầu thị trường lao động; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.
PV: Trước một thị trường năng động và hội nhập, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là vấn đề cấp thiết. Bộ trưởng có thể cho biết, năm 2018, Bộ sẽ tập trung vào những giải pháp trọng tâm gì để có thể đổi mới toàn diện lĩnh vực này?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tổng quát thì chúng ta phải tiến tới xây dựng hệ thống thị trường lao động minh bạch, hiệu quả. Đúng nghĩa thị trường thì phải xây dựng nhiều giải pháp, trong đó giáo dục nghề nghiệp là một giải pháp có tính chất căn cơ, bền vững để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động.
Ý thức được điều này, giáo dục nghề nghiệp là một trong những khâu trọng tâm, đột phá của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2018.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống chính sách pháp luật, trong đó có giải pháp để thực thi Luật Giáo dục nghề nghiệp một cách đồng bộ, xuyên suốt, với mục tiêu thu hút người học ngày càng đông hơn, khi tốt nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định; sau đó có thể học liên thông, phát triển cao hơn.
Từng bước cần chuyển biến được nhận thức: Đại học không phải con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp và từng bước hình thành trong thế hệ trẻ quan niệm là mỗi thanh niên hãy chuẩn bị tốt nhất việc làm cho mình để có tương lai.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giả đối tượng chính sách chiếm số ít nhưng gây bức xúc