Nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam là rất cao
(VOV) -Cục Y tế dự phòng nhận định, nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch bệnh do virus cúm A/H7N9 ở nước ta rất cao.
Sáng 13/4, Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch cúm AH7N9. Tham dự có đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, lãnh đạo các ngành y tế, thú y, quản lý thị trường 33 tỉnh trọng điểm có đường biên giới với các nước lân cận.
Tại hội nghị, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Nguy cơ xâm nhập, lan truyền và bùng phát dịch bệnh do virus cúm A/H7N9 ở nước ta rất cao vì virus này có nguồn gốc gen từ gia cầm và các loài chim, với đặc tính dễ biến đổi và khả năng thích nghi cao, nguy cơ lây nhiễm từ người sang người có thể xảy ra. Trong khi đó tình trạng vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới hết sức phức tạp; giao lưu đi lại của người dân hai nước rất lớn và cộng đồng chưa có miễn dịch do cúm AH7N9 thuộc chủng virus mới.
Ngay sau khi có thông tin về cúm A/H7N9 ở người tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã liên hệ chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia trong khu vực để nắm chắc tình hình; đồng thời phối hợp với các bộ ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống. Trong đó tăng cường giám sát các dịch bệnh trên đàn gia cầm, phát hiện sớm những trường hợp nghi mắc cúm A/H7N9 tại các cửa khẩu quốc tế, giám sát những ca bệnh viêm phổi nặng tại các bệnh viện. Thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân, thành lập khu vực cách ly, mở rộng các cơ sở thu dung điều trị theo từng tình huống dịch. Tăng cường năng lực trang thiết bị phương tiện chẩn đoán điều trị cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu phát hiện sớm bệnh nhân và giảm tử vong.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Kế hoạch giám sát virus cúm H7N9 gồm 2 hoạt động chính. Thứ nhất là rà soát để đánh giá xem virus này đã xuất hiện ở Việt Nam hay chưa. Việc này được thực hiện thông qua xét nghiệm lại các mẫu (mẫu dương tính với cúm A) đã lấy trước đây hiện đang được lưu trữ. Dự kiến sẽ xét nghiệm khoảng 500 mẫu. Hiện công tác xét nghiệm này đang được tiến hành và sẽ có kết quả trong vài ngày tới.
Thứ hai là tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm ngay khi virus xâm nhập vào Việt Nam. Chủ động lấy mẫu xét nghiệm H7N9 từ các đối tượng gia cầm có nguy cơ, gồm gà đẻ thải loại, gà con giống, lợn và chim bồ câu… được bán tại các chợ, các điểm tập kết trung chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các địa phương khu vực biên giới trên đường vận chuyển và nơi tiêu thụ.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mặc dù bệnh cúm A/H7N9 chưa xảy ra tại Việt Nam nhưng nguy cơ xâm nhập và bùng phát rất lớn vì Việt Nam có hơn 1.350km biên giới đường bộ, 42 cửa khẩu quốc tế, nhiều lối mòn, chợ cóc dọc biên giới Việt- Trung. Hiện nay Trung Quốc đã cho tiêu hủy số lượng lớn gia cầm. Nhiệm vụ phòng chống không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà của nhiều bộ ngành và đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp.
Tại hội nghị, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, đến nay, số ca mắc cúm A/H7N9 tại Trung Quốc là 43, trong đó 11 trường hợp tử vong, số mắc tăng lên từng ngày và rất phức tạp, nhất là tại thành phố Thượng Hải.
Các bằng chứng mới nhất về virus học cho thấy sự thay đổi để thích ứng vơi động vật có vú, bệnh phân bố trên diện rộng, ổ bệnh, nguồn phương thức lây nhiễm đều chưa xác định. Trong khi đó, Đại diện Cục Thú y cho biết, một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đang diễn ra tại Đồng Tháp và cũng tại tỉnh này 1 người đã tử vong do cúm AH5N1.
Cơ quan thú y cũng lần đầu tiên phát hiện các ổ dịch cúm AH5N1 trên chim yến tại Ninh Thuận và chim trĩ tại Tiền Giang. Nguy cơ dịch cúm gia cầm tiếp tục phát sinh là rất cao, đặc biệt là các địa bàn có ổ dịch cũ…/.