Nhà báo Lê Thông: Vinh hạnh được là thư ký của những ngày khắc ấy

VOV.VN - Lê Thông luôn tự hào mình là người may mắn và hạnh phúc khi được chứng kiến và viết tin bài trong những ngày đất nước toàn thắng.

Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhà báo Lê Thông lại bồi hồi nhớ lại những khoảnh khắc hào hùng ấy, ông xúc động bảo rằng: “Nếu nói người làm báo là “thư ký của thời đại” thì mình đúng là “người thư ký may mắn” vì được chứng kiến và viết tin bài về thời khắc lịch sử đó”.


 
Đường truyền duy nhất bằng “tạch, tè”

Nhà báo Lê Thông, nguyên Trưởng Ban Bạn nghe đài, Đài Tiếng nói Việt Nam, có lẽ là một trong số không nhiều phóng viên của Đài từng làm phóng viên ở chiến trường miền Nam vào đúng những ngày toàn thắng.

Là con của một cán bộ cao cấp, năm 1954, cậu học trò Lê Thông mới 7 tuổi, tập kết ra Bắc, vào học phổ thông cùng những học sinh miền Nam. Năm 1971, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Văn, Lê Thông về Hải Hưng công tác môt thời gian rồi về Đài Phát thanh Giải Phóng A (Hà Nội). Những ngày ấy, khi nhìn lớp lớp thanh niên lên đường vào Nam, ông lại thấy dằn vặt: “Mình là dân miền Nam lại cứ ngồi ngoài này thấy chướng lắm!”. Ông tìm mọi cách để được đi bộ đội, nhưng cứ mỗi lần đi kiểm tra sức khỏe, Lê Thông bị “loại” ngay từ vòng đầu bởi trọng lượng cơ thể không đạt (chưa tới 40 ký lô) vì bị căn bệnh dạ dày hành hạ. Thế rồi dịp may đến với ông: “Chẳng hiểu sao đợt ấy họ lại “không nhìn” giấy khám sức khỏe, tôi được tham gia đoàn phóng viên của Đài Giải phóng thường trú ở khu Trung Trung bộ (tức Khu 5).

Nhiệm vụ chính của người phóng viên là đi cơ sở viết tin tức bài vở gửi về bộ phận “ở nhà” biên tập. Sau đó những người làm báo vụ sẽ chuyển bằng tín hiệu moóc-xơ vô tuyến điện ra Đài Giải phóng. Với những tin bài “chay” thì chuyển bằng hình thức ấy, còn những tin bài có tiếng động (ghi vào băng cát-sét) phải chuyển bằng đường quân bưu. Cứ tưởng tượng, từ lúc hoàn thành sản phẩm đến khi phát được trên sóng Đài Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội có khi phải mất cả tháng trời. “Chính vì vậy người phóng viên phải biết tính toán “hàng nóng, hàng nguội” làm sao để tin bài luôn đảm bảo tính thời sự”, nhà báo Lê Thông chia sẻ. Tuy nhiên, tin bài chay thì chỉ nửa ngày đã phát trên sóng được. Thế nhưng, để có những tin tức nóng hổi ấy, còn phải nhờ không ít công sức của 2 nhân viên báo vụ của đoàn. Hồi đó ở chiến trường làm gì đã có Telex (kể cả hữu tuyến và vô tuyến), họ phải gõ te-lê-típ (tín hiệu moóc-xơ) vô tuyến để truyền tin bài về Đài Giải phóng, và Hà Nội. Bộ phận thu tin cũng phải nghe và “dịch” lại ra chữ viết từ những ân thanh tè tạch ấy.

Nhà báo Lê Thông giải thích: “Chúng tôi viết mỗi tin khoảng 1/3 trang giấy, thì 2 anh tạch-tè mất nửa ngày quần quật mới phát được 10 tin. Ví dụ, muốn đánh chữ “a” thì gõ tạch-tè;  chữ “b” phải gõ tạch-tè-tạch, còn chữ “k” thì phải mấy tạch mấy tè… Tuy nhiên, việc người gõ “ma-nip” (cần tín hiệu tạch tè) phải đúng ký hiệu, phải rõ tín hiệu đã đành nhưng để cái máy phát sóng 15 oát hoạt động được phải thêm một người dùng tay để quay máy phát điện (ga-rô-nô). Với một bài viết khoảng một trang rưỡi phải gõ mất cỡ một tiếng rưỡi và phải thay phiên nhau vì quay rất mỏi tay. Chưa kể, những trận sốt rét lại hay hỏi thăm anh em. Nhiều khi cả 2 báo vụ đều bị sốt, thì vẫn phải vừa sốt vừa làm. Phóng viên biên tập phải vào để quay giúp. “Mới đầu, tôi chỉ quay được 10 phút đã mỏi cứng tay như bị chuột rút. Sau này, tôi nghiên cứu “võ” để có cách quay đều và bền sức hơn”, ông chia sẻ.

Làm phóng viên đã vất vả, làm báo vụ còn vất vả hơn. Nếu phóng viên mang hành trang trên người nặng cỡ một nửa trọng lượng cơ thể (1 khẩu súng AK nặng 5kg, 2 băng đạn, 2 trái lựu đạn, 1 bi đông nước, hai bộ quần áo, 1 cái võng, 1 cái “tăng” dài 2 mét dùng khi mắc võng để che mưa nắng, vài kg gạo và 1kg lương khô, cái máy ghi âm hơn 4kg) thì báo vụ phải cõng thêm máy phát điện nặng gần 10kg, máy phát sóng 6-7kg nữa.

Ông kể, “Tụi nó” cực hơn bọn phóng viên chúng tôi vì chủ yếu “ở nhà” - tức ở rừng, ăn uống thiếu thốn, công việc thì nặng, còn phải làm nương làm rẫy, đi gùi cõng lương thực, lại “làm mồi” cho muối sốt rét nữa - thương lắm. Bây giờ già rồi, mỗi lần gặp nhau, ôn lại chuyện cũ chỉ biết… cười.

Là người may mắn nhất khi được chứng kiến ngày giải phóng

Toại nguyện “về quê” nhưng suốt 3 năm Lê Thông toàn ở Quảng Đà, chưa một chuyến đi Quảng Ngãi vì luôn phải “nhường” và nếu cáu thì thủ trưởng “nịnh khéo”: Thôi mà “thổ công Quảng Đà”. Bấy giờ Quảng Đà (phía tây Quảng Nam - Đà Nẵng) là chiến trường ác liệt. Từ Khu mất ngày rưỡi đi bộ mới tới nơi.

Nói chuyện nghề, ông kể: lần đầu thu tiếng súng và tiếng bom, mở ra nghe lại chỉ có tiếng cạch cạch. Ông nghĩ chắc do cường độ âm quá lớn, quá ngưỡng rung của màng micro, ông thử lấy khăn mùi xoa bịt đầu míc lại, và vặn nhỏ volum xuống, không ngờ âm thanh rất nét. (Sau này ghi âm ở nơi nhiều tiếng ồn hay góc mạnh ông cũng làm vậy và đặt micro sát miệng người nói, kết quả rất tốt).

Gần ba năm ở Quảng Đà, ông được chứng kiến những mất mất hi sinh quá lớn mà chiến tranh đã để lại nơi đây khi được tiếp xúc với những người dân bám trụ vùng giáp ranh. Hình ảnh một bà mẹ lụi khụi ra vườn đào lên cái thùng đạn chôn sâu dưới đất mà bà giấu gạo ở đó để nấu cơm cho bộ đội (trong đó có ông) khi xung quanh là những nấm mồ của chồng con bà… khiến ông lặng người. Ông cảm được cái gian khổ của những người khác hơn mình rất nhiều, cảm thấy sự hi sinh của người dân bám trụ thật lớn lao. Ông đã viết bài “Thùng đạn đại liên” nói về sự hi sinh, về tình quân dân của những người dân. Bài này được lãnh đạo Đài Giải phóng điện vào khen. Mới vào chiến trường, Lê Thông cảm giác ranh giới giữa sống chết quá gần khi ngay chuyến công tác đầu tiên, 2 người bạn cùng đoàn là nhạc sĩ Lê Cường - tác giả bản nhạc “Múa chàm rông” và phóng viên Lê Ngọc Oanh về Quảng Ngãi đã hi sinh do vấp phải mìn.

Là phóng viên chiến trường, Lê Thông luôn tự hào mình là người may mắn và hạnh phúc nhất khi được chứng kiến và viết tin bài trong những ngày toàn thắng. Trong khi, có biết bao thế hệ những người đi trước, có người hi sinh và không thấy ngày này. “Tôi đi cùng một tiểu đoàn bộ binh, đi bộ từ Quảng Đà ra Quảng Ngãi, tôi mở đài nghe thấy giải phóng tới Huế, Đà Nẵng, rồi Quảng Ngãi. Lúc ấy mình cảm thấy rạo rực cả người. Mình sợ là không còn được chứng kiến một cái gì cả. Đi đâu cũng thấy giải phóng rồi. Khi nghe thấy giải phóng Huế, tôi vừa đi vừa lẩm bẩm “thằng Trần Đức Nuôi (nguyên Trưởng ban Thư Ký Đài TNVN - bạn học của tôi đi Đoàn thường trú Thừa Thiên - Huế) là sướng nhất vì chứng kiến được…”.

Rồi tiểu đoàn ông cũng kịp đánh trận đánh Củng Sơn, tiếp đến giải phóng thị xã Tuy Hòa (tỉnh Phú yên). Ông nhớ như in chuyến đi giải phóng từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi, rồi đến Kon-tum, lên Đắc-lắc mới đến Phú Yên. Chứng kiến giải phóng thị xã Phú Yên để viết tin, bài. Nhà báo Lê Thông chia sẻ: “Để có bài “Cờ bay trên núi Nhạn!” là cuộc hành quân đi bộ suốt 14 ngày, được nghỉ có 2 buổi chiều, đến mức quai dép cao su cứa rách da chân, thịt đỏ lỏm, đến nỗi cứ tối phải lấy một chậu nước nóng cho muối vào ngâm chân, rửa sạch rồi đi ngủ, sáng hôm sau lấy vải quấn chân lại để đi tiếp - không thể tưởng tượng là mình có thể đi nổi”. Ông cười: “Thế mà mình còn đủ sức để đi biên giới phía Bắc 3 năm nữa. Giá mà gặp lại mấy cha bác sĩ trước đây phê mình không đủ sức khỏe đi B, mình phải bắt nó sửa lại kết quả”.

Tôi hỏi, ở chiến trường lúc đó, bài viết xong làm thế nào để chuyển “về nhà”? Lê Thông hồ hởi: “Bài “Cờ bay trên núi Nhạn!” mình viết tay đưa cho Ban Quân quản tỉnh, đánh te-lê-típ về cho Ban Tuyên huấn Khu 5, rồi Tuyên huấn Khu 5 mới chuyển cho Đoàn thường trú, Đoàn thường trú mới phát ra Bắc. Tiếc là bài phóng sự “chay” thôi, nhưng nghe trên đài thấy nó rộn ràng lắm.

Với 3 năm đi “B”, Lê Thông hiểu, thực sự ở chiến trường không phải chỉ có bom đạn, sự chết chóc, ác liệt… mà còn là sự kiên trung, gan góc của đồng bào, chiến sĩ. May mắn và hạnh phúc khi mình là người đi được đến cái đích - trong khi bao nhiêu người đi trước mình đã phải đổ xương máu, bị rớt lại không có cơ hội được như mình. Ông bảo: “Hồi đó tôi đọc những vần thơ của Phạm Tiến Duật: “Rừng là nơi nhiều người đi qua/Để lại tuổi xuân của mình ở đấy”; hay câu thơ của Tố Hữu: “Trường Sơn đông nắng tây mưa/Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”, tôi đã tâm đắc, đến bây giờ thấy càng thấm thía./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên