Nhà báo Phan Quang: Hôm nay hơn hôm qua, ngày mai vượt hôm nay
VOV.VN - Mùa hè năm 1988 nhà báo Phan Quang về nhậm chức Tổng giám đốc kiêm Tổng biên tập Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VOV) thay nhà tuyên huấn, nhà báo Trần Lâm sau 43 năm liên tục giữ chức Tổng biên tập. Gặp gỡ lần đầu, ông khiêm nhường nói vui: “Tôi như con dâu mới về nhà Đài, mong mọi người giúp đỡ”.
"Con dâu mới" trong nhà bộn bề công việc
Ngược lại thời gian để nhớ về những tháng ngày đầy xáo trộn, băn khoăn và nặng nề lo lâu. Từ tháng 6/1977 đến tháng 4/1987 thành lập Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam (UBPTTHVN), là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) trực thuộc Ủy ban. Từ cấp một Đài Quốc gia xuống cấp hai. Từ một cơ quan báo chí tác nghiệp nhanh nhạy đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền thời chiến mau lẹ chuyển sang một cơ chế có nhiều tầng nấc nên tác động đầu tiên đến với đội ngũ phóng viên biên tập. Muốn đi công tác xuống cơ sở phải tạm ứng tiền, trở về thanh toán với tài vụ phải qua 8 cửa ải, mà cửa nào cũng có “quyền” và “hành” đủ kiểu. Ấy là chưa nói đến kỹ thuật, nghệ thuật. Việc gì cũng yêu cầu đáp ứng nhanh, kịp thời mà qua cửa nào cũng phải “xin”. Không ngỏ lời xin thì cửa có quyền không cho. Cũng là thủ trưởng ấy, cũng ngồi trong một ngôi nhà 58 Quán Sứ ấy mà đi xin việc từ Đài đến Ủy ban thật xa xôi, cách trở là do bộ máy cồng kềnh, tổ chức manh mún, cơ chế quan liêu bao cấp nghiệt ngã. Lương thấp, nhà thiếu, công việc trắc trở, nhiều người bỏ nghề, hay xin chuyển công tác khác, đến cơ quan khác. Không ít thắc mắc, không thiếu đơn từ khiếu nạn, kêu cứu, nhưng đâu vẫn vào đấy.
Đánh đùng một cái giải thể UBPTTHVN, từ 30/4/1987 VOV trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Giải thể làm một số cán bộ trung gian mới lên chức nắm quyền lo lắng, nhưng anh chị em lao động trực tiếp ở cơ sở rất phấn chấn. Niềm vui chưa tày gang thì hay tin thành lập Bộ Văn hóa Thông tin, cử nhà báo Phan Quang, Thứ trưởng kiêm Tổng giám đốc, Tổng biên tập VOV. Một nỗi lo sáp nhập Đài vào Bộ lại bùng lên. May mắn là khi nghe công bố nhà báo Phan Quang làm Tổng giám đốc kiêm Tổng biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam không có đuôi thứ trưởng kiêm nhiệm. Lộn xộn và trật tự, mừng và lo đan xen là không khí chung trong ngôi nhà 58 Quán Sứ khi nhà báo gạo cội Phan Quang quen báo in và quản lý báo chí vĩ mô về làm dâu mới của đại gia đình VOV với quá nhiều bếp núc, lại đông người.
Thông thường khi tiếp quản một cơ quan mới, tân thủ trưởng làm ngay công tác tổ chức, nhân sự, thậm chí đưa những người cùng ê kíp cơ quan cũ về giúp việc. Với Tổng giám đốc, Tổng biên tập Phan Quang có khác. Điều quan tâm đầu tiên của ông là lập ngay Ban Thư ký biên tập trên cơ sở phòng Tổng hợp, như một Ban thư ký tòa soạn của báo in. Công việc không chỉ nghe và tổng hợp báo cáo mà tham mưu, giúp lãnh đạo lên kế hoạch thông tin tuyên truyền của toàn Đài, kết nối các ban biên tập hướng đến mục tiêu chung, giữ bản sắc các ban, các chương trình mà không cát cứ, giảm chồng chéo, trùng lắp. Bên cạnh đó là nâng cấp các phòng Tổ chức, Kế hoạch Tài vụ, Quan hệ Quốc tế từ thời Ủy ban lên cập vụ để cùng nhau phối hợp thực hiện hiệu quả kế hoạch chung của toàn đài.
Khâu đột phá khẩu đầu tiên là tăng thời lượng, tách hệ chương trình, xây dựng hệ chương trình mới là Âm nhạc và Tin Tức trên sóng FM stereo. Bước đi đầu tiên là xóa bỏ thời lượng nội dung phát sóng theo các buổi sáng, trưa và chiều tối mà phát sóng liên tục từ “5 giờ kém 5 phút” đến 22h30’ rồi 24h00. Ngay sau đó là tách hệ chương trình Đối nội (Ban biên tập Đối Nội) hiện hành thành các ban biên tập: Thời sự chính trị, Chuyên đề (cốt lõi là kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục) Thành lập ban Bạn nghe đài. Giữ nguyên Ban biên tập Văn nghệ và Đối ngoại. Từ chương trình tiếng Khơ me tại thành phố Hồ Chí Minh cùng chương trình các thứ tiếng dân tộc ở Tây Nguyên và tiếng Mông ở Hoàng Liên Sơn (đặt tại Yên Bái) thành lập Ban biên tập các thứ tiếng dân tộc thiểu số, gọi tắt là Ban Dân tộc (nay là VOV4).
Một mắt xích đột phá lôi cuốn cả nội dung và kỹ thuật tạo ra sự bừng nở trên làn sóng VOV xưa chưa có, nay có là cho ra đời Hệ Âm nhạc và Tin tức trên sóng FM stereo. Có một nghịch lý tồn tại hàng chục năm là khu vực thành thị có nhiều radio lại ít nghe đài hơn khu vực nông thôn.
Một trong những nguyên nhân chính là sóng trung chủ đạo và sóng ngắn bị nhiễu. Chỉ có sóng FM mới khắc phục được tình trạng này. Thính giả phàn nàn, Ban Thư ký biên tập phản ánh, kiến nghị liên tục mà Ban Kỹ thuật vẫn trả lời chưa phát sóng FM vì không có điều kiện. Chung quy là thiếu đô la và thiết bị. Trong một cuộc họp tại phòng Biên Ủy (phòng họp, giao của Biên tập và Đảng Ủy) Tổng Giám đốc Phan Quang phấn khởi thông báo Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định và giao cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính xem xét, cấp kinh phí, VOV thực hiện chương trình phát sóng FM. Trút được nỗi lo, Phan Quang cười vui: “Các ông yên tâm. Tiền và thiết bị đã có Lãnh đạo Đài lo, còn khung chương trình, nội dung giao cho hai ông Ban Thư ký Biên tập và Ban Âm nhạc. Không ai có ý kiến gì nữa thì uống nước rồi về làm thôi”.
Về làm thôi, có nghĩa là bắt tay vào công việc chưa làm bao giờ, bây giờ làm ngay. Nhạc sỹ Cát Vận được Tổng Giám đốc quyết định làm Trưởng Đài FM. Khung chương trình vạch ra: 5 phút tin tức trong nước và thế giới bằng hai thứ tiếng, tiếng Việt và tiếng Anh do Ban Đối ngoại phụ trách, phát xen kẽ vào đầu và giữa múi giờ, còn lại là âm nhạc trong nước và quốc tế. Trong lúc tôi và nhạc sỹ Cát Vận đang cân đo đong đếm phần ca nhạc phát liên tục sao cho sinh động, hạn chế lặp lại, gây nhàm chán thì Tổng Giám đốc Phan Quang đến, nhìn vào sơ đồ chương trình như ma trận rồi bất ngờ hỏi:
- Hai ông hiểu thế nào khi thính giả ban khen “hát hay như đài”?
Thì ra mới về Đài ông đã tìm hiểu âm nhạc trên làn sóng phát thanh có vị trí không thể thay thế. Các chương trình ca nhạc chủ yếu là hát mà chưa cân đối với phần nhạc, nhất là thính phòng, giao hưởng. Ông ra bài toán cho chúng tôi là ban đầu 30% ca nhạc trong nước, 70% ca nhạc quốc tế, tiến tới 50/50. Khó khăn, chật vật, nhưng rồi Đài FM stereo Âm nhạc và Tin tức cũng khánh thành đúng kế hoạch 4/9/1990 trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Ban đầu Đài FM có công suất 5Kw, phủ sóng khu vực Hà Nội, một bước đi khiêm tốn, nhưng là bước ngoặt mở ra thời kỳ nâng cao chất lượng phát thanh quốc gia cả nội dung và kỹ thuật, tiến lên hiện đại. Cùng với tách hệ đối nội và thêm hệ Âm nhạc và Tin tức trên sóng FM stereo giúp thính giả được lựa chọn chương trình phát thanh yêu thích để nghe, dần dần bỏ qua thói quen “phải nghe”, “được nghe”.
Tăng thời lượng, thêm hệ đòi hỏi bổ sung và đổi mới chương trình phát thanh. Trong gần chục chương trình mới đáng chú ý là hai chương trình “Câu lạc bộ người cao tuổi” và “Tạp chí Phát thanh”. Nếu như “Câu lạc bộ người cao tuổi” tạo nên cấu trúc mới, trong đó người biên tập viên dẫn dắt chương trình với sự tham gia của cộng tác viên, thính giả thì “Tạp chí phát thanh” mở rộng dung lượng bảo đảm yêu cầu một tạp kỷ, chứa đựng nhiều thể loại báo chí khác nhau, xen kẻ là âm nhạc làm sâu thêm, hấp dẫn, sinh động hơn cho nội dung, thu hút người nghe. Đây là thể loại do nhà báo Phan Quang đề xướng, giao cho Ban thư ký biên tập thể nghiệm, sau đó các ban biên tập thay nhau thực hiện. Đây là hai chương trình mang lại hiệu quả, được thính giả mến mộ. Sau 5 năm phát sóng, chương trình Câu lạc bộ người cao tuổi” được Nhà nước tặng chưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Một chương trình “Tạp chí phát thanh” do nhà thơ Trần Mạnh Thường chủ biên đoạt giải B báo chí Việt Nam.
Một chuyển biến mới có tính bước ngoặt, mở ra hướng mới đưa phát thanh đến hiện đại hóa là “Phát thanh trực tiếp”. Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Lãnh đạo VOV đã chọn phát thanh trực tiếp làm mũi xung kích để thực hiện công nghệ phát thanh hiện đại và lấy “Chương trình Thời sự” làm mũi đột phá. Ngày 1/7/1994, lần đầu tiên trên làn sóng Đài phát thanh Quốc gia phát đi chương trình “Thời sự và Âm nhạc”, từ 9h đến 10h sáng. Đây là chương trình thử nghiệm trực tiếp theo fomat đồng hồ chương trình 60’. Lần đầu tiên vai trò đạo diễn, người dẫn chương trình (MC) được thể hiện rõ nét. Từ chương trình Thời sự, phát thanh trực tiếp lan tỏa sang các hệ Âm nhạc (VOV3), Văn hóa xã hội (VOV2). Sự tham gia của khách mời phòng thu, tương tác với thính giả làm tăng thêm nhiều lần giá trị “diễn đàn” của làn sóng phát thanh Quốc gia.
Bước đầu đổi mới hệ chương trình đã mở lối cho quá trình thực hiện lộ trình công nghệ phát thanh hiện đại, tăng cường trực tiếp, mở rộng giao lưu, tư vấn. Đài VOV đã chọn đổi mới và nâng cao chất lượng nội dung cùng với đổi mới mạnh mẽ công nghệ phát thanh theo hướng hiện đại hóa làm trục xoay trung tâm cho mọi hoạt động của Đài phát thanh Quốc gia. Sự đổi mới ấy không thể không nói đến mở rộng quan hệ, hợp tác Quốc tế. Nhà báo, Tổng giám đốc Phan Quang nhiều khóa là phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có quan hệ rộng, sâu, uy tín với nhiều tổ chức báo chí, nhiều quốc gia có truyền thống báo chí, phát thanh lâu đời, đã tạo nên nhiều mối liên kết đưa những cái mới, đặc biệt là phát thanh trực tiếp và công nghệ hiện đại ứng dụng vào trong nước.
Bước đầu xóa tiếng oan "Đài sông Hồng"
Từ năm 1976, đất nước hoàn toàn thống nhất về mặt nhà nước, VOV trở thành Đài phát thanh Quốc gia đúng nghĩa, nhưng tiếng nói của đồng bào miền Nam, nhất là vùng Nam Bộ chưa nhiều trên làn sóng. Nguyên nhân chính là do bộ máy tổ chức. Sau 30/4/1975, VOV đã nhạy bén thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam 2 tại thành phố Hồ Chí Minh phục vụ kịp thời yêu cầu thông tin của khu vực.
Đài 2 có nhiệm vụ cung cấp tin, bài cho VOV. Từ ngày 23/5/1981 theo quyết định của Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam 2 tại thành phố Hồ Chí Minh ngưng phát sóng các chương trình chuyên mục tại chỗ và chuyển thành Cơ quan thường trú của Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam. Giữa năm 1987, sau khi giải thể UBPTTHVN, tách thành hai cơ quan thường trú Phát thanh và Truyền hình. Trong thời gian này, phát thanh chỉ là một phòng biên tập. Chức năng nhiệm vụ thu hẹp, cơ sở vật chất, tài chính cũng hạn hẹp nên tin bài thường là “chay”, thiếu tiếng nói của cán bộ nhân dân vùng Nam Bộ.
Một thời gian dài, Đài Phát thanh Quốc gia mang tiếng là “Đài Sông Hồng”. Là nhà báo từng yêu quý và gắn bó nhiều bút ký về đồng bằng Sông Cửu Long, với cương vị là Đại biểu Quốc hội, nay lại lĩnh trách nhiệm đứng đầu Đài phát thanh Quốc gia, Tổng giám đốc Phan Quang rất sốt ruột với tình trạng này. Nhậm chức hơn 3 tháng, Tổng Giám đốc Phan Quang đã bay ngay vào thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên biên tập và cán bộ hưu trí ở đây lắng nghe và xin ý kiến. Ngày 13/9/1988, Tổng Giám đốc VOV ra quyết định số 126/ĐFT thành lập Cơ quan thường trú VOV tại thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ trọng tâm là thông tin kịp thời, dàn dựng các chương trình phát thanh sống động vừa phát sóng khu vực vừa cung cấp cho VOV. Kế theo đó từ năm 1991 đến 1993, Đài thành lập hai cơ quan thường trú lớn ở Miền Trung, trụ sở tại thành phố Đà Nẵng và Tây Nguyên, đặt tại thành phố Buôn Mê Thuột. Từ đây VOV được xóa dần tiếng oan “Đài Sông Hồng”.
Liên hoan phát thanh toàn quốc, dấu mốc kết nối với đài địa phương
Một thời gian dài, nhiều hội nghị, hội thảo bàn về mối quan hệ giữa Đài phát thanh trung ương với địa phương. Có ý kiến cho rằng ngành Phát thanh nên thống nhất cả nước như một ngành dọc để phát triển. Có lúc kiến nghị Đài Phát thanh Quốc gia tổ chức thành một hãng phát thanh. Khi Đài phát thanh truyền hình dựng lên khắp các tỉnh, thành nhiều ý kiến nghiêng về khai thác chung cột ăng ten để tiết kiệm tài nguyên, tiền bạc cho nhà nước. Gay cấn nhất là cuộc tranh luận nên bỏ đài tỉnh, lập đài khu vực trực thuộc Đài trung ương. Ngày 16 tháng 8 năm 1993 Chính phủ ra Nghị định 53CP với nhiệm vụ quản lý nghiệp vụ đài phát thanh truyền hình địa phương, Tổng Giám đốc VOV có sáng kiến tổ chức Liên hoan phát thanh toàn quốc lần thứ nhất, coi đây là ngày hội nghiệp vụ, là nơi gắn kết Đài phát thanh trung ương với đài địa phương. Tháng 12 năm 1994, Liên hoan phát thanh toàn quốc lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Hà Nội với 60 đơn vị tham gia, trong đó có 52 Đài tỉnh, thành phố, thu hút 265 tác phẩm, 50 tác phẩm được trao giải thưởng. Trong lễ bế mạc với sự chủ trì của phó thủ tướng Nguyễn Khánh, Tổng Giám đốc Phan Quang không dấu nổi niềm vui, phát biểu “Mặc dù rất thận trọng, đến giờ phút này tôi có thể mạnh dạn tuyên bố Liên hoan Phát thanh toàn quốc đã thành công tốt đẹp”. Đây là khởi xướng đầu tiên của ngành Phát thanh truyền hình cả nước, là nguồn cảm hứng và đặt nền móng, tạo fomat cho các cuộc liên hoan trong nước và khu vực ASEAN sau này.
Lắng nghe và biết nghe
Nhà báo Phan Quang về VOV một mình, không mang theo những người cộng tác thân thiết lâu năm với mình, kể cả lái xe. Ông là Tổng giám đốc thứ hai sau 43 năm thành lập Đài. Một gánh nặng trách nhiệm, một thử thách nghề nghiệp, một hy vọng đổi mới “hôm nay phải hơn hôm qua”. Làm gì, làm sao để vừa bảo tồn giá trị Đài Phát thanh quốc gia gần nửa thế kỷ chiến đấu và xây dựng vừa phát triển, tiến lên hiện đại trong xu thế chung của báo chí cả nước và quốc tế. Bài toán ấy đặt vào giữa bài toán thực tiễn đầy khó khăn và xung đột. Ấy là những năm 1987 – 1988, chỉ cần nhắc đến hai tiếng “tách – nhập”, “giải thể” đã nản lòng.
Khi tách khỏi UBPTTHVN VOV có khoảng gần 700 người với khối lượng công việc bề bộn của biên tập, kỹ thuật, Đoàn Ca nhạc và quản lý. Đúng lúc Chính phủ quyết định cắt 20% biên chế, bằng cách khống chế quỹ lương. Biên chế của Đài còn 500 người. Nghịch lý là công việc nhiều thêm mà nhiều người sung sức cả nghiệp vụ và sức khỏe buộc phải nghỉ việc theo “chế độ”. Phần lớn rơi vào anh chị em công nhân kỹ thuật và diễn viên, nghệ sỹ. Tổng Giám đốc Phan Quang phải dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến, trao đổi với cán bộ chủ chốt từ phó Tổng biên tập đến các trường ban, trưởng phòng và anh chị em phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, nhân viên hành chính, người lái xe. Nhìn ông đứng trên bục phát biểu hay chủ trì giao ban nhiều người cho là “quan cách”, kiểu “chính khách”, nhưng khi tiếp xúc công việc cụ thể mới thấy ông là người thấu hiểu nhân viên dưới quyền, giao việc là giao bài toán và đòi hỏi lời giải, kết quả chứ không “cầm tay chỉ việc”. Ông ngạc nhiên khi nhìn vào sổ lương, quá nhiều anh chị em công nhân, biên tập viên là nhà thơ, nhà văn, nghệ sỹ vì xuất phát điểm thấp mà sau hàng chục năm trong nghề, lương vẫn dừng ở bậc cán sự 2. Ông đề nghị Bộ Tài chính xét nâng lương đặc cách vượt cấp cho chục văn nghệ sỹ thành danh, nhưng Bộ chỉ duyệt hai người là một nhà thơ và một nghệ sỹ ca hát.
Thu nhập thấp, nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên nhà Đài phải tranh thủ làm thêm những công việc phụ ở nhà như bóc lạc, đan len, nuôi lợn trong những căn nhà chật chội, cũ nát. Có an cư mới lạc nghiệp, Tổng Giám đốc lúc ấy đã đề nghị các bộ và chính quyền địa phương, cùng lãnh đạo đài xin cấp đất, chính phủ cấp kinh phí xây dựng nhà cao tầng kiên cố cho cán bộ, công nhân viên. Khu nhà tập thể cao tầng của VOV ở 194 đường Giải phóng được bình chọn là một trong những khu nhà đẹp được xây dựng của thành phố Hà Nội thời bấy giờ. Ngôi nhà mới của Đài ở Phương Liên cũng khá khang trang, rộng rãi.
Nghe nhiều câu chuyện của anh chị em kỹ sư, công nhân kỹ thuật, Tổng Giám đốc Phan Quang mới nhận biết cái đằng sau câu cửa miệng “kỹ thuật là con nuôi của Đài”. Không phải lãnh đạo Đài không, hay ít quan tâm đến kỹ thuật mà sâu xa là thay đổi tổ chức quá nhiều lần. Thoạt đầu kỹ thuật truyền dẫn phát sóng thuộc Bộ Quốc phòng, sau đó chuyển về Đài, rồi về Tổng cục Bưu điện, sau nữa chuyển về UBPTTHVN. Sau giải thể Ủy ban, Tổng cục Bưu điện quyết giữ các đài phát sóng, cho VOV thuê, thu tiền theo giờ. Không chủ động kỹ thuật phát sóng thì không thể cải tiến, đổi mới nội dung, tăng kênh, thêm chương trình. Tổng Giám đốc Phan Quang, Phó Tổng Giám đốc Huỳnh Ngọc Ấn đã nhanh nhạy và dày công liên hệ, bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt với nhiều cơ quan mới đưa hệ thống đài phát sóng phát thanh về Đài phát thanh quốc gia. Từ cơ sở vững chắc ấy mà xây nên Đài phát sóng lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ đặt tại Ô Môn, Cần Thơ.
Nghe người nhà Đài nói về mình và nói về Đài để tổ chức công việc, xây dựng cơ sở vật chất cho hợp lý hợp tình. Quan trọng hơn nữa nghe thính giả khen chê Đài để cải tiến, đổi mới nội dung chương trình sao cho đúng nhiệm vụ chính trị, vai trò Đài Quốc gia vừa là công cụ của Đảng, Nhà nước vừa là diễn đàn của Nhân dân, vừa thông tin, vừa cảm thụ nghệ thuật mà cốt lõi là âm nhạc. Từ năm 1988 về trước Đài thụ động tiếp nhận thư thính giả từ trong và ngoài nước gửi về. Cuối năm 1988, Tổng Giám đốc Phan Quang giao cho ban Bạn nghe đài mở rộng quy mô điều tra thính giả nghe đài đến 6 tỉnh đại diện cho cả nước, mỗi tỉnh gửi đi 1000 phiếu hỏi. Do gặp nhiều khó khăn về tài chính nên đến năm 1992 – 1993 mới thực hiện. Kết quả không ngờ là thu về hơn 91% số phiếu. Kết quả điều tra cho thấy một bức tranh rộng rãi, đa sắc màu của công chúng nghe đài về trình độ dân trí, thị hiếu, tập quán nghe đài, yêu cầu thông tin, tư vấn, phổ biến kiến thức, giải trí, cảm thụ văn học nghệ thuật, âm nhạc. Con số điều tra cũng cho thấy biến đổi thị phần công chúng nghe, nhìn, đọc, mối quan hệ giữa phát thanh và truyền hình, giữa đài trung ương với địa phương. Thính giả chân thành góp ý, khen chê từng chương trình, từng giọng đọc và mong muốn Đài phải nói thiết thực hơn, hát hay hơn và đừng rút ngắn, hay bỏ qua chương trình dân ca nhạc cổ truyền. Ý kiến thính giả thực sự góp phần quan trọng định hướng và cách làm của Đài phát thanh quốc gia không chỉ cho một năm, một nhiệm kỳ mà lâu dài với phương châm làn sóng hướng về cơ sở, hướng về công chúng, mỗi gia đình, mỗi con người mà phục vụ. Với cương vị là người đứng đầu tờ báo Nói Quốc gia, với tấm lòng và nhiệt thành của một nhà báo lâu năm, Phan Quang nhiều lần quả quyết: “Phát thanh để làm gì? Để cho dân nghe. Vậy ta phải biết rõ dân cần gì, thích nghe gì và không thích gì. Có những lúc, những vụ việc cụ thể, Đài không thể chỉ nói theo ý cấp trên mà phải bình tâm xem việc đó, con người đó, ý tưởng đó có hợp lòng dân, thuận tai thính giả hay không”.
Luôn luôn lắng nghe và biết nghe qua bộ lọc của một nhà báo dạn dày kinh nghiệm, một nhà quản lý báo chí qua nhiều cơ quan, giai đoạn lịch sử khác nhau, Phan Quang đã tạo cho mình một phong cách làm việc cụ thể và khoa học, một đức tính cần có là cần cù và sáng tạo, luôn luôn sáng tạo trên nền tảng nắm bắt hơi thở cuộc sống và tích lũy tư liệu.
Điều quý giá mà nhà báo Phan Quang để lại cho VOV không chỉ là tạo ra những bước ngoặt cần thiết đổi mới nội dung và kỹ thuật cũng như cung cách quản lý mà lớn hơn sâu đậm hơn là thay đổi cách làm báo phát thanh của những con người say mê phát thanh. Đó là từ làm phát thanh theo kiểu “con nhà nghèo”, “một người nói cho triệu người nghe”, đào tạo, sử dụng phóng viên như “con dao pha”, việc gì cũng làm, cũng xông vào, nhưng không thể trở thành “chuyên gia” sang tận dụng thời cơ mới, đi tắt đón đầu ứng dụng khoa học công nghệ mới, sản xuất chương trình chuyên biệt, chuyên sâu, làm việc theo nhóm, cùng nhau đưa thông tin nhanh nhất, cảm thụ nghệ thuật đẹp nhất đến mỗi gia đình, con người theo độ tuổi, nghề nghiệp, dân tộc khác nhau.
Gần chục năm dẫn dắt Đài Phát thanh Quốc gia cái tự hào cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở nhiều nhất của ông là con người, là đội ngũ phát thanh. Trước thềm thiên niên kỷ mới, nhà báo Phan Quang viết bài “Thách thức 21”, ông nhấn mạnh: “Vấn đề then chốt của ngành phát thanh, và đây cũng là lý do tồn tại của nó là nội dung thông tin…Xét đến cùng nhân tố quyết định thành công của chúng ta trong cuộc đương đầu với thế kỷ mới là đội ngũ những con người làm công tác phát thanh có ý thức được rõ hay không nhu cầu cải tiến thông tin, từ đó quyết tâm tự đổi mới, tự nâng cao, tìm cách thoát khỏi lối mòn để không ngừng nâng cao chất lượng đang làm…Thách thức 21 tồn tại trong mỗi chúng ta. Trở ngại chính là tư tưởng bảo thủ, trì trệ, phong cách đi theo lối mòn”.
Cũng chính vì lẽ đó mà nhà báo Phan Quang không dưới một lần nói với đồng nghiệp “Hãy làm việc hôm nay hơn hôm qua, ngày mai vượt ngày nay”./.