Nhà máy phân bón gây ô nhiễm khiến cả khu công nghiệp kêu trời
VOV.VN -Nhà máy này thường xuyên phơi các loại phân tươi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu công nghiệp.
Chiều 15/3, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị đối thoại với nhà đầu tư trong các khu công nghiệp của tỉnh. Trong các nội dung được đưa ra bàn thảo, cấp thiết nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường do một nhà máy sản xuất phân bón gây ra.
Lâm Đồng có 70 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại 2 khu công nghiệp là Phú Hội và Lộc Sơn, trong đó có 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký trên 6.525 tỷ đồng. Trong số này, có 38 doanh nghiệp đã triển khai hoàn thành dự án và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực.
Đại diện tỉnh Lâm Đồng ghi nhận các kiến nghị của nhà đầu tư |
Nhìn chung, các dự án trong 2 khu công nghiệp đều hoạt động có hiệu quả, tổng doanh thu trong năm qua đạt trên 7.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt gần 200 triệu USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Bên cạnh trao đổi, chia sẻ và đề xuất giải pháp tháo gỡ một số vướng mắc về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện, hệ thống cấp thoát nước,… nhiều nhà đầu tư đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần khẩn trương chấn chỉnh tình hình mất an ninh trật tự trong khu công nghiệp; kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng gây ô nhiễm môi trường từ Công ty cổ phẩn phân bón Oneway Bio-Organic. Cụ thể, nhà máy này thường xuyên phơi các loại phân tươi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu công nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư và cam kết sẽ chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.
“Theo nguyên tắc, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là cùng hỗ trợ nhau để pháp triển, không được vì sự phát triển của doanh nghiệp này mà kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp khác và ở đây là rơi vào vấn đề môi trường. Chúng tôi đã rất quyết liệt rồi, đã xử lý đến lần thứ 4 rồi, nếu trong thời gian tới mà công ty này vẫn không khắc phục thì sẽ cho cơ chế thay đổi ngành nghề kinh doanh.
Một khi đơn vị này không chịu chuyển ngành nghề kinh doanh, vẫn kinh doanh ngành nghề cũ mà gây ra ô nhiễm môi trường thì đề nghị Ban quản lý khu công nghiệp thu hồi dự án, rồi thu hút dự án khác để đảm bảo môi trường đầu tư trong thời gian tới. Không thể để một doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường mà làm ảnh hưởng tất cả các doanh nghiệp khác ở xung quanh”, ông Phạm S nói./.
Chậm xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường ở Quảng Ngãi
Quảng Ngãi: Dân ngăn cản xe chở rác vì ô nhiễm môi trường