Nhà máy rác “liên quan tới Mauri” bị đóng cửa, người dân vẫn lãnh đủ
VOV.VN - 2 năm nay, người dân ấp Bàu Mây, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm từ nhà máy rác.
Người dân ấp Bàu Mây, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm, mà nguyên nhân được cho là từ nhà máy xử lý rác đóng tại đây. Đáng nói hơn, khi người dân lên tiếng, báo chí vào cuộc thì tại nhà máy này có những động thái “bất thường”.
Hố nước đen và những giếng nước “chết”
Nhà máy xử lý rác Tân Phú nằm ở ấp Bàu Mây, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú. Nhà máy này đã dừng hoạt động và bỏ hoang 2 năm nay. Bên ngoài cổng, tên nhà máy không còn, dường như bị ai đó lột đi chứ không phải bị hư hại theo thời gian, bởi dòng chữ quan trọng là thông tin đơn vị chủ quản đã không còn, địa chỉ website cũng nham nhở, không rõ chữ.
Bên trong nhà máy đã ngừng hoạt động. |
Phía trong, nhà máy gần như bị bỏ hoang, chỉ còn những dãy nhà lợp tôn và 2 khối trụ sắt lớn, hình dạng như lò đốt. Kế bên là một khu đất lớn, nham nhở đất san lấp và một hố nước che lại bằng một tấm bạt lớn, nhưng bạt ra sẽ thấy mặt nước màu đen, có mùi hôi khó chịu. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân ở Bàu Mây bức xúc suốt nhiều năm qua.
Gia đình bà Bà Phạm Thị Kiên ở kế bên nhà máy xử lý rác. Gọi là xử lý rác nhưng bà Kiên cho biết, suốt nhiều năm hoạt động, nhà máy này chỉ đưa rác về, đào hố sâu đổ rác xuống, sau đó cho xe ủi ủi đất lấp lên.
Sau khi đổ xuống ít lâu thì rỉ ra một thứ nước màu đen, trời mưa thứ nước này tràn ra khu vực xung quanh, “tấn công” những nhà dân gần đó. Dần dần, nguồn nước của người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nước giếng đổi màu, có mùi hôi tanh.
Bà Phạm Thị Kiên cho biết: "Nước bơm lúc trong, lúc đục nhưng mùi hôi thì tương tự như mùi hôi nước men hầm. Ở đây là rác chôn, cứ mưa xuống là ngấm ra, rỉ ra".
Phần còn lại của hố nước màu đen chưa kịp san lấp. |
Để ăn uống, người dân phải mua nước bình, còn tắm rửa thì dân ở Bàu Mây buộc vẫn phải dùng thứ nước mà ai cũng biết là đã bị ô nhiễm từ nước rỉ của nhà máy rác. Có nhà không chịu nổi phải lấp giếng đi.
Ông Huỳnh Văn Giàu, người dân ấp Bàu Mây cho biết: "Hồi chưa có bãi rác đào giếng chừng 2, 3m là đủ nước dùng thoải mái rồi, sạch lắm. Còn bây giờ người ta lấp hết giếng rồi, sợ ô nhiễm vì nước đen".
Thậm chí, nhiều người ở đây đã phải treo biển bán đất, bán nhà nhưng tìm được người mua không dễ.
Hành vi bất thường của nhà máy rác
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy xử lý rác ở Bàu Mây được cấp phép và đi vào hoạt động từ năm 2010, chủ nhà máy là Công ty Đa Lộc có trụ sở tại TP. HCM.
Lúc đầu, phía nhà máy “quảng cáo” với người dân đây là nhà máy xử lý rác thành phân bón, nên người dân có thể yên tâm không gây ô nhiễm môi trường. Nhưng người dân khẳng định, “xử lý thành phân bón” ở đâu không thấy, chỉ thấy nhà máy đào hố, đưa rác về đổ xuống rồi chôn lấp. Thậm chí 2 năm sau, tức năm 2012, nhà máy đưa thêm loại rác bốc mùi “lúc hôi, lúc chua” về, có chỗ chôn lấp, có chỗ để lộ thiên, đẩy sự bức xúc của người dân lên tới đỉnh điểm.
Trước sự phản ứng dữ dội của người dân, năm 2017, nhà máy này bị tỉnh Đồng Nai đóng cửa, ngừng hoạt động.
Chất bùn màu đen nhìn như một loại bã thải. |
Đáng chú ý, ngay sau khi xảy ra sự việc ô nhiễm không khí ở Công ty AB Mauri Việt Nam (xã La Ngà, huyện Định Quán) thì nhà máy rác ở đây cũng có những biểu hiện bất thường. Bởi khi người dân ở La Ngà “tố” nhà máy Mauri xả thải ra môi trường, thì nhà máy rác ở Bàu Mây lập tức cho các xe đất đến đổ đất lấp kín hố chôn rác thải trước đây.
Tuy nhiên khi đang đổ đất san lấp, chính quyền huyện Tân Phú đã phát hiện và yêu cầu dừng việc này lại. Tại hiện trường, việc “xóa dấu vết” chưa hoàn tất, những lớp đất còn mới, chưa kịp lu lèn nên dẫm chân lên là lún xuống, một phần hố nước đen vẫn còn được che lại bằng một tấm bạt lớn màu xanh. Ở một góc bãi đất nơi chưa bị lấp đất, lộ ra chất bùn màu đen, nhìn như một loại bã thải, bề mặt đã khô nhưng ấn xuống vẫn thấy bùng nhùng.
Dấu hiệu cho thấy việc san lấp "xóa dấu vết" của nhà máy rác. |
Một lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú xác nhận sự việc xảy ra tại nhà máy rác ở Bàu Mây, xã Phú Thanh, nhưng cho biết sẽ trả lời sau, do đang chờ kết luận của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Đồng Nai.
Còn bà Võ Niệm Tường, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Đồng Nai lại cho biết đang chờ kết quả phân tích mẫu và báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Tân Phú./.