Nhà máy thủy điện không xả nước, Đà Nẵng đứng trước nguy cơ thiếu nước
VOV.VN - Mới tháng Giêng nhưng tại miền Trung, lưu lượng nước trên các con sông lớn đã cạn kiệt khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Riêng thành phố Đà Nẵng, nước mặn xâm nhập sâu vào cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép. Lượng nước thô cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ có nguy cơ thiếu hụt.
Thiếu nước sinh hoạt, nước tưới cho nông nghiệp vẫn là câu chuyện chưa có hồi kết tại thành phố Đà Nẵng. Làm gì để sử dụng hiệu quả tài nguyên nước vẫn là bài toán chưa có lời giải hữu hiệu từ nhiều năm nay.
Trạm bơm phòng mặn An Trạch cách nhà máy nước Cầu Đỏ thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng gần 10 km mới được đầu tư xây dựng hơn 350 tỷ đồng. Đây là trạm bơm nước dự phòng, cung cấp nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ thay thế nguồn nước ngọt khi sông Cẩm Lệ bị nhiễm mặn. Những ngày qua, nguồn nước tại trạm bơm phòng mặn này xuống thấp chưa từng có. Nước ngọt về ít nên nước mặn xâm nhập sâu. Cụ thể, độ mặn nước sông tại vị trí cửa lấy nước của nhà máy nước Cầu Đỏ là 2.378 mg/l, cao gấp 7 lần quy chuẩn cho phép. Thiếu nước thô, một trạm bơm phòng mặn phải dừng vận hành đã làm giảm đi một nửa nguồn nước cung cấp cho nhà máy nước Cầu Đỏ.
Ông Trần Hữu Tài, Công nhân vận hành Trạm bơm phòng mặn An Trạch – Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng lo lắng: “Năm nay là nguồn nước thô bị cạn kiệt nhất trong lịch sử vận hành. Nếu xuống nữa thì trạm bơm An Trạch mới có khả năng cũng phải dừng vận hành”
Hiện nay, 90% nguồn nước sinh hoạt của người dân thành phố Đà Nẵng đều sử dụng nguồn nước thô tại trạm bơm phòng mặn An Trạch. Nếu nguồn nước ở đây thiếu hụt cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn người dân thành phố Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt. Trong khi nguồn nước thô dùng cho nhà máy nước Cầu Đỏ khan hiếm thì các hồ thủy điện xả về rất hạn chế. Trong khi đó, nước từ dòng sông Vu Gia chảy tới huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam gặp sông Quảng Huế lại đổ dòng qua phía sông Thu Bồn. Hàng năm, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng phối hợp với các sở ngành tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để đưa nước về sông Vu Gia, chảy về phía Đà Nẵng. Thân đập An Trạch do Công ty Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Đà Nẵng quản lý đã quá cũ, nước rò rỉ qua thân đập. Do vậy, mực nước sông tại đập dâng An Trạch, trên sông Yên hạ rất thấp, mức thấp nhất là 1,26m.
Ông Hồ Minh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng giải thích: “Đập An Trạch được đầu tư từ rất lâu rồi Dù sao trong quá trình hoạt động trải qua rất nhiều thiên tai, bão lũ, mặc dù cũng được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nhưng đến cái tuổi thọ của nó, đến lúc nó cũng phải có những sự cố nhỏ. Từ đó gây ra việc thẩm thấu, rò rỉ, kết hợp với việc một khi hồ thủy điện xả nước về ít. Nếu nó thẩm thấu đi thì nó cũng làm cho mực nước ở đập An Trạch bị hạ xuống”.
Để giải quyết triệt để bài toán nhiễm mặn dẫn đến thiếu nước, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã xây dựng thêm trạm bơm số 2 với công suất 210.000 m3/ ngày đêm tại đập dâng An Trạch đưa vào sử dụng từ tháng 3/2023. Thế nhưng, nguồn nước thô tại đập dâng An Trạch về mực nước chết thì trạm bơm phòng mặn được đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng tê liệt hoàn toàn. Hiện nay, Công ty Quản lý Khai thác công trình thủy lợi thành phố Đà Nẵng đã thuê thợ lặn khắc phục sự cố rò rỉ nước nhưng không hiệu quả.
Ông Nguyễn Đăng Huy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Đà Nẵng đề nghị: “Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn triển khai đầu tư xây dựng đập Quảng Huế trên địa phận Quảng Nam để đảm bảo lưu lượng nước về thành phố Đà Nẵng; Đầu tư nâng cấp đập Ba Ra- An Trạch và hệ thống đập Bàu Mít để đảm bảo khai thác vận hành hiệu quả trạm bơm”.
Thành phố Đà Nẵng đã đầu tư hơn 1200 tỷ đồng để xây dựng nhà máy nước Hòa Liên và đưa vào sử dụng gần 1 năm nay. Ngoài ra, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cũng đã đầu tư cả ngàn tỷ đồng để nâng cấp nhà máy nước, các trạm bơm và hệ thống cấp nước chính. Tuy nhiên, nếu nguồn nước từ các hồ thủy điện trên thượng nguồn Thu Bồn và Vu Gia không điều phối hợp lý, các công trình thủy lợi, nhất là đập dâng hư hỏng như hiện nay, người dân Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng.
Nếu như trước đây, thành phố Đà Nẵng lo thiếu nước do nhiễm mặn thì năm nay chủ yếu do nguồn cung từ các thủy điện về các trạm bơm không đủ. Điều đáng nói là phần lớn nguồn nước ngọt dùng để sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân Đà Nẵng lại phụ thuộc vào 3 hồ thủy điện lớn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam, gồm Đắk Mi4, Sông Bung và A Vương. Thế nhưng, những ngày qua, các hồ này lại xả nước về hạ du hạn chế.
Ông Đỗ Thanh Phong, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Mi, chủ nhà máy thủy điện ĐakMi 4 giải thích: “Do yêu cầu của hệ thống là hạn chế phát điện để dành dung tích nước chứa trong các hồ đề phòng thời gian cao điểm sắp tới sẽ thiếu điện nên hạn chế xả nước về hạ du. Điều này dẫn đến việc dưới hạ du, mực nước ở đập An Trạch xuống thấ. Về việc này sắp tới chúng tôi cũng sẽ linh hoạt điều tiết hồ theo các quy định và các lệnh của các cơ quan có thẩm quyền”.
Như vậy, nguyên nhân dòng chảy trên các con sông bị cạn kiệt sớm là Trung tâm điều độ điện Quốc gia hạn chế huy động điện của 3 nhà máy thủy điện này nên lượng nước xả qua phát điện không nhiều. Các nhà máy thủy điện cam kết sẽ ưu tiên nhiệm vụ chống hạn mặn, đảm bảo an ninh nguồn nước và tuân thủ theo Quy trình vận hành liên hồ chứa 1865 trên sông Vu Gia – Thu Bồn đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2019.