“Sao” trong học đường:

“Nhà sáng chế” vùng đất thép

Những sản phẩm do Nguyễn Hoàng Thiện, một teen thế hệ 9x làm ra tuy còn thô ráp và “xấu xí”, từng được các công ty nước ngoài hỏi mua với giá vài trăm USD, nhưng Thiện không bán vì sợ có lỗi với người tiêu dùng

“Tớ bận lắm bạn ơi, tớ phải đi học rồi, gặp sau nhé!”-  Khi giỏi người ta được quyền cho phép mình “tự kiêu” hoặc “rất bận rộn”? Có lẽ điều này đúng ở một số bộ phận teen, nhất là cá tính của 9x bây giờ đã vượt qua sự “kiểm soát” của thế hệ đi trước rất nhiều. Khi đi gặp gỡ Nguyễn Hoàng Thiện (lớp 11A6 trường An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), một 9x “chính hiệu”, tôi cũng từng có những suy nghĩ như thế. Nhưng sau khi có cơ hội trò chuyện trực tiếp, tôi mới thấy được một Hoàng Thiện, một 9x  khác hơn đã tưởng…

Hàn chơi, sửa thử và thành công thật

Thiện kể, bạn mê vật lý từ hồi học cấp 2, thường tìm tòi sách vật lý về đọc và có thói quen thấy ai đang sửa chữa máy móc là đứng coi mải miết để ghi nhớ sơ đồ mạch điện rồi về vẽ lại. Cứ thế, dần dần trong bạn đã hình thành một suy nghĩ: Tại sao mình không chế tạo ra một cái gì đó?  Để thực hiện ý tưởng, Thiện bắt đầu tháo trộm dây nhợ, công tắc bên máy móc, đồ điện trong nhà để xem cấu tạo bên trong rồi tự hàn chúng lại. Qua nhiều lần như vậy Thiện đã tự học được cách hàn các thiết bị điện tử. Khi nguồn “hàng” từ gia đình cạn, Thiện bắt đầu tìm đến các bãi phế liệu, chợ điện tử để xin hoặc hỏi mua những chiếc radio, loa, máy quạt điện… hư cũ về “mổ xẻ”. Thiện thổ lộ: “Khi thấy mình ngày nào cũng ngồi với đống tuôcnơvit, kìm, phế liệu hư, rồi nhìn chăm chăm vào các mạch điện tử… gia đình la quá trời. Nhưng rồi từ thích “vọc” mình đã trở thành một thợ sửa chữa nghiệp dư lúc nào chẳng hay”.

Sau khi sửa được hẳn một chiếc quạt điện của gia đình bị hỏng, Thiện quyết phải “phát minh” một cái gì đó để “nâng cao tay nghề”. Và “nhà sáng chế” quyết định tập trung vào chú heo đất – “người bạn” từ thuở 3-4 tuổi. Qua nhiều ngày “nghiền ngẫm”, bằng nguồn nguyên liệu gồm một hộp các tông, những chiếc bánh xe, đĩa quay bánh xe, pin tiểu… được “rút ruột” từ đồ chơi trẻ em Thiện đã cho ra đời một “heo đất tự động”. “Với “chú ỉn” tự động này bạn chỉ cần ấn nút thì tiền sẽ tự động chạy vào hoặc chạy ra, không cần phải đập hay tốn thời gian cho việc để vào hoặc lấy tiền ra” Thiện tiết lộ.

Chưa dừng lại ở đó, thấy vùng ngoại thành bà con có thói quen để nhà cửa “lộ thiên” cho thoáng mát. Điều này đã tạo điều kiện cho các tên trộm “đục nước béo cò”, Thiện quyết định chế tạo một chiếc máy chống trộm. Từ những phế liệu nhặt nhạnh được, cùng một số phụ kiện mua ở các chợ điện tử, sau hai tháng Thiện đã cho “ra lò” chiếc máy chống trộm bằng tia laser. Với mắt nhìn bằng tia laser và chiếc còi ẩn trong, khi phát hiện có người “sờ mó” thiết bị này sẽ tự động phát ra những âm thanh báo động cực to. Tiện lợi nhất là thiết bị này có kích thước siêu nhỏ, lại không dây và được sử dụng bằng pin nên người dùng có thể gắn tại nhà, trên xe máy, hay trên bất kì một món vật dụng nào cần bảo vệ mỗi khi không có ở bên cạnh. Thiện bật mí: “Với những chiếc máy chống trộm có cùng tính năng khác trên thị trường, nếu mua bạn phải mất từ 100.000 trở lên, nhưng với chiếc máy của mình bạn chỉ tốn 30.000”.

Những sản phẩm Thiện làm ra còn thô ráp và xấu xí, nhưng đã từng được các công ty nước ngoài hỏi mua với giá vài trăm USD nhưng bạn vẫn không bán chỉ với một lý do “sợ có lỗi với người tiêu dùng”. Lý do ngộ nghĩnh này đã khiến Thiện bị bạn bè đặt cho biệt danh “nhà sáng chế gàn”. Thiện giải thích: “Mình từng quen một người bạn đã phát minh ra chiếc máy tiết kiệm điện và bán được bản quyền với giá hơn chục ngàn USD. Bên mua họ đã dùng công nghệ sản xuất đó để bán đại trà sản phẩm đó với giá 50 USD một chiếc, trong khi những chiếc máy đó để tự sản xuất chỉ mất hơn 200.000/sản phẩm. Từ sau lần đó, khi nghe có ai hỏi mua bản quyền là mình lại nghỉ tới điều này. Mình cảm thấy có lỗi với người tiêu dùng là vậy”.

“Sáng chế” cả phong trào đoàn

Nhiều người cho rằng các 9x ngày nay rất thiếu tinh thần tự nguyện, lười tham gia các hoạt động Đoàn, nhưng riêng Thiện không nghĩ vậy. Bạn cho rằng vấn đề là ở chỗ các hoạt động Đoàn đã đủ hấp dẫn để lôi cuốn và tạo được môi trường phù hợp cho các bạn Đoàn viên hay không? Thiện chia sẻ: “Sau nhiều lần thất bại trong việc “dụ” bạn bè tham gia phong trào của trường của lớp, mình hiểu rằng cần phải có sự thay đổi, phải làm mới để phong trào Đoàn phong phú, mềm mại và trí tuệ hơn. Không thể mãi đi theo lối mòn, cứ đến cầm tay các bạn và bảo đã là đoàn viên thì phải tham gia hoạt động Đoàn, tham gia hoạt động là phải đi họp, đến họp thì phải phát biểu ý kiến…”.

Bằng những sáng kiến: trong những buổi tập dượt cho một sân chơi nào đó thì mời bạn bè ở trường khác, lớp khác, đến cùng giúp vui và  “kích” máu đấu tranh của bạn bè. Sau các buổi họp luôn có những festival văn nghệ, giao lưu, đóng kịch, thuyết trình… và cũng thông qua đó để lồng ghép thông điệp cần tuyên truyền, niềm vui sau khi được cười thoải mái sẽ làm các bạn “thoáng” lòng đón nhận hơn. “Bình cũ nhưng rượu phải mới” – một slogan của riêng mình mà Thiện luôn áp dụng trong các lãnh vực học tập, sáng chế, hoạt động Đoàn.

Khi được hỏi về những dự định đang ấp ủ, Thiện cười, cho biết: “Mình ước có thật nhiều vốn để làm một chiếc tàu chống chịu thiên tai trên biển, vì thấy hàng năm luôn có rất nhiều bà con ngư dân mình phải chịu thiệt hại về tài sản và cả tính mạng do mưa bão gây ra. Nếu có một chiếc tàu đủ khả năng chống chịu thiên tai, bão tố trên biển thì thật tốt”.

Điềm tĩnh, trầm lặng, đôi lúc hơi bị bạn bè cho là “kiêu kiêu, gàn gàn” trong phong cách học và sống nhưng chưa bao giờ mất đi nét tinh nghịch, trẻ trung của một teen 9x, đó chính là Hoàng Thiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên