Nhà thầu cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ thi công đêm cho kịp tiến độ
VOV.VN - Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư) và nhà thầu phối hợp đẩy mạnh tiến độ thi công cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, đưa dự án vào khai thác đồng bộ với cầu Mỹ Thuận 2 cuối năm nay.
Tập trung xe, máy thi công đêm bù khối lượng
Tại gói thầu XL03 dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ do liên danh nhà thầu gồm Đèo Cả - Tổng công ty 36 - Tân Nam thi công, đến nay, tiến độ nền đường đạt khoảng 81%, các công trình trên tuyến đạt sản lượng khoảng 72%.
Trong đó, đoạn từ Km120+500 – Km126+700 do Đèo Cả chịu trách nhiệm thực hiện đã huy động xe máy, thiết bị từ các dự án khác đang gặp thời tiết bất lợi để bổ sung các mũi thi công dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ.
“Để đảm bảo tiến độ của dự án, tất cả nhân sự, máy móc được huy động để bổ sung cho các mũi thi công phần việc của mình tại nút giao 908 khi đã đủ điều kiện dỡ tải và tăng cường cho các nhà thầu khác đang chậm tiến độ”, đại diện nhà thầu Đèo Cả cho biết.
Theo phạm vi công việc, Đèo Cả và các nhà thầu đã bố trí 8 mũi thi công gồm 4 mũi thi công tuyến, 3 mũi thi công phần cống, hầm chui và 1 mũi thi công nút giao DT908. Trên tuyến có 11 cống tròn, 2 cống hộp, 2 hầm chui dân sinh, cầu Ông Bầy và một số hạng mục khác.
30 thiết bị gồm xe lu, xe đào, ô tô, máy san, máy ủi và máy rải đã được Đèo Cả điều đến để “chi viện” cho dự án. Tổng có khoảng 110 đầu máy móc, thiết bị của Đèo Cả đang thi công gói thầu này.
Tại hạng mục hầm chui dân sinh Km125+109, nhà thầu đang thi công lu vật liệu dạng hạt. Dự kiến tới 15/11/2023 sẽ hoàn thành công tác đắp vật liệu dạng hạt.
Đại diện nhà thầu cho biết, công tác vận chuyển vật liệu tại dự án gặp khó do đường vận chuyển bằng sông, ngòi nhỏ, đường bộ bị hạn chế tải trọng. Bên cạnh đó, nguồn vật liệu khan hiếm cũng là khó khăn chung của các dự án ở miền Tây, đặc biệt là cát. Đơn giá vật liệu cũng cao hơn so nhiều lần so với dự toán.
“Mùa mưa khiến cho việc thi công nền đường gặp trở ngại. Tại các tỉnh Tây Nam Bộ đang bước vào đợt mưa cao điểm, mưa lớn kéo dài, thường gây ngập úng cục bộ làm gián đoạn quá trình thi công và ảnh hướng đến chất lượng công việc của các mũi thi công trên tuyến”, đại diện đơn vị thi công nói.
Theo vị đại diện đơn vị thi công, hiện đường công vụ dọc tuyến cũng bị ảnh hưởng do mưa khiến công tác điều phối máy móc, nguyên vật liệu dọc tuyến rất khó khăn.
“Để khắc phục, bên cạnh việc huy động bổ sung máy móc thiết bị, nhà thầu cũng tổ chức thi công liên tục, bố trí 1 máy 2 nhân sự chia thành 2 ca, mỗi ca 11h, đảm bảo mỗi thiết bị hoạt động tối thiểu 20/24h”, đại diện nhà thầu Đèo Cả cho biết.
Anh Tài đang là công nhân lái lu từ dự án ở Ninh Thuận được điều chuyển về để bổ sung lực lượng cho dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ từ đầu tháng 10/2023 cho biết, để tranh thủ tối đa thời tiết nắng ráo, anh và các anh em thi công liên tục, ăn trưa, ăn tối ngay tại công trường.
"Để đạt tiến độ, nhà thầu chúng tôi đã tăng ca từ 10 tiếng/ngày lên 18 tiếng/ngày. Hiện, mỗi ngày trên công trường có khoảng 200 người gồm kỹ sư, cán bộ kỹ thuật và công nhân làm việc", anh Tài cho hay.
Xử lý, điều chuyển khối lượng nhà thầu chậm tiến độ
Trước đó, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tiến độ dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đến nay đạt khoảng 73% giá trị hợp đồng, với khối lượng như vậy là chưa đạt yêu cầu so với cam kết. Nguyên nhân chủ yếu là các nhà thầu chưa huy động đủ nguồn lực, máy móc, vật tư.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có giải pháp xử lý những nhà thầu chậm tiến độ tại các gói thầu thuộc dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Theo nội dung văn bản, yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận điều chuyển khối lượng của Tổng Công ty 36 cho các thành viên trong liên danh hoặc bổ sung nhà thầu phụ do chủ đầu tư chỉ định.
Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thay thế mũi thi công ban điều hành để hoàn thành đúng kế hoạch. Tập đoàn Đèo Cả huy động bổ sung các mũi thi công để sớm triển khai nút giao 908 đã đủ điều kiện dỡ tải.
Từ ngày 29/8, Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận cùng các nhà thầu thi công đã phát động phong trào thi đua "120 ngày đêm quyết tâm hoàn thành dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ".
Tuy nhiên, qua 45 ngày phát động phong trào thi đua, một số đơn vị chưa đạt tiến độ cam kết, giá trị sản lượng chỉ đạt khoảng 70% so với yêu cầu.
Một phần do điều kiện thời tiết bất lợi, nhưng phần lớn do hầu hết đơn vị chưa huy động đủ nguồn lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu. Các nhà thầu chưa tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Để đảm bảo hoàn thành dự án trước 31/12, Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thi công 3 ca, 4 kíp. Nhà thầu phải chủ động tập kết vật liệu đáp ứng tiến độ, đẩy nhanh thi công cống, đắp vật liệu dạng hạt đầu cầu để nối thông toàn tuyến.
Ngoài ra, nhà thầu duy trì, đảm bảo giao thông hệ thống đường công vụ dọc tuyến, đảm bảo điều kiện vận chuyển vật liệu.
Một số nhà thầu còn khối lượng lớn như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty CPXD Đèo Cả cần phải bổ sung mũi thi công, tăng cường huy động thêm thiết bị để thi công bảo đảm tiến độ đề ra.
Đặc biệt là Tổng công ty 36 – CTCP khối lượng còn lại rất lớn, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phải có ngay giải pháp, yêu cầu các thành viên liên danh khác trong gói thầu, tăng cường, hỗ trợ thiết bị cho Tổng công ty 36 – CTCP để thi công hoàn thành theo các mốc tiến độ cam kết.
Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận triển khai, chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT, báo cáo về Bộ GTVT trong tháng 10.
Sốt ruột trước tiến độ “rùa” của dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT kiểm tra hiện trường thi công dự án.
Ông Lâm cho biết, Bộ GTVT rất sốt ruột với tiến độ thi công của dự án, bởi khối lượng công việc còn nhiều, trong khi mục tiêu là phải hoàn thành tuyến cao tốc vào cuối năm 2023, đảm bảo khai thác đồng bộ với cầu Mỹ Thuận 2.
"Yêu cầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị phải đẩy mạnh tiến độ thi công các cầu, cống, đắp vật liệu dạng hạt. Trong quá trình thi công, tư vấn phải kiểm soát chất lượng, kiểm tra chặt chẽ vật liệu đầu vào. Nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công thì phải quyết tâm thực hiện", Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, trong đó qua tỉnh Vĩnh Long có chiều dài hơn 12km, Đồng Tháp dài hơn 10km. Tổng mức đầu tư công trình hơn 4.800 tỷ đồng.
Giai đoạn 1, tuyến được đầu tư với quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào cuối năm 2023.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là mảnh ghép cuối cùng của toàn tuyến đường bộ Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài 120km. Công trình đưa vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải, chia lửa cùng tuyến Quốc lộ 1, góp phần giảm thời gian di chuyển TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ còn 2 giờ đồng hồ thay vì 4 giờ như hiện nay.