Nhà xuất bản lý giải nguyên nhân thiếu SGK đầu năm học mới

VOV.VN - NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, khi chuyển sang một chương trình nhiều bộ SGK, sau khi có thông báo của từng địa phương về nhu cầu sách, NXB mới có thế kê in và chuyển xuống. Trong khi đó nhiều nơi quyết định lựa chọn, đăng ký số lượng sách muộn dẫn đến tình trạng thiếu sách cục bộ.

Đầu năm học mới đã diễn ra gần 1 tháng, nhưng nhiều địa phương vẫn thiếu SGK theo chương trình GDPT mới.

Chị Nguyễn Kim Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, nhà trường rất tích cực hỗ trợ học sinh và phụ huynh mua SGK mới, song đến nay vẫn còn thiếu sách bài tập Hóa học và Vật lý. Dù tìm mua ở nhiều hiệu sách khác nhau, nhưng chị Kim Anh vẫn chưa thể mua đủ sách cho con.

Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Thắng (Thạch Thất, Hà Nội) có con học lớp 10 cũng cho biết đã đăng ký mua sách cho con tại trường nhưng hiện nay vẫn thiếu một số môn. Trong thời gian này, giáo viên vẫn hướng dẫn học sinh sử dụng SGK điện tử, song việc dùng sách điện tử cũng có những bất tiện, khó theo dõi hơn SGK giấy.

Trao đổi về nội dung này, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc thiếu SGK cục bộ có thể do khó khăn khi chương trình GDPT mới vẫn còn khá mới mẻ.

Trước đây, tất cả học sinh cùng học 1 SGK, chỉ duy nhất NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản sách, nên có thể căn cứ trên số lượng học sinh để in sớm và xuất bản, cung cấp tới các địa phương. Tuy nhiên khi chuyển sang một chương trình nhiều bộ SGK, sau khi có thông báo của từng địa phương về nhu cầu sách, NXB mới có thế kê in và chuyển xuống. Trong khi đó, nhiều trường, địa phương quyết định lựa chọn, đăng ký số lượng sách muộn.

“Các nhà xuất bản đã nỗ lực nhưng vẫn không đảm bảo kịp thời như trước đây. Đây cũng là năm đầu tiên thay sách ở lớp 10 và có rất nhiều môn học tự chọn, tùy theo điều kiện giáo viên và các cơ sở giáo dục lựa chọn SGK nào nên trước khai giảng, thậm chí sau khi khai giảng NXB mới có thông tin để in ấn và chuyển về các địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ SGK”, ông Hải cho biết.

Từ góc độ NXB, ông Lê Hoàng Hải cho rằng, luôn muốn sản xuất nhiều nhất và cung ứng sớm đến các địa phương, nhà trường, song quá trình lựa chọn SGK hiện nay còn khá mới, nhiều địa phương phối hợp chưa đồng bộ dẫn đến những khó khăn nhất định.

Trước câu hỏi về việc tại sao giá SGK tiếng Anh đang cao hơn rất nhiều so với các môn học khác, ông Lê Hoàng Hải cho biết, đây là một trong những vấn đề mà các NXB trăn trở nhất hiện nay. Tại NXB Giáo dục Việt Nam, giáo trình tiếng Anh phải liên kết với các NXB trên thế giới, do đó tốn một khoản chi phí rất lớn cho chi trả bản quyền. Bên cạnh đó, về quy cách và hợp tác xuất bản cũng phải tuân thủ những quy định về kích thước, khuôn khổ giấy theo NXB đối tác.

“Về mặt quy cách, số trang môn tiếng Anh tương đồng với SGK bản gốc nhưng rẻ hơn rất nhiều, chúng tôi cũng rất hy vọng dần có giải pháp tốt hơn”, ông Hải nói thêm.

Đại diện NXB Giáo dục cũng cho rằng, chính các NXB cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình cải cách SGK, mà khó khăn lớn nhất là thời gian. Nếu như những lần thay sách trước đây thực hiện tuần tự từng lớp trong năm, có lần thay sách mỗi năm 2 lớp, thì lần cải cách này mỗi năm thay đồng loạt ở cả 3 cấp học. Khối lượng công việc tăng lên rất nhiều ở cả khối biên soạn, biên tập, in ấn, phát hành sách.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang 1 chương trình, nhiều SGK, tính cạnh tranh giữa các NXB cũng tăng lên. Về phía địa phương, quá trình chọn sách cũng rất khó dự đoán, nắm bắt sớm, NXB hoàn toàn không biết địa phương đó có dùng sách của mình hay không, điều này cũng dẫn đến việc chậm cung ứng SGK đầu năm học mới./.

Liên quan đến việc xuất bản SGK, mới đây, báo cáo kinh doanh của NXB Giáo dục Việt Nam năm 2021 cho thấy NXB này đã phát hành đến 164,6 triệu quyển SGK, vượt 40% so với kế hoạch đề ra, mang về doanh số “khủng”. Tuy nhiên, NXB vẫn "kêu" khó trong quá trình làm SGK mới. Lý giải điều này, ông Lê Hoàng Hải cho rằng, tổng lãi suất của NXB Giáo dục Việt Nam không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất SGK mà còn nhiều hoạt động khác. Một trong những đột biến lợi nhuận được nêu ra trong báo cáo tài chính trên do đơn vị này thực hiện chỉ đạo của việc thoái vốn của các đơn vị trước đây NXB đã đầu tư. Khi thoái vốn thành công thì một lượng tài chính khá lớn đổ về khiến xã hội nhầm tưởng đây là lợi nhuận khủng tiếp từ việc làm SGK mới.

“Thực hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD-ĐT, giá SGK lớp 2, lớp 6 đã được NXB Giáo dục Việt Nam tính toán tiết giảm chi phí. Hiện nay giá SGK lớp 2, lớp 6 đã thấp hơn giá SGK lớp 1, đặc biệt giá SGK các khối 3, 7, 10 đã giảm từ 5-10% so với các lớp trước”, ông Hải thông tin.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên