Nhật ký vượt đèo

Nói đến Tây Bắc là nói đến những cung đường xẻ dọc, vắt ngang đèo cao, vực sâu thăm thẳm. Để chiến thắng mọi địa hình ẩn chứa nhiều hiểm nguy này, mỗi “bác tài” phải thực sự là người có “nghề...”  

Nhiều chuyến lên vùng cao công tác đã trôi qua, nhưng ấn tượng về anh em lái xe của Quân khu 2 vẫn còn vẹn nguyên trong tôi.

Sắc màu Pha Đin

Chẳng bận nào lên Tây Bắc công tác mà tôi không được trò chuyện với “cánh” lái xe của Quân khu 2, được du dương trong những làn điệu dân ca, dân vũ, và được nhìn thấy vẻ hiền khô ở những thiếu nữ các dân tộc súng sính trong trang phục đa sắc màu. Song, bức tranh vùng cao còn có cả những cung đường mong manh lưng sườn núi, chạy sát xuống vực sâu, uốn éo vắt ngang trên một số con đèo đặc biệt hiểm trở như: Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Pha Đin... Giao thông nơi đây vì thế cũng có nhiều cung bậc và để lại dấu ấn trong lòng người.

Cung đèo Pha Đin

Nhớ lại chuyến công tác của đoàn cán bộ Cục kỹ thuật Quân khu 2 hồi đầu năm, khởi hành từ thành phố Việt Trì (Phú Thọ) lúc mặt trời còn chưa mọc. Đây là dịp đến thăm và kiểm tra các kho, trạm sửa chữa vũ khí, trang bị đóng quân ở vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Điện Biên.

Trong phút giải lao trên đỉnh đèo Pha Đin, Trung úy Nguyễn Mạnh Cường (lái xe) tâm sự: “Mùa xuân ít lốc, ít mưa, thuận lợi cho việc đi lại, nhưng riêng cuộc hành trình lần này mới đi được hơn hai phần ba quãng đường lên Điện Biên mà tôi đã phải cho xe nghỉ dọc đường mấy bận để thay lốp, vá xăm, để xe mát máy... thì quả thật là xưa nay hiếm. Ngán nhất là đoạn đường hình chữ A, chữ Z ở vị trí lưng đèo đất đá sạt lở tứ tung, với nhiều khúc cua tay áo, chỉ vừa cho một chiếc ô tô tải lách qua cũng đủ để cho những ai yếu bóng vía ngồi trên xe phải... rợn tóc gáy. Nhưng cho dù những cung đường lên Tây Bắc có hiểm trở đến thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn tự tin vào tay lái của mình”.

Mỗi khi vượt những cung đường hiểm trở là một lần lái xe huy động tối đa những kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống, điều khiển tay lái phải chính xác đến từng cm. Đồng thời, luôn giữ sự điềm tĩnh ở từng khúc cua để đem lại cho  người ngồi sau sự tin cẩn mà quên đi đèo cao, vực sâu.../.

Các con đèo Tây Bắc nói chung, đèo Pha Đin nói riêng luôn là đề tài thú vị nhất trong câu chuyện của những người từng vượt qua nó! Bây giờ, đường đèo đã được mở rộng, bớt cao hơn nhưng vẫn còn  nhiều biển báo nguy hiểm. Điều đó chẳng “ngoa” chút nào khi chúng tôi xuống tới sườn đèo bên địa bàn huyện Tuần Giáo (Điện Biên) thì chứng kiến tới 2 vụ tai nạn ô tô. Một chiếc xe du lịch 12 chỗ đang nằm dưới vực, chiếc còn lại bị va vào thành núi nhưng cũng may chỉ bị bẹp một chút phần ca bin. Thấy thế, cả đoàn dừng lại hỏi thăm và được biết lái xe tên Bẩy may mắn thoát hiểm, chỉ bị xước xát nhẹ. Bẩy nói theo giọng bỗ bã của lính xế đường trường: “Xe bò lên đèo đã khổ, nhưng đến lúc đổ đèo (xuống) thì còn “nhục” hơn nhiều. Chỉ cần sơ sảy một chút thôi là cánh tài xế bọn em xanh mặt...”.

Tất cả các tuyến đường Tây Bắc đều chằng chịt những đoạn quanh co, trùng điệp và đã từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Nhưng với tính cẩn thận và trình độ tay nghề cao, cũng như khả năng làm chủ tốc độ trên địa hình hiểm trở mà cánh lái xe Quân khu 2 vẫn luôn an toàn. Dạo ấy lên Điện Biên, tôi đã gặp và được nghe Trung úy Dương Văn Nguyên, lái xe Đội quy tập mộ liệt sĩ (Bộ tham mưu Quân khu 2) tâm sự: “Quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của ta hy sinh trên đất bạn Lào vô cùng gian khó, đường cơ động chủ yếu là rừng núi, nhiều đoạn có độ dốc lớn rất nguy hiểm. Bởi thế, sau mỗi ngày hành quân làm nhiệm vụ, tôi lại cần mẫn, tỷ mỉ kiểm tra tình trạng kỹ thuật xe thì hôm sau mới yên tâm chạy qua địa hình hiểm trở được”.

Tâm tình vượt núi

Tôi còn nhớ dịp theo Thiếu tướng Phạm Ngọc Châu, Phó chính uỷ Quân khu 2 đến thăm và kiểm tra các đội công tác xây dựng cơ sở tại một số xã đặc biệt khó khăn ở tỉnh Lào Cai vào cuối tháng tư vừa qua. Những tuyến đường nơi đây liên tục phải đối mặt với các vụ sạt lở đất đá làm ách tắc giao thông, gây nguy hiểm cho người cũng như phương tiện qua lại. Lái xe ngoắt trái rồi đảo về bên phải liên tục. Có những đoạn đường, vệt lốp phải chính xác đến từng cm.

Phút giải lao trên đỉnh Hoàng Liên

Hiểm nguy là thế, nhưng có niềm tin nên mọi người ngồi trên xe vẫn cảm nhận được mây núi bồng bềnh, giai điệu mượt mà của bản Tình ca Tây Bắc và những lời chia sẻ kinh nghiệm điều khiển xe vượt núi của lái xe Đào Anh Tuấn: “Việc lái xe ổn định ở tốc độ phù hợp sẽ giúp tăng mức an toàn và tiết kiệm được nhiên liệu. Đặc biệt trong điều kiện giao thông hiểm trở, thì tài xế cần phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng dây an toàn đúng cách, thường xuyên điều chỉnh ghế, gương chiếu hậu hợp lý, không tăng tốc đột ngột và phanh gấp, bật tín hiệu đèn khi rẽ. Đồng thời, thường xuyên giữ đúng quy định về khoảng cách an toàn với xe phía trước là yếu tố tránh được tai nạn. Để làm tốt điều này, lái xe cần tuân theo “quy tắc 4 giây”. Bởi, 4 giây là khoảng thời gian cần thiết cho tài xế tiếp nhận thông tin từ phía trước, và đưa ra phản ứng kịp thời với những thay đổi đột ngột”.

Sau khi đến thăm, kiểm tra huyện đội Bát Xát và Đoàn KT-QP B45, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình vượt đèo dốc khá căng thẳng nhưng thú vị với những khúc cua gấp làm tài xế phải hết sức thận trọng căn đường để đến với Đội công tác xây dựng cơ sở số 4 tại xã Lao Chải của huyện đội Sa Pa. ở đây, khí hậu mát mẻ, sương giăng trên sườn núi, ngô dưới thung lũng xanh mướt. Tôi quan sát thấy mỗi khi vượt những cung đường hiểm trở là một lần lái xe huy động tối đa những kinh nghiệm trong việc xử lý các tình huống, điều khiển tay lái phải chính xác đến từng cm. Đồng thời luôn giữ sự điềm tĩnh ở từng khúc cua để đem lại cho  người ngồi sau sự tin cẩn mà quên đi đèo cao, vực sâu...

Tạm biệt Sa Pa, chúng tôi lại bắt đầu với cuộc hành trình đến thăm và kiểm tra Đội công tác xây dựng cơ sở số 2 của huyện đội Bảo Thắng. Cung đường này tương đối bằng phẳng nên mọi người trên xe thoải mái ngắm cảnh và suy ngẫm. Thiếu úy Lê Văn Tuân, lái xe Phòng dân vận Quân khu vừa điều khiển xe, vừa tâm sự: “Thời bình mà cuộc sống người lính chúng ta vẫn còn vất vả lắm các anh ạ!”. Tôi hiểu, anh không than vãn cho mình, mà đấy là lòng thương cảm dành cho cán bộ, chiến sỹ của các đội công tác xây dựng cơ sở (Bộ CHQS tỉnh Lào Cai) đang ngày đêm “cắm” bản và ở dưới những mái nhà dột nát.

Với tôi, hai chuyến công tác vùng cao dài ngày, vất vả và hiểm nguy có thể coi là kỷ lục. Song tình cảm giữa trung du với miền núi, giữa chúng tôi với lái xe, giữa quân với dân đã vượt lên trên tất cả... ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên