Nhếch nhác làng Đá mỹ nghệ Non Nước, Đà Nẵng

VOV.VN - Làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước nằm trong Khu di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Hiện vẫn còn hơn 100 hộ dân chưa chịu di dời đến vì cho rằng không phù hợp cho phát triển nghề. Nhiều người bỏ nghề chuyển sang làm việc khác.

Ông Phan Đức Lộc, chủ xưởng làm đá tại Làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, sau 4 năm dời về đây, việc sản xuất, kinh doanh của gia đình ông gặp khó khăn. Gia đình ông gắn bó với nghề đá mỹ nghệ hơn 20 năm nay. Trước đây, sản xuất tại nhà, diện tích rộng nên làm ăn thuận tiện.

Xưởng sản xuất đá quá chật hẹp, nhếch nhác.

Ông Lộc than thở, từ khi vào làng nghề, diện tích quá nhỏ, khiến việc đi lại, sản xuất trong xưởng rất bất tiện, nhiều thợ bỏ nghề: "Khó khăn trong việc sản xuất. Đi đứng, vận động không được. Vừa chật hẹp, thời tiết nóng bức nên mình khó mà hoạt động dễ dàng, dễ gây sức ép về sức khỏe".

Hoạt động sản xuất đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và hoạt động du lịch của khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Từ năm 2008, UBND thành phố Đà Nẵng đã có quy hoạch làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Theo đó, thành phố quy hoạch xây dựng cơ sở mới rộng hơn 35 ha, cách chỗ cũ gần 1 km, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Đến nay, cơ sở này thu hút hơn 300 hộ vào sản xuất, mỗi hộ có xưởng sản xuất rộng 100 m2. Hiện vẫn còn hơn 100 hộ chưa chịu di dời đến cơ sở mới. Ông Nguyễn Vinh Thành, một trong những hộ không di dời tới làng đá cho biết, với diện tích phân lô như hiện nay chỉ phù hợp xây dựng nhà ở. Lại thêm làng đá hiện nay quá ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe người làm nghề nên ông không dời vào làng nghề mới.

"Sau khi bột đá thoát xuống dưới cống mà cống lại nhỏ và cạn, nếu làm tầm khoảng 4 đến 5 tháng sẽ đầy liền. Lúc đó, nước không thoát và chảy tràn ra đường. Thứ 2 nữa là xe chở đá, xe trung chuyển đồ đạc, xe cẩu,… mang theo đất đá mỗi khi tới mùa mưa thì bị lầy lội. Còn nếu như tới mùa nắng chỉ cần 1 chiếc xe chạy ngang qua thì bụi mù mịt, rất ô nhiễm.", ông Thành chia sẻ.

Nước dùng để rửa đá gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn Xuất, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh tại khu danh thắng Ngũ hành Sơn cho biết, mục đích của việc di dời các hộ làm đá tới làng nghề theo quy hoạch nhằm tránh gây ô nhiễm. Thế nhưng tại cơ sở mới, tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều điều nhức nhối.

Việc quy hoạch làng nghề giống như “đem con bỏ chợ”, khiến nhiều người bức xúc. "Bây giờ tập trung vào một làng nghề, đó là điều mà mình cảm nhận nó rất tốt, khỏi gây tiếng ồn, bụi bặm cho người khác. Nhưng mà ngược lại, khi lên làng nghề cấp cho tôi 100 mét vuông, tôi để 2 cục đá là hết chỗ rồi, không có chỗ làm nữa, quá chật! Nóng quá. Với thứ 2 nữa là họ làm không có quy hoạch, giống như “đem con bỏ chợ”. Đó là một trong những nguyên nhân khiến người thợ bỏ làng nghề", ông Xuất cho biết.

Ông Nguyễn Việt Minh, Chủ tịch Hội làng đá mỹ nghệ Non Nước cũng thừa nhận, việc xử lý mối quan hệ giữa  bảo tồn, phát triển làng nghề gắn với  khai thác các hoạt động du lịch là một yếu tố hết sức quan trọng. Khi Danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt, đáng lẽ làng nghề này sẽ phát triển hơn nếu kết hợp tốt với du lịch. Nhưng thực tế cho thấy, làng nghề quá nhiều bụi, ồn ào, không một du khách nào lui tới đây: "Nói chung quỹ đất quy hoạch cho làng nghề cũng hơi chật và gần khu dân cư. Tiếng ồn thì còn có thể hạn chế được chứ bụi bặm thì không thể hạn chế được. Tương lai thì nó càng bị bụi, mình tránh bụi nhưng vào làng nghề thì lại thành tập hợp bụi lại. Làng nghề không thể kết hợp phát triển du lịch được vì ồn và bụi lắm".

Mỗi xưởng sản xuất trong làng nghề Đá mỹ nghệ non nước có diện tích rất hẹp, người thợ chỉ có một chút diện tích để ngồi.

Ông Võ Đức Huy, Trưởng Ban Quản lý Làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, ban đầu, UBND thành phố Đà Nẵng lập dự án này chủ yếu sắp xếp, quy hoạch bố trí công ăn việc làm, bảo đảm môi trường sinh thái cho người dân làng nghề và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nhưng hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập: "Quy hoạch của làng nghề hiện nay không phù hợp vì do thực tế của quỹ đất là bố trí công ăn việc làm chứ không phải bố trí theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Nhưng bây giờ quy hoạch hết rồi, giống như lô nhà ở đó thôi, mình tính làm sao được nữa? Người nào ra người đấy hết rồi?".

Hiện UBND quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội lập đề án chi tiết quy hoạch, xây dựng mở rộng làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước Ngũ Hành Sơn, giai đoạn 2 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, sẽ mở rộng diện tích làng nghề về hướng đông nam của phường Hòa Hải với việc bố trí khoảng 125 lô đất cho các hộ sản xuất hiện còn ở trong khu dân cư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

UNESCO công nhận Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu
UNESCO công nhận Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu

VOV.VN - Công viên Địa chất Toàn cầu non nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam.

UNESCO công nhận Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu

UNESCO công nhận Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu

VOV.VN - Công viên Địa chất Toàn cầu non nước Cao Bằng trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu thứ hai ở Việt Nam.

Tiềm năng du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng
Tiềm năng du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng

VOV.VN -Công viên địa chất Cao Bằng đã trở thành một thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNSECO thì cũng cần trở thành điểm nhấn du lịch

Tiềm năng du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng

Tiềm năng du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng

VOV.VN -Công viên địa chất Cao Bằng đã trở thành một thành viên của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNSECO thì cũng cần trở thành điểm nhấn du lịch

Thăm “làng đá” Khuổi Ky bình yên nơi biên cương Cao Bằng
Thăm “làng đá” Khuổi Ky bình yên nơi biên cương Cao Bằng

VOV.VN - Những ngôi nhà sàn ở làng đá một thời mang dáng dấp của nhà Mạc ở Cao Bằng đã ít nhiều chìm vào lãng quên.

Thăm “làng đá” Khuổi Ky bình yên nơi biên cương Cao Bằng

Thăm “làng đá” Khuổi Ky bình yên nơi biên cương Cao Bằng

VOV.VN - Những ngôi nhà sàn ở làng đá một thời mang dáng dấp của nhà Mạc ở Cao Bằng đã ít nhiều chìm vào lãng quên.