Tăng cường ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế

VOV.VN - Công tác triển khai thực hiện kế hoạch số 111 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế của các Bộ, ban, ngành, địa phương và lực lượng chức năng ra sao?

Kế hoạch số 111 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia vừa ban hành, sẽ chính thức được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày 1/12/2022 đến hết ngày 1/12/2025. Vậy công tác triển khai thực hiện kế hoạch này của các Bộ, ban, ngành, địa phương và lực lượng chức năng ra sao?

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua cảng hàng không quốc tế và qua đường bưu chính quốc tế có chiều hướng tăng do tần suất các chuyến bay quốc tế ngày càng tăng cao. Các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hoá có giá trị cao, dễ cất dấu vận chuyển như: sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ mỹ phẩm, tân dược thực phẩm chức năng, ma tuý, xì gà… trang thiết bị, vật tư y tế và lợi dụng qua hình thức chuyển phát khai báo hàng hoá, quà tặng, quà biếu…. Đó là một phần trong báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại qua cảng hàng không quốc tế thời gian qua.

Ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết thêm: "Hoạt động của tội phạm mua bán vận chuyển trái phép các chất ma tuý, tiền chất qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng cả về quy mô số lượng, thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn cất giấu tinh vi, tính chất vụ việc phức tạp. Các đối tượng thường sử dụng hình thức như đóng gói, vận chuyển mua bán, nguỵ trang giả dạng dưới hình thức hàng hoá hành lý thông thường, giao dịch qua các sàn giao dịch điện tử, mạng xã hội để mua hàng sau đó sử dụng các dịch vụ chuyển phát, bưu chính quốc tế và các dịch vụ giao nhận hàng nội địa để né tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng…".

Kế hoạch số 111 về “Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế” của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nêu rõ: sẽ triển khai quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Do vậy, cùng với nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết: "Chúng tôi cũng đã có những kế hoạch cụ thể, làm rõ hơn nữa để đấu tranh theo từng nhóm hàng, từng mặt hàng. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến những biện pháp vì những đối tượng buôn lậu luôn luôn thay đổi các phương thức, cách thức, thủ đoạn. Tới đây, chúng tôi cũng áp dụng thêm một số biện pháp kiểm tra ngẫu nhiên, nếu như qua phân tích hàng hoá, cũng như doanh nghiệp, tuyến đường vận chuyển thì chúng tôi có chỉ dẫn về quản lý rủi ro để có kiểm tra ngẫu nhiên hàng luồng xanh".

Thực hiện nội dung kế hoạch số 111, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ động thu thập, chia sẻ thông tin, làm tốt công tác nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung vào hàng hoá vi phạm được vận chuyển qua đường hàng không quốc tế vào nội địa để có kế hoạch, phương án đấu tranh hiệu quả.

Với chức năng của mình, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ, Công an các địa phương phối hợp với các lực lượng liên qua, chủ động nắm tình hình, thu thập, chia sẻ thông tin trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và tổ chức đấu tranh, xác lập chuyên án nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các cảng hàng không quốc tế; tiếp nhận, giải quyết kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm và các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng các nước có đường bay quốc tế đi, đến Việt Nam để trao đổi, chia sẻ thông tin và tổ chức phối hợp phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: "Qua theo dõi chúng ta lưu ý tuyến hàng không hàng hoá từ Châu Âu về tập trung vào tuyến đường không và tuyến trên biển, nên tôi đề nghị các lực lượng phải tập trung rất cao và có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Hải quan, Công thương, Quản lý thị trường với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát Kinh tế tạo thành một thế trận thì mới ngăn ngừa được. …".

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan làm tốt công tác nghiệp vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước trong việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá qua các cảng hàng không quốc tế; chỉ đạo lực lượng Thuế phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc trao đổi thông tin, tài liệu có liên quan đến các tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn điện tử, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế khi có yêu cầu.

Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: "Vấn đề về hàng không và bưu chính thì nổi lên là ma tuý, thuốc lá điếu, xì gà, vàng bạc, ngoại tệ, các thiết bị điện tử, mỹ phẩm, tân dược, thiết bị y tế qua đường hàng không rất nhiều thì hiện nay về phía Hải quan chúng tôi siết chặt, tuy nhiên các ngành phải phối hợp, chúng tôi phối hợp với Công an thắt chặt vấn đề này.

Kể cả vấn đề về ma tuý mặc dù thủ đoạn rất tinh vi như lấy quần, áo nguỵ trang ma tuý mặc vào người nhưng vẫn phát hiện ra. Cơ quan hải quan quản lý dựa trên rủi ro chứ không thể kiểm tra hết mặc dù chúng tôi đã tăng cường các hệ thống máy soi tại các cửa khẩu, cảng hàng không, sân bay nhưng cũng không thể kiểm soát được hết mà đặc biệt khi thực hiện luồng xanh, luồng đỏ để thúc đẩy cho quá trình xuất nhập khẩu thì lại bị lợi dụng vấn đề thông quan để buôn lậu. Vì thế, sau thông quan chúng ta vẫn tiếp tục theo dõi để phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm. Trước khi thông quan, những thông tin tình báo, thông tin đặc biệt để ngăn cản và bắt giữ hàng buôn lậu qua hàng không. Chúng tôi nghĩ cái này rất quan trọng".

Kế hoạch số 111 cũng nêu rõ: thông qua công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế phát hiện các phương thức, thủ đoạn mới mà các đối tượng tội phạm sử dụng, kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 các cấp xây dựng, điều chỉnh các kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, phù hợp; phát hiện các sơ hở, thiếu sót của chính sách, pháp luật bị các đối tượng phạm tội lợi dụng hoạt động, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 các cấp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: Kế hoạch số 111, được thực hiện từ ngày 1/12 tới đây, nên ngay từ bây giờ, các đơn vị, lực lượng chức năng cần tăng cường rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng chức năng chống buôn lậu, bảo đảm phân định rõ quyền, trách nhiệm của từng lực lượng từ Trung ương đến cơ sở trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói chung và cảng hàng không quốc tế nói riêng, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình hình phức tạp; hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước tại cảng hàng không quốc tế, về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, bảo đảm không để các đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phát hiện gần 1.000 thùng phở bò có dấu hiệu gian lận thương mại ở Đắk Lắk
Phát hiện gần 1.000 thùng phở bò có dấu hiệu gian lận thương mại ở Đắk Lắk

VOV.VN - Ông Lê Thanh, chủ kho hàng khai nhận, số hàng này do ông mua chủ yếu của các đại lý ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác về bán lại kiếm lời.  

Phát hiện gần 1.000 thùng phở bò có dấu hiệu gian lận thương mại ở Đắk Lắk

Phát hiện gần 1.000 thùng phở bò có dấu hiệu gian lận thương mại ở Đắk Lắk

VOV.VN - Ông Lê Thanh, chủ kho hàng khai nhận, số hàng này do ông mua chủ yếu của các đại lý ở TP.HCM và các tỉnh, thành khác về bán lại kiếm lời.  

Chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

VOV.VN - Lượng hàng hóa qua cửa khẩu cảng Đà Nẵng rất lớn và nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại cũng gia tăng. Do đó, các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp phát hiện, xử lý hành vi này.

Chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

Chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm

VOV.VN - Lượng hàng hóa qua cửa khẩu cảng Đà Nẵng rất lớn và nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại cũng gia tăng. Do đó, các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp phát hiện, xử lý hành vi này.