Nhiều cảng hàng không quá tải do dự báo thiếu chính xác
VOV.VN - Quy hoạch cảng hàng không lạc hậu, dự báo không chính xác dẫn đến quá tải và phải điều chỉnh quy hoạch…
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, nhiều cảng hàng không đã quá tải, đặc biệt là cảng hàng không Tân Sơn Nhất ùn tắc cả trên không và dưới mặt đất và đường thoát ra bên ngoài, đe dọa an toàn, an ninh hàng không là do công tác quy hoạch cảng hàng không lạc hậu, dự báo không chính xác dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch.
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã quá tải nghiêm trọng. Ảnh Phi Long.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 ngành giao thông vận tải vào sáng 10/1, theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2016 xấp xỉ có 32 triệu hành khách thông quan (vượt 28% so với quy hoạch 2020), 40.000 lượt xe qua vào ngày đêm trong cảng đã gây áp lực rất lớn lên hạ tầng nội bộ cảng và cả các tuyến đường xung quanh.
Để phục vụ dịp Tết nguyên đán 2017 hành khách đi lại thuận tiện, an toàn, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ cảng hàng không Tân Sơn Nhất đó là tăng cường chuyến bay đêm, điều chỉnh kế hoạch bay vào khung giờ phù hợp với năng lực điều hành hạ tầng giao thông khu vực, sớm đưa ra giải pháp tổng thể, đồng bộ, xây dựng đường vành đai 3 và các dự án khác…
Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thị trường hàng không Việt Nam 5 năm qua phát triển bùng nổ, đặc biệt đường bay Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay nội địa đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ số ghế/km hành khách đứng thứ 24 thế giới, trong khi kết cấu hạ tầng khác thì không bằng.
“Con số khách vận chuyển khách trong năm 2016 vừa qua đã vượt dự kiến hành khách của năm 2020, nguyên nhân là do sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ,” ông Thành nhìn nhận.
Người đứng đầu Vietnam Airlines nhấn mạnh an toàn hàng không là yêu cầu quan trọng và cấp bách trong môi trường sức ép căng thẳng về thời gian hạ tầng hiện nay
“Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đã cho tăng cường lịch bay từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng sau dẫn đến áp lực lên thi công, kỹ thuật, sân bay ùn tắc, tăng cường kiểm tra giám sát. Hãng cam kết đảm bảo an toàn, tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ và khai thác trong thời gian tới,” ông Thành nói.
Cho rằng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch thực hiện đầu tư nhưng còn bất cập, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, quy hoạch cảng hàng không lạc hậu so với kinh tế, dự báo không chính xác dẫn đến quá tải và phải điều chỉnh quy hoạch. Nhiều cảng hàng không đã quá tải đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất cũng luôn trong tình trạng quá tải. Vào những dịp cao điểm lễ, Tết nguy cơ ùn tắc càng nghiêm trọng hơn. |
“Cơ quan quản lý Nhà nước chú trọng đến điều chỉnh quy hoạch, chiến lược để làm cơ sở kế hoạch hóa đầu tư trên cơ sở quy hoạch các cảng hàng không, đường sắt, đường bộ, cảng biển, đường thủy, hàng hải… Từ quy hoạch, xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn trung và dài hạn trên cơ sở nguồn lực Nhà nước và nguồn lực từ xã hội, tránh đầu tư tự phát không theo phong trào, dẫn đến phát triển không bền vững,” Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không. Cảng hàng không nhỏ xây dựng đã quá tải chưa nói đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ùn tắc cả trên không và dưới mặt đất và đường thoát ra bên ngoài. Do đó, Bộ chủ quản phải quy hoạch tổng thể, mở rộng nâng cấp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Riêng với sân bay Tân Sơn Nhất, Phó Thủ tướng yêu cầu ngày 15/1 tới Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ quy hoạch mở rộng nâng cấp cảng hàng không sân bay phải làm thêm 1 đường lăn, 2 nhà ga và sắp xếp lại khu vực các nhà ga đó, tăng hệ thống bến đỗ, đầu tư hệ thống giao thông kết nối bên ngoài chủ yếu dùng vốn xã hội chủ yếu. Sau đó, có kế hoạch để đầu tư xác định rõ các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn nào (vốn Nhà nước và xã hội hóa) để năm 2018 xong đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo an ninh an toàn.
Nhấn mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đặc biệt quan trọng, Phó Thủ tướng cho rằng ngành giao thông phải đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo khả thi sân bay quốc tế Long Thành để sau 2020 đầu tư, năm 2025 đưa vào khai thác, sử dụng./.