Nhiều công nhân tại TP.HCM vẫn chưa tiếp cận được gói hỗ trợ thuê nhà
VOV.VN - Nhiều công nhân lao động đang thuê trọ vẫn chưa biết thông tin nên chưa làm thủ tục xin hỗ trợ; một số doanh nghiệp cũng chưa nắm rõ quy định nên chưa thể hoàn thiện hồ sơ cho người lao động.
Sau gần 1 tháng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 23/5, Bảo hiểm xã hội TP.HCM mới xác nhận cho hơn 21.000 trường hợp , chiếm 2% trong tổng số hơn 1,2 triệu lao động của thành phố thuộc diện được nhận hỗ trợ. Trong khi đó, nhiều công nhân lao động đang thuê trọ trên địa bàn vẫn chưa biết thông tin nên chưa làm thủ tục xin hỗ trợ; một số doanh nghiệp cũng chưa nắm rõ quy định nên chưa thể hoàn thiện hồ sơ cho người lao động.
Chị Nguyễn Thị Thuận, công nhân Công ty TNHH Lecien tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7, TP.HCM) cho biết, cả hai vợ chồng chị đã làm xong thủ tục để nhận gói hỗ trợ khoảng 1 tuần nay. Hai vợ chồng đều có thâm niên nên việc xác nhận khá nhanh chóng, tuy nhiên việc sẽ được nhận tiền hỗ trợ khi nào thì chị Thuận chưa rõ. “Nói chung Nhà nước hỗ trợ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, hơn nữa cũng có nhiều người cần hỗ trợ mà không phải chỉ riêng mình”, chị Thuận bày tỏ.
Còn chị Thu Hiền, làm việc tại công ty may ở quận 6, TP.HCM đến giờ này vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo, hay hướng dẫn nào về gói hỗ trợ cho công nhân thuê trọ, nên cũng không biết sẽ cần những giấy tờ nào. Đến nay chị chỉ được biết thông tin qua báo chí, việc làm thủ tục sẽ khó khăn hơn vì tháng này chị bắt đầu nghỉ thai sản. “Việc hỗ trợ tiền nhà trọ mình có nghe thông tin trên báo, mình cũng có hỏi chủ nhà trọ, nhưng chủ nhà trọ nói cần phải hỏi thêm thông tin từ tổ trưởng”, chị Hiền chia sẻ.
Tại Công ty TNHH May thêu giày An Phước, đơn vị này cho biết đã in sẵn mẫu số 1 để cho công nhân của công ty điền thông tin. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do một số vướng mắc, nhất là việc sàng lọc theo từng mẫu thuộc đối tượng nào.
Ông Đỗ Danh Hiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thêu giày An Phước cho biết, với người dùng mẫu số 3, ở khái niệm quay lại thị trường lao động rất khó xác định. Lấy ví dụ người lao động đó có thể về quê, hết dịch họ quay lại thành phố có thể dễ xử lý, còn trường hợp họ chuyển từ công ty này sang công ty khác, doanh nghiệp cũng khó xác định chính xác. Chưa kể người lao động nhận tiền xong và xin nghỉ việc. Nếu chi sai, công ty sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, chi phí chênh lệch giữa người quay lại thị trường lao động hiện là 1 triệu đồng và người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp là 500.000 đồng cũng chưa hợp lý. Theo ông Hiển, nếu Chính phủ chi mức hỗ trợ cho 2 nhóm đối tượng này bằng nhau thì hợp lý hơn. Bởi theo quy định hiện tại, những người lao động làm việc liên tục trong thời gian dài sẽ phản ứng và công ty chưa biết sẽ phải giải quyết ra sao.
“Những công nhân ở trọ vẫn trả tiền tại nhà trọ do công ty xây, vì họ không biết họ có được hỗ trợ hay không. Mặc dù họ ở trọ và trả tiền hàng tháng nhưng lúc đó chủ trọ là ai, giám đốc hay trong ban giám đốc công ty có ký quyết định hỗ trợ được không, công ty vẫn không biết áp dụng như thế nào”, ông Hiển cũng thắc mắc.
Việc hỗ trợ cho công nhân đang thuê trọ là một chính sách nhân văn, giúp người lao động phần nào giải quyết khó khăn trước mắt nên họ rất mong chờ. Do đó cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn, đẩy nhanh tiến độ để tiền hỗ trợ mau chóng đến tay các đối tượng được thụ hưởng./.