Nhiều dự án nghìn tỉ ở Ninh Bình bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng gây lãng phí

VOV.VN - Nhiều dự án nghìn tỉ ở thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí nguồn lực đất đai và thiệt hại về tiền đầu tư của Nhà nước khiến người dân bức xúc.

Dự án trường học Hoa Lư đầu tư hàng nghìn tỷ bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng

Năm 2011, UBND tỉnh Ninh Bình bắt đầu cho triển khai xây dựng dự án Trường Đại học Hoa Lư và khu ký túc xá sinh viên có tổng mức đầu tư 1.352 tỷ đồng, là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh này, là điểm nhấn trong ươm mầm nhân tài cho vùng đất Cố đô.

Theo thiết kế, dự án có tổng diện tích hơn 25ha, đất thu hồi là khu vực “bờ xôi ruộng mật” nằm trên địa phận xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Riêng việc đầu tư xây mới trường Đại học Hoa Lư “ngốn” 420 tỷ đồng tiền ngân sách, còn khu ký túc xá sinh viên hơn 900 tỷ đồng. 

Dự kiến Trường Đại học Hoa Lư hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2016. Thế nhưng dự án được đầu tư với số tiền hàng nghìn tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước sau nhiều năm mới chỉ xây được căn nhà thô 10 tầng, nhiều hạng mục móng đổ bê tông, dựng cốt thép, cổng, tường rào bao quanh… rồi bỏ phơi mưa, phơi nắng, xuống cấp, biến thành bãi chăn thả trâu bò vô cùng lãng phí khiến người dân rất bức xúc.

Theo ông Trần Văn Tấn (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), nhiều người dân trên địa bàn rất bức xúc, đã nhiều năm liền có ý kiến phản ánh về công trình có tiến độ như “rùa bò” này, nhất là qua các kỳ họp HĐND tỉnh. Cử tri cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và có giải pháp khắc phục nhưng đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”, trách nhiệm của những người có liên quan thì “vẫn chưa thuộc về ai”. 

Khu đất "vàng" đấu giá nhiều lần không thành, bỏ hoang giữa trung tâm TP.Ninh Bình

Bà Trần Thị Mai (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết, đây không phải là dự án lớn đầu tiên tại tỉnh bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đất đai và tiền thuế của người dân mà hiện nay cũng trên địa bàn TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) còn có khu đất “vàng” nghìn tỷ, bỏ hoang.

Cụ thể, theo phóng viên Báo Điện tử VOV tìm hiểu, khu đất "vàng" này nằm ở phía Đông Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Khu đất phía Đông Nhà thi đấu) có tổng diện tích trên 20ha, vị trí vô cùng đắc địa như: Gần Quảng trường Đinh Tiên Hoàng, gần Quốc lộ 10, cạnh sông Đáy...

Từ ngày 15/9/2009, UBND tỉnh Ninh Bình có Quyết định số 1069/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư công trình xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư phía Đông Nhà thi đấu với tổng mức đầu tư 181,175 tỷ đồng.

Đến ngày 17/4/2013, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án đầu tư công trình xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư phía Đông Nhà thi đấu lên 780,363 tỷ đồng tại Quyết định số 270/QĐ-UBND. Trong đó, bao gồm: Xây dựng công viên cây xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng khu đất hỗn hợp, làm tuyến đường từ Trung tâm Hội nghị tỉnh đến đê hữu Đáy, xây dựng cơ sở hạ tầng khu đấu giá quyền sử dụng đất…

Đến nay, hệ thống cơ sở hạ tầng khu đất “vàng” cơ bản được hoàn thiện, từ đường giao thông nội khu, vỉa hè, đến san nền… sẵn sàng đón chào những cư dân về sinh sống. Thế nhưng, hơn chục năm đã qua mà cơ sở hạ tầng khu dân cư hơn 780 tỷ đồng vẫn phải chịu cảnh “phơi sương”, hoang hóa. Thậm chí, nhiều hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Khu đất “vàng” nhiều người mong muốn tới an cư giờ cỏ dại mọc um tùm và là nơi đổ chất thải.

Bà Trần Thị Lan (TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Chúng tôi luôn mong ngóng từng ngày với hy vọng được sở hữu một trong 135 lô đất và thừa hưởng hạ tầng ở đây. Năm 2009,  UBND TP. Ninh Bình đã có Thông báo về việc đấu giá 135 lô đất quy hoạch xây dựng nhà ở tại đây. Sau khi đấu giá, toàn bộ 135 lô đất đều có chủ thế nhưng, chẳng hiểu vì lý do gì, không lâu sau đó, cuộc đấu giá thành công này bị hủy".

Theo bà Lan, đến năm 2020, khu đất “vàng” này được Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản ra Thông báo về việc tổ chức đấu giá tài sản 60 lô đất khu phía Đông Nhà thi đấu. Tuy nhiên ngay sau đó, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản lại có Thông báo về việc tạm dừng cuộc đấu giá khu đất “vàng” này mà không đưa ra bất kỳ lý do thỏa đáng nào cho người dân và những người đã mua hồ sơ tham gia đấu giá.

Ngày 5/1/2023, Thanh tra Chính phủ Quyết định thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai; việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại tỉnh Ninh Bình (thời kỳ 2011-2022). Thời hạn thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế (không kể ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vì sao những dự án nghìn tỉ này vì sao lại bị "bỏ hoang"? công trình xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí nguồn lực đất đai và tiền thuế của người dân.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề nghị tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tồn tại về tài nguyên - môi trường
Đề nghị tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tồn tại về tài nguyên - môi trường

VOV.VN - Qua kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một số tồn tại, sai sót ở tỉnh Ninh Bình.

Đề nghị tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tồn tại về tài nguyên - môi trường

Đề nghị tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tồn tại về tài nguyên - môi trường

VOV.VN - Qua kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một số tồn tại, sai sót ở tỉnh Ninh Bình.