Nhiều gia đình tại TPHCM "ngại" sinh con thứ 2 vì áp lực cuộc sống

VOV.VN - TPHCM đang đối mặt với tình trạng mức sinh rất thấp và đang thấp nhất cả nước. Ngại sinh con là tình trạng chung của nhiều cặp vợ chồng trẻ tại TPHCM hiện nay.

Việc tìm kiếm chính sách hỗ trợ để kích thích mức sinh đang là vấn đề thách thức tại địa bàn có số dân đông nhất cả nước này.

Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chị Trang Nguyễn Phương Thanh, cán bộ chuyên trách dân số kế hoạch hóa gia đình Phường 3, Quận 3, TPHCM lại trăn trở cùng các cộng tác viên lên kế hoạch tiếp cận người dân, tuyên truyền về các chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, khám sàng lọc trước sinh, đặc biệt là vận động khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Tuy nhiên, chị Thanh cho biết, hiện nay tình trạng nhiều vợ chồng trẻ bị cuốn theo cuộc sống vật chất, công việc, chưa chuẩn bị tâm lý sinh con hoặc không có thời gian chăm sóc cho con, nên chỉ dừng lại ở một con. Vì vậy việc tuyên truyền không phải dễ dàng, và  khó tác động đến những người này, nhất là đối với các cặp vợ chồng là dân cư từ nơi khác đến.

“Riêng những nhà mà kinh tế khó khăn thì mình chịu rồi. Không có kinh tế thì người ta không lo nổi là không dám đẻ .Còn những nhà mà nhiều người ngại đẻ chẳng hạn thì đánh vào tâm lý ông, bà để người trong nhà vận động” - chị Thanh nói.

Thực tế cho thấy, ngại sinh con là tình trạng chung của nhiều cặp vợ chồng trẻ tại TPHCM hiện nay. Theo kết quả Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2019, trung bình một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của TPHCM có 1,39 con, hiện ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,09 con. Số liệu từ năm 2000 - 2019 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của TPHCM liên tục giảm. Cụ thể, năm 2000 là 1,76 so với năm 2019 là 1,39. TPHCM hiện đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Theo Ths. Nguyễn Quang Việt Ngân, phó khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, khi số lượng trẻ em sinh ra ít, trong gia đình sẽ có tỉ lệ 4-2-1. Tức là 4 người bao gồm ông bà bên nội và bên ngoại, cùng với bố và mẹ chỉ chăm sóc một đứa trẻ. Nhưng khi những người lớn già đi, thì một đứa trẻ phải chăm sóc cho 6 người, gây nên gánh nặng cho đứa trẻ trong tương lai, về kinh tế, về chăm sóc đỡ đần…

Ths. Ngân cũng cho biết, trong quá trình nghiên cứu cho thấy người dân vẫn thấy áp lực về quy mô dân số TPHCM, coi rằng hiện nay TPHCM quá đông cư dân. Vì vậy truyền thông về việc thiếu nguồn lực lao động trong tương lai rất khó thuyết phục. Đồng thời,  những áp lực xã hội cũng làm cho các cặp vợ chồng trẻ cảm thấy cần tập trung trách nhiệm, kinh tế để chăm sóc tốt nhất cho một người con nên lựa chọn chỉ sinh 1 con. Đây là một thách thức cho các nhà làm chính sách dân số.

“Khó nhất trong việc nâng mức sinh của chính sách tương ứng già hóa dân số tại TPHCM hiện nay không phải người dân không muốn sinh con mà họ cảm thấy sẽ có những áp lực nhất định. Việc sinh 1 người con đối với một số bạn trẻ thì đã đủ trách nhiệm với bạn trẻ rồi nhưng đến khi sinh con thứ 2 thì nó là một sự lựa chọn trong việc về trách nhiệm trong việc chăm sóc con cái, áp lực cuộc sống” - Ths. Ngân cho biết.

Theo ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TPHCM, chính sách dân số năm 2021 – 2025 ưu tiên giải quyết vấn đề mức sinh thấp. Các giải pháp nhằm khuyến sinh được đề xuất như hỗ trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú trên địa bàn TPHCM và cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu thường trú trên địa bàn. Cùng với đó, sẽ thực hiện miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi, ngoài nội dung đã hỗ trợ về định mức học phí của thành phố, đề xuất bổ sung phần chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh; triển khai chương trình sữa học đường…

Ông Trung cho biết, sẽ có các chính sách nâng cao cơ chế cộng đồng, phát động các phong trào thi đua thực hiện chính sách dân số tại các phường xã, có bộ tiêu chí đầy đủ: “Thứ nhất phường đó phải có 75% cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, thứ 2 là đạt các chỉ tiêu về khám sức khỏe trước khi kết hôn. Thứ 3 là đạt và vượt chỉ tiêu về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, cuối cùng là phải kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”.

Việc tăng mức sinh trên địa bàn TPHCM không phải là một sớm một chiều, tuy nhiên, cần tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người dân thành phố thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình sinh đủ hai con”. Quan trọng nhất vẫn là nâng cao đời sống vật chất, chất lượng hệ thống giáo dục và phát huy mạng lưới thăm khám sức khỏe cho bà mẹ mang thai sẽ là động lực để các gia đình yên tâm sinh thêm con./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đây là lý do vì sao người Sài Gòn ngại sinh con thứ 2
Đây là lý do vì sao người Sài Gòn ngại sinh con thứ 2

VOV.VN - Vì muốn tập trung cho công việc, sự nghiệp, mà nhiều cặp vợ chồng ở thành phố thường trì hoãn việc sinh con sau khi kết hôn hoặc ngại sinh con thứ 2. 

Đây là lý do vì sao người Sài Gòn ngại sinh con thứ 2

Đây là lý do vì sao người Sài Gòn ngại sinh con thứ 2

VOV.VN - Vì muốn tập trung cho công việc, sự nghiệp, mà nhiều cặp vợ chồng ở thành phố thường trì hoãn việc sinh con sau khi kết hôn hoặc ngại sinh con thứ 2. 

Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi
Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi

VOV.VN - Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.

Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi

Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi

VOV.VN - Quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi.

Người mẹ bị ung thư di căn não, chấp nhận hôn mê để sinh con
Người mẹ bị ung thư di căn não, chấp nhận hôn mê để sinh con

VOV.VN -Mang thai tuần 28, khối u di căn não khiến chị H. hôn mê, mất trí nhớ nhưng chị vẫn quyết tâm giữ lại sinh linh bé bỏng dù có thể đánh đổi cả mạng sống.

Người mẹ bị ung thư di căn não, chấp nhận hôn mê để sinh con

Người mẹ bị ung thư di căn não, chấp nhận hôn mê để sinh con

VOV.VN -Mang thai tuần 28, khối u di căn não khiến chị H. hôn mê, mất trí nhớ nhưng chị vẫn quyết tâm giữ lại sinh linh bé bỏng dù có thể đánh đổi cả mạng sống.