Nhiều người bị máy tuốt lúa nghiền nát bàn tay, cánh tay
VOV.VN - Bệnh viện Việt Đức vừa qua liên tục tiếp nhận nhiều ca dập nát bàn tay, cánh tay do bị cuốn vào máy gặt, máy tuốt lúa.
Những ngày gần đây, các cơ sở y tế tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn lao động khi đang gặt lúa hoặc vận hành máy tuốt lúa. Chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức, có ngày tiếp nhận 3 ca dập nát bàn tay, cánh tay do bị cuốn vào máy gặt, máy tuốt lúa.
Năm nay, số ca tai nạn lao động như thế này có chiều hướng gia tăng, liên quan đến áp lực thu hoạch lúa tránh bão, lũ.
Bệnh nhân Hoàng Xuân Hà bị cắt gần hết cánh tay vì tai nạn máy tuốt lúa.
Ngày 15/10, tranh thủ ngày nghỉ, anh Hoàng Xuân Hà 24 tuổi ở Đông Hưng, Thái Bình phụ giúp gia đình làm dịch vụ tuốt lúa cho người dân trong xã. Trong lúc bất cẩn, anh bị cuốn cả cánh tay trái vào máy tuốt lúa. Gia đình vội vã đưa bệnh nhân đến bệnh viện huyện sơ cứu, rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện đa khoa Thái Bình trước khi được chuyển đến Bệnh viện Việt Đức vào trưa cùng ngày.
Lên đến Hà Nội, toàn bộ cánh tay trái của bệnh nhân bị mất cảm giác do dập nát, gãy xương cẳng tay và cánh tay, nhiều đoạn mạch máu, thần kinh bị đứt, dập. Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện Việt Đức, khoa Chấn thương chỉnh hình 1 đã phẫu thuật cắt gần hết cánh tay trái cho bệnh nhân và truyền hơn 1 lít máu.
“Trong lúc tôi đang tuốt lúa, bốc lúa lên thì không may cho tay vào sâu quá nên bị cuốn vào. Lúc đó đang chạy bão nên người dân thúc giục nhiều. Tôi không cẩn thận nên đã bị tai nạn”, bệnh nhân Hoàng Xuân Hà cho biết, sau tai nạn này anh phải bỏ nghề thợ may.
Cũng trong ngày 15/10, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận 2 nam bệnh nhân khác đều ở tỉnh Thái Bình bị tai nạn liên quan đến mùa gặt. Đó là một bệnh nhân 22 tuổi bị máy tuốt lúa làm gãy bàn tay phải, hở cả xương cẳng tay. Dù đã được phẫu thuật ghép nối nhưng tiên lượng chức năng vận động sẽ kém. Bệnh nhân còn lại 38 tuổi bị máy gặt lúa cuốn đứt phăng 3 ngón tay tay phải.
“Thứ nhất là phải cận thận, không nên làm việc vội vàng dễ dẫn đến sơ suất. Với các trường hợp tai nạn do máy tuốt lúa hay máy ép mía bị tổn thương các chi, người dân cần ngay lập tức sơ cứu băng ép, cầm máu, vì giai đoạn này bệnh nhân rất dễ sốc dẫn đến tử vong. Tại các cơ sở y tế tuyến dưới, sau khi sơ cứu, trường hợp nặng cần đảm bảo các dấu hiệu sinh tồn để chuyển lên các bệnh viện chuyên khoa tuyến trên xử lý...”, Bác sỹ Nguyễn Văn Học, khoa Chấn thương chỉnh hình 1, Bệnh viện Việt Đức khuyến cáo./.