Nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế ngập nặng, chia cắt

VOV.VN - Hơn một tháng qua, người dân ở vùng rốn lũ huyện Quảng Điền phải chống chọi với 5 đợt lũ liên tiếp. Lũ chồng lũ, hầu hết diện tích rau màu, ao hồ, lồng nuôi cá, tôm của bà con đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Mưa lớn cộng với các hồ thủy lợi, thủy điện xả nước đón lũ nên nhiều vùng thấp trũng ở tỉnh Thừa Thiên Huế lại bị ngập. Trong lúc này, vùng cao cũng bị ngập cục bộ và sạt lở. Người dân tỉnh Thừa Thiên Huế không còn nhớ đây là lần thứ mấy trong mùa mưa bão năm nay phải chạy lũ. Có nơi như vùng trũng huyện Quảng Điền, suốt hơn 1 tháng qua, giao thông vẫn bị chia cắt, người dân phải đi lại bằng ghe thuyền.

Bà Ngô Thị Kim Thành ở thôn Phước Lý, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền than thở, đã hơn một tháng qua, nước tràn vào nhà hơn 1 mét, cả gia đình phải di chuyển lên cao. Hôm nay, nước lại dâng lên, lương thực dự trữ trong nhà đã cạn. Tại xã Quảng Phước hiện vẫn còn nhiều vùng bị ngập sâu, các thôn vùng đầm phá có 700 hộ dân bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, chính quyền địa phương đang nỗ lực giúp dân vượt qua khó khăn. Bà Ngô Thị Kim Thành lo lắng, mưa lũ kéo dài hơn 1 tháng qua khiến đời sống của người dân vô cùng cơ cực: "Học sinh đi học cũng khó khăn, mấy ngày trước thì đi ghe đò. Với lại, người lao động thì không đi làm được. Nói chung, cả tháng ni, trong gia đình không có thu nhập luôn. Đợt ni có hàng cứu trợ thì cũng nhờ hàng cứu trợ thôi chứ cũng không có chi hết. Tiền bạc thì nhà ai cũng không có".

Tại xã Quảng Phước, chính quyền địa phương phải dùng thuyền và ca nô đi cứu trợ mì tôm cho bà con. Ông Nguyễn Chi, một người dân ở thôn Mai Dương, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho biết: mưa lũ kéo dài, bà con ai cũng dự trữ được một ít lương thực, thực phẩm. Những hộ không chủ động dự trữ thì bà con giúp nhau qua cơn lũ, người dân đối mặt với thiếu đói: "Người dân thì cũng khó khăn, cũng cô lập, chừ ở thì ở trong thôn đi quanh trong thôn thôi, chừ không đi mô được hết vì chừ nước lũ lớn. Làm ăn thì không làm được chi hết, làm ruộng với làm hồ tôm. Hồ tôm chừ thì thất thu hết rồi. Rau màu giờ chừ ở trong thôn đây, nhà rau màu mất trắng luôn vì lũ ngâm nhiều ngày quá".

Hơn một tháng qua, người dân ở vùng rốn lũ huyện Quảng Điền phải chống chọi với 5 đợt lũ liên tiếp. Lũ chồng lũ, hầu hết diện tích rau màu, ao hồ, lồng nuôi cá, tôm của bà con đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ở nông thôn nhưng cộng rau cũng không còn, quả chuối nay tìm đỏ mắt cũng không thấy. Riêng những vùng dân cư bị chia cắt bà con đang thiếu lương thực dự trữ. Sáng nay, ở huyện Quảng Điền, nước lũ lại lên nhanh; các hồ thủy điện tiếp tục xã lũ để đón bão số 13. Các hồ thủy điện xả lũ làm cho các xã Quảng Thọ, Quảng Thành, Quảng Phước, Quảng Phú, thị trấn Sịa… bị ngập sâu, nhiều nơi chia cắt, người dân chủ yếu di chuyển bằng ghe thuyền.

Bà Phan Thị Châu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho biết, chính quyền địa phương phải tập trung cứu trợ lương thực đến từng hộ dân: "Sáng hôm nay có 30% gia đình bị ngập lụt, khoảng 700 hộ và 3 hộ đã di dời đến nhà văn hóa để ở. Còn các hộ khác thì di dời từ nhà thấp đến nhà cao. Hiện tại, học sinh trên địa bàn thời gian qua, ở địa bàn Quảng Phước, một tháng rồi học sinh mới đi học trong vòng một tuần trở lại đây hiện nay đã ngập lũ và tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Ở xã có ba thôn thuộc vùng đầm phá bị cô lập, đó là: thôn Hà Đồ, Phước Lập, thôn Lâm Lý và thôn Mai Dương. Phải đi lại bằng ghe thuyền là chủ yếu."

Mấy hôm nay, mưa to trên diện rộng cộng với thủy điện xã lũ khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dâng cao, riêng sông Bồ lên trên mức báo động 3. Hơn 6.500 ngôi nhà bị ngập từ 0,5 đến 1,7m. Nhiều tuyến đường ở trung tâm TP. Huế cũng ngập sâu trong nước gần 0,5m, có nơi sâu hơn khiến cuộc sống và việc buôn bán, kinh doanh của người dân bị đảo lộn.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay, tỉnh đã ban hành các lệnh vận hành các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền, A Lưới và Tả Trạch yêu cầu các chủ hồ đập vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa.

"Mực nước các thủy điện hiện nay ở mức rất cao, cả 3 hồ lớn Hương Điền, Bình Điền và Tả Trạch thì phải giảm mực nước hồ để đón lũ cho đợt sau, bây giờ rất có thế lưu lượng đi sẽ lớn hơn lưu lượng đến mới giảm được mực nước hồ. Giờ chỉ hy vọng là mưa giảm. Theo quy trình thì bắt buộc ở mực nước dâng bình thường mà ở dưới này có báo động đến cấp 2 thì chúng ta phải duy trì đến bằng đi"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thừa Thiên Huế: Nhà tránh lũ giúp dân nghèo an tâm mùa mưa bão
Thừa Thiên Huế: Nhà tránh lũ giúp dân nghèo an tâm mùa mưa bão

VOV.VN - Nhà chống lũ tương đồng, phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan của những người dân ở vùng ven biển, ven đầm phá; đặc biệt vận hành rất an toàn.

Thừa Thiên Huế: Nhà tránh lũ giúp dân nghèo an tâm mùa mưa bão

Thừa Thiên Huế: Nhà tránh lũ giúp dân nghèo an tâm mùa mưa bão

VOV.VN - Nhà chống lũ tương đồng, phù hợp về mặt kiến trúc, cảnh quan của những người dân ở vùng ven biển, ven đầm phá; đặc biệt vận hành rất an toàn.

Người dân Thừa Thiên Huế dùng bao cát, rọ đá gia cố tạm thời bờ biển sạt lở
Người dân Thừa Thiên Huế dùng bao cát, rọ đá gia cố tạm thời bờ biển sạt lở

VOV.VN - Tại bờ biển xã Phú Thuận, chính quyền địa phương huy động người dân gia cố đê bao, đắp hàng chục nghìn bao cát tại các vị trí xâm thực nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân trước bão số 9.

Người dân Thừa Thiên Huế dùng bao cát, rọ đá gia cố tạm thời bờ biển sạt lở

Người dân Thừa Thiên Huế dùng bao cát, rọ đá gia cố tạm thời bờ biển sạt lở

VOV.VN - Tại bờ biển xã Phú Thuận, chính quyền địa phương huy động người dân gia cố đê bao, đắp hàng chục nghìn bao cát tại các vị trí xâm thực nhằm đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân trước bão số 9.

Thừa Thiên Huế phân bổ hàng hóa hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt
Thừa Thiên Huế phân bổ hàng hóa hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt

VOV.VN -Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế phân bổ hàng hóa hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Thừa Thiên Huế phân bổ hàng hóa hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt

VOV.VN -Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thừa Thiên Huế.