Nhiều sinh viên khuyết tật bị… từ chối khéo
VOV.VN - Đa phần sinh viên khuyết tật tại TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn phải vượt qua nhiều rào cản ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như nghề nghiệp tương lai.
Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt hay tham gia các hoạt động cộng đồng mà đa phần sinh viên khuyết tật tại TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn phải vượt qua nhiều rào cản ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như tương lai nghề nghiệp sau này.
Mong muốn vào đại học để có được cuộc sống về sau ổn định hơn nhưng chặng đường tích lũy kiến thức của nhiều sinh viên khuyết tật khá chông chênh do bị nhiều nơi… từ chối khéo.
Người khuyết tật cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để có thể tiếp cận một môi trường giáo dục chất lượng và thân thiện |
Có trường còn yêu cầu nữ sinh này nộp gấp đôi khoản học phí quy định nếu đi học cùng với phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu riêng. Sau nhiều lần xuôi ngược, Tú được nhận vào học tại Trường Đại học Văn Hiến. Thế nhưng, khó khăn vẫn còn đó khi suốt mấy tuần đầu, em không thể hiểu thầy cô nói do nhà trường không có phiên dịch hỗ trợ. Phản ánh liên tục, đến nay, Tú đã được nhà trường bố trí cho một phiên dịch riêng.
Không quá chật vật như Tú nhưng việc tiếp cận môi trường giáo dục với Nguyễn Ngọc Hiệp, sinh viên ngành Quản lý giáo dục Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cũng chẳng mấy dễ dàng. Thường xuyên trễ học do không bắt được xe buýt, mất nhiều thời gian cho việc di chuyển lên lớp học, tiếp thu bài giảng hay nghiên cứu tài liệu là những khó khăn mà nam sinh viên này đang đối mặt hàng ngày.
Người khuyết tật gặp khó khăn trong việc học tập và nghề nghiệp tương lai |
Không riêng gì Hiệp hay Tú mà rất nhiều sinh viên khuyết tật ở nước ta đang gặp phải các rào cản trong quá trình tiếp cận môi trường giáo dục tại giảng đường. Với ba nhóm khuyết tật thường gặp là khiếm thị, khiếm thính và khuyết tật vận động, các sinh viên này cần rất nhiều sự hỗ trợ từ cơ sở vật chất chuyên biệt cho đến tài liệu học tập, nghiên cứu hay các khóa rèn kỹ năng khác. Thế nhưng, họ vẫn chưa có được những chính sách, chương trình hỗ trợ như mong muốn.
Theo ông Lê Hữu Thương, điều phối dự án “Tiếp cận giáo dục dành cho sinh viên khuyết tật” thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD, hiện sinh viên khuyết tật tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang chịu nhiều thiệt thòi do thiếu các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Ngay như một việc đơn giản là bố trí phòng học hợp lý nhằm hạn chế đi lại cho sinh viên khuyết tật, nhiều trường còn chưa quan tâm. Hay như việc cung cấp nguồn tài liệu, môi trường hòa nhập cho các bạn khuyết tật, không phải nơi nào cũng làm tốt. Do vậy, cần sớm có những điều chỉnh để tăng cơ hội tiếp cận giáo dục cho nhóm đối tượng yếu thế này.
Ông Lê Hữu Thương đề xuất: “Đầu tiên, chúng ta phải nói đến vai trò của việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên khuyết tật. Khi sinh viên khuyết tật chọn được ngành nghề phù hợp với khả năng, năng lực cũng như dạng khuyết tật của bản thân sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Khi cơ hội việc làm cao, các em có thể khẳng định được giá trị bản thân, tự tạo thu nhập nuôi sống bản thân và đóng góp phần nào đó cho gia đình. Các trường cũng cần tạo điều kiện để khi đến trường các sinh viên khuyết tật có môi trường hòa nhập thuận lợi như các sinh viên bình thường khác”.
Ông Trần Công Bình, chuyên gia Quan hệ quốc tế của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho rằng, nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần hiệu quả hơn cho các sinh viên khuyết tật để hạn chế những bất cập.
Bên cạnh đó, cộng đồng cũng nên loại bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật nhằm giúp họ thoát khỏi rào cản nặng nề về tâm lý, từng bước hòa nhập tốt. Đến nay, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng theo ông Bình cần xác định giải pháp nào khả thi hoặc cấp bách nhất để giải quyết trước.
Như vậy mới mong sinh viên khuyết tật sớm có thể tiếp cận môi trường giáo dục thân thiện, chất lượng. Ông Bình nhấn mạnh: “Nhà trường, thầy cô giáo cũng như cộng đồng cố gắng hỗ trợ giúp các em sinh viên khuyết tật có các điều kiện học tập thuận lợi nhất. Đó là các hỗ trợ về chi phí học tập, dụng cụ học tập hay các chương trình, nội dung học tập, làm sao để các em tiếp cận một cách thuận tiện nhất so với các dạng khiếm khuyết của bản thân”.
Bên cạnh một môi trường giáo dục thân thiện, các sinh viên khuyết tật cần có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm, cọ xát thực tế để thực hành kiến thức đã học. Tuy nhiên, mong muốn này không dễ gì thực hiện trong điều kiện hiện nay. Vì vậy, họ mong rằng sẽ có thêm nhiều chương trình kết nối giữa trường đại học, các trung tâm hỗ trợ và doanh nghiệp nhằm tạo ra nhiều cơ hội thực tập, kiến tập cũng như tăng nguồn việc làm cho sinh viên khuyết tật sau khi tốt nghiệp./.