Nhiều sinh viên tìm việc thời vụ cuối năm
VOV.VN - Thời điểm gần Tết Nguyên đán rơi đúng vào thời gian sinh viên sắp hoàn thành xong học kỳ I nên nhiều sinh viên tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập.
Thời điểm này, việc mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền bắt đầu nhộn nhịp. Do đó nhiều doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị thông báo tuyển dụng nhân viên làm việc thêm theo giờ.
Công ty tuyển dụng sinh viên làm theo giờ trong những ngày gần Tết. |
Công việc được các cửa hàng tuyển dụng nhiều vào thời điểm này là bán hàng, bảo vệ, vận chuyển hàng theo giờ, đóng gói sản phẩm... Mức lương phổ biến từ 20 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/giờ. Những nơi thu hút đông sinh viên đến làm thêm trong những ngày này thường là quán cà phê, chạy bàn, bảo vệ, bán hàng cho các cửa hàng quần áo, giầy dép...
Do công việc phù hợp lại không cần nhiều kinh nghiệm nên khá nhiều sinh viên lựa chọn để làm thêm. Nguyễn Quang Hiếu, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội cho biết: “Em đi bán hàng, công việc làm theo giờ, làm 3 tiếng buổi tối thì cũng được 100 nghìn đồng. Em thấy việc làm thêm này thì một phần cũng có thêm kinh nghiệm một phần được trải nghiệm ở ngoài đời và có thêm một chút kinh tế để giúp gia đình. Những ngày gần Tết thì công việc có nhiều hơn, mức tiền cũng nhiều hơn, thời gian làm lại ngắn. Ở lớp cũng có khá nhiều bạn đi làm thêm bán hàng ở những trung tâm thương mại, trông xe”.
Năm nay, nhiều sinh viên đã có kinh nghiệm đi xin việc để tránh bị lừa. Tuy nhiên một số trung tâm, công ty “ma” nắm bắt được tâm lý của sinh viên mong muốn kiếm việc làm để có thêm thu nhập trong dịp Tết, nhất là sinh viên hoàn cảnh khó khăn vẫn tung ra những thông tin tuyển dụng hấp dẫn như: “Cần tuyển gấp nhân viên bán hàng 200 nghìn đồng/ca, cộng với doanh thu bán”, "tư vấn khách hàng, phát sản phẩm bánh kẹo không cần kinh nghiệm"... Không ít sinh viên chưa tìm hiểu kỹ đã đến nộp hồ sơ và đặt tiền cọc, nhưng khi thử việc được một, hai ngày, thấy không phù hợp như giới thiệu ban đầu nên tự ý thôi việc thì bị trừ đi 50% đến 70% tiền đặt cọc, thậm chí có trường hợp mất trắng.
Để tránh bị lừa khi đi xin việc làm trong những ngày gần Tết này, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) khuyến cáo: “Để tránh bị lừa, mất tiền oan trong khi đi tìm việc làm, các bạn sinh viên hãy đến với những trung tâm việc làm của Sở Lao động, của nhà nước các bạn có thể đến đấy tìm việc làm và miễn phí hoàn toàn từ khâu tư vấn về cách chuẩn bị hồ sơ xin việc, tư vấn về kỹ năng tham dự phỏng vấn làm sao cho hiệu quả, được miễn phí. Sau khi tìm được việc làm có việc làm rồi các bạn cũng miễn phí hoàn toàn. Tránh những nơi mà người ta nói là lương cao công việc nhàn, phải nghĩ ngay lại tại vì không có gì là không tương xứng với nhau cả. Khi người ta đưa những chiêu trò hấp dẫn, những công việc rất hấp dẫn như vậy nên suy nghĩ lại”.
Đi làm thêm trong dịp Tết đối với sinh viên không chỉ là kiếm thêm thu nhập mà còn là dịp để học hỏi kinh nghiệm trong việc ứng xử, giao tiếp. Nhiều bạn trẻ coi đây là môi trường để trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống sau này./.