Sau khi chia hướng, đoàn công tác nhỏ của tôi có 5 người. Không một ai là chưa từng chảy nước mắt trong những ngày tác nghiệp tại TP.HCM.

Ngày nào tôi cũng gõ một vài dòng nhật ký. Có những ngày mệt quá, tôi chỉ gõ được vài dòng chắp vá, để không quên về những gì diễn ra.

Đây là không phải là một chuyến đi siêu phàm. Vì so với nhân viên y tế, những gì tôi cống hiến chỉ là con cá nhỏ bơi giữa đại dương. Đây chỉ là phần việc mà những người làm nghề như tôi cần làm, cần học.

Được chứng kiến, kể lại một thời kỳ lịch sử của đất nước và an toàn trở về có lẽ là điều may mắn lớn nhất mà tuổi 26 của tôi có được.

1/9/2021 - 30/9/2021

TP.HCM, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

Hôm nay là tròn một năm tôi được tuyển vào Đài. Hôm nay cũng là ngày đoàn công tác lên đường vào Nam.

Buổi tối đoàn nghỉ lại ở Nha Trang. Tôi ngước lên trời để tìm chòm sao cái gáo, chòm Bắc đẩu. Một anh trong đoàn chỉ tôi cách nhìn sao để phân hướng.

Cả đoàn đứng trước biển, người nói chuyện, người trầm ngâm, người nhìn trời trăng, mây gió. Chẳng biết ngày mai vào đến TP.HCM, vào đến điểm đỏ rồi thì chúng tôi còn có được những giây phút như thế này hay không nữa?

“Khẩu trang này (vải) là không được. Bắt đầu từ đây, mọi thứ thay đổi rồi, bảo hộ kỹ càng” - Anh trưởng đoàn dặn mấy đứa trước cửa ngõ vào thành phố.

Đoàn xe lao vun vút vào địa phận TP.HCM, chiếc đài nhỏ bỗng nhảy lời bài hát:

“No more champagne

And the fireworks are through

Here we are, me and you

Feeling lost and feeling blue”

Tạm dịch:
"Không còn rượu sâm panh nữa
Và pháo hoa cũng đã tắt rồi
Chỉ còn chúng ta ở đây, bạn và tôi
Cảm thấy mất mát và buồn bã"

Trong mắt tôi chưa bao giờ “thành phố không ngủ” lại im lìm như thế.

Dây cảnh báo vằn trắng đỏ căng kín mọi ngõ ngách. Vài người dân kê dép ngồi bệt trước cửa, người đeo khẩu trang, người không. Có tốp thì to nhỏ với nhau điều gì đó. Có tốp thì chỉ ngồi im, thất thần nhìn nhau. Họ đang mong muốn và chờ đợi điều gì?

Một phụ nữ ngồi ở đầu ngõ để đợi các đoàn phát đồ từ thiện.

“Đó nhà đó, hai chị em COVID, em đi cách ly giờ chết rồi. Đang xách đồ về cúng đó”

“Nhà ông ấy nữa, vợ chết vì COVID, giờ còn nợ tiền hòm*”

Tôi không kìm được lòng mà bật khóc: “Tại sao? Tại sao? Tại sao ông trời lại thách thức những con người nhỏ bé này nhiều như vậy?”

*Hòm, tức quan tài. Ý người dân muốn chỉ chi phí mai táng.

Nợ tiền mai táng sau khi gia đình có người mất vì COVID-19 là một hiện tượng khá phổ biến trong các xóm lao động nghèo tại TP.HCM. Riêng xóm nhỏ này có 6 ca chết vì COVID-19, 6 ban thờ vẫn còn đang nghi ngút khói. Còn F0 đã nhiễm, đã khỏi thì tay tôi không đủ để đếm xuể. Cộng dồn các chi phí (cúng bái, bồi dưỡng người gom xác do có yếu tố lây nhiễm,…) tiền mai táng cho một ca tử vong vì COVID-19 có thể lên tới 20 - 30 triệu đồng.

Còn người là còn của. Người mất thì còn lại gì? Còn nợ.

Chị Nguyễn Thị Hậu (SN 1970), quê ở An Giang, là công nhân môi trường thuê nhà trong con hẻm này. Chị đang xách đồ để cúng em gái vừa mới mất vì COVID-19.
Click vào ảnh để xem bài gốc: Vợ mất vì COVID-19, chồng còn 1 triệu đồng trong túi và khoản nợ chưa trả

Đứng trước cửa, nghe một gia đình có 8 người là F0 phàn nàn:

- Chị có dấu hiệu như thế nào?

- Sốt nhẹ thôi nhưng đầu lưỡi tôi bị tê tê.

Thầm nghĩ, chẳng biết đến bao giờ thì chúng tôi gia nhập vào đội quân F0 của thành phố.

Chiếc biển F0 gắn trước cổng mỗi gia đình có người nhiễm bệnh.

Lần đầu tiên vào ICU - tức đơn vị điều trị tích cực, hiểu đơn giản: nơi tiếp nhận và điều trị những ca nhiễm COVID-19 nặng nhất. Bất kể ai ra vào khu vực này đều được phát cho một bộ đồ bảo hộ cấp 4.

Đứng giữa viện dã chiến, chứng kiến những bệnh nhân trần truồng và bất tỉnh. Tôi hoảng sợ. Dường như có một thế giới khác bên ngoài tấm kính và lớp đồ bảo hộ mà mình đang mặc. Nơi mà nồng độ virus vô cùng đậm đặc, nơi mà chốc chốc lại có một người mất.

Lan - chị đồng nghiệp hơn tôi 3 tuổi, vẫy tay, gọi tôi đi chụp ảnh. Tôi ngoác tạm dây máy lên vai, cho đỡ rơi và đỡ run.

Click vào ảnh để xem bài gốc: COVID-19: Ngón tay cái, biểu tượng của sự sống

Thêm một đêm trằn trọc. Tôi trở mình liên tục trong tiếng gõ máy lạch cạch của Lan. Mồ hôi lạnh túa ra khắp người. Tôi hâm hẩm nóng và tê đầu lưỡi.

Thôi chết rồi! Anh/chị có dấu hiệu rồi!” là những câu nói quen thuộc nhất tôi được nghe từ các thành viên trong đoàn. Thế rồi mấy đứa mang cái tâm thế thon thót ấy đi test COVID-19. Mấy anh lấy mẫu dặn nếu chiều không thấy gọi thì yên tâm, còn thấy gọi thì chuẩn bị có đoàn đến rước.

Chiều hôm ấy, tôi lại được nhiều số lạ gọi.

Khi chụp tấm này, tôi luôn nghĩ tới bức The Creation of Adam - tạm dịch: Sự tạo dựng Adam, nên tôi đặt tên tấm này là: The Creation of COVID-19 - Sự tạo dựng COVID-19.

Lúc thấy hai đứa đứng vật vã vì mệt, một chị điều dưỡng kéo ghế cho chúng tôi ngồi. Tôi tranh thủ hỏi chuyện luyên thuyên, hỏi nhà, hỏi cửa, hỏi đến hai đứa con thì chị mếu máo.

Ai cũng biết là mặc đồ bảo hộ nóng, ai cũng biết là mặc đồ bảo hộ thì không thể đi vệ sinh hay uống nước được. Nhưng đến khi nói chuyện với chị mình mới nhận ra, à, mặc đồ bảo hộ thì không thể lau nước mắt được. Chị chỉ có thể đợi cho nước mắt tự khô.

Chuyện này làm cho tôi buồn.

Lúc chúng tôi bước ra cổng bệnh viện dã chiến 16 là gần 0:30. "Đêm trắng ở ICU" đã ra đời như vậy đấy.

Trong ICU, bệnh viện dã chiến số 16 không có cửa sổ, không có ánh sáng tự nhiên. Đèn điện, quạt, máy thở được bật 24/7. Nếu không có mấy cái đồng hồ treo trên tường, thì chẳng  ai có thể phân biệt ngày và đêm.

Đồng hồ để xem giờ, đồng hồ để vào/ra ca và đồng hồ để xác định thời điểm tử vong của bệnh nhân.

Mấy phòng có bệnh nhân nặng, phòng nào cũng treo đồng hồ.

Chuyện cũ, nhưng ngày hôm nay mới thấm.

Đang loay hoay giữa một rừng bệnh nhân nặng, tôi bỗng phát hiện ra một chiếc giường trống. Giường trống trong bệnh viện không lạ, nhưng giường trống trong ICU ở thời điểm này là lạ. Tay lẩy bẩy, tôi lấy tay khều Lan, thầm thì qua tấm chắn bảo hộ: “Hỏi hộ em, có phải kia là giường của bệnh nhân vừa mất không?

Vào một đêm khác, đêm mà hai chị em nhìn thấy nhân viên y tế bọc xác 2 bệnh nhân chuyển ra khỏi bệnh viện, tôi vỗ vai Lan an ủi: “Đừng sợ, đừng sợ”.

Và rồi những chuỗi ngày tỉnh giấc vào lúc 3 giờ sáng của tôi bắt đầu.

Rủ các anh, chị VTC cùng quay lại xóm nhỏ để làm về hiện tượng người dân nợ tiền mai táng. Cũng có anh chị hỏi sao không giữ làm tin độc quyền?

Là một người làm báo, tôi có thích tin độc quyền không? Có, đương nhiên là rất thích. Nhưng so với việc cùng dùng truyền thông để tạo ra tiếng nói của những người nhỏ bé, bảo vệ lợi ích của cộng đồng thì tôi thích vế sau hơn.

Thực tế, khi được anh chị VTC gật đầu cái rụp, tôi còn mừng hú hồn hú vía.

- Tôi phải lựa chọn bệnh nhân nào được thở oxy… bệnh nhân nào không được thở oxy….Mà không được thở thì đồng nghĩa là chết…Đó là một quyết định rất khó khăn…. Nhưng tôi vẫn phải làm…. Tôi không muốn nhớ nữa, tôi muốn quên đi - Vị bác sỹ già thổn thức khi nhớ lại giai đoạn bệnh viện thiếu oxy trầm trọng.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy ranh giới đạo đức trong nghề lại mong manh như thế. Tôi cứ dùng những câu hỏi như thế mà gợi nhớ những thứ mà vị bác sĩ già muốn quên.

Trước khi hỏi, tôi có xin phép bác “có lẽ câu hỏi này sẽ làm bác rất buồn, nhưng nếu có thể, con muốn được nghe bác nói về một thời khắc lịch sử của đất nước.”

Nhưng hình như, thế vẫn là chưa đủ.

Trước khi đi làm, mọi người cũng hay hỏi nhau:

- Hôm nay Uyên làm gì?

- Đòi nợ ạ.

- Hết COVID, phải cho đi mở công ty đòi nợ thuê.

Sau nhiều ngày liên lạc thì hôm nay quận đã phản hồi về hiện tượng người dân nợ tiền mai táng và chính sách hỗ trợ của TP. Quận sẽ tạm ứng để chi trả.

Đây là một hành trình khá dài. Tôi đều đặn nghe điện thoại của người dân, gần như hàng ngày. Có ngày trên dưới chục cuộc. Có ngày phát cáu. Có ngày thì sợ và áy náy. Có ngày thì nghĩ, có lẽ không làm được rồi.

Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến ánh mắt đỏ hoe của chú Đô: “Chúng tôi chẳng biết nhờ ai, chỉ biết nhờ cô”.

Chính chú là một phụ hồ thất nghiệp, nhà chẳng có ai mất vì COVID-19. Chú chỉ cố hỏi cho mấy người hàng xóm.

Cập nhật: Vào ngày đầu tiên tôi về Hà Nội, thấy chú Đô lại gọi, như thường lệ:

Hôm nay, phường mang tiền hòm cho bà con rồi cô ạ. Cảm ơn Đài, cảm ơn cô.

Nhiều lúc cứ bị cuốn theo những thứ lặt nhặt mà quên mất mình đang làm một nghề danh dự như thế nào.

Click vào ảnh để xem bài gốc: Vì sao quận 7 chậm chuyển tiền hỗ trợ mai táng người dân mất vì Covid-19?

Thành phố đổ mưa tầm tã. Hôm nay là một ngày vất vả với anh Dương, chạy từ quận 7 sang quận 3 rồi lại lộn về quận 2. Đứa thì đòi đi dã chiến 16, đứa thì đòi sang UBND, đứa thì đòi vào cụm viện dã chiến tầng 2.

Vô tình, “No more champagne” lại được bật lên chỉ tiếc là chưa sang câu thứ 2 đã bị anh tắt cái bụp: “Thôi thôi”.

Dịch COVID-19 đã khiến cho một người đàn ông lạnh lùng với ABBA như vậy đấy.

Mưa hắt từng đợt đổ lên hiên nhà. Tròn trĩnh nửa tháng tiếp xúc với COVID-19. Chúng mình bắt đầu mệt mỏi và chai sạn cảm xúc. Có khi, con bọ bay qua cũng thấy không vừa ý.

Hệ luỵ là viết không còn dồi dào như trước. Chỉ duy những giấc ngủ là vẫn đứt gãy như thế.

- Không ạ! Em không vào ICU nữa đâu ạ!

Sau tối mà hai chị em nhìn thấy xe đẩy xác bệnh nhân. Mỗi lần Lan chớm nở ý tưởng vào ICU, tôi đều phản đối như thế như thế.

Đúng là thùng rỗng thì thường kêu to. Còn Lan thì chẳng kêu ca bao giờ. Lan nhỏ người, ít nói, làm gì cũng điềm đạm và kiên định. Đợi tôi nguôi ngoai, sáng hôm ấy Lan lại dẫn tôi vào ICU.

Lan tác nghiệp trong bệnh viện nhiều đến nỗi chị Thu phải gọi Lan là thường trú ICU.

Những lúc thấy căng thẳng, khó khăn hay đơn giản là cạn kiệt cảm xúc, tôi thường nghe bài hát có lời như thế này:

“I am not going to lie to you, this has been a hard year

....

Waiting on a miracle"

Tạm dịch:

"Tôi sẽ không nói dối bạn đâu, đây là một năm khó nhọc

....

"Chờ đợi một phép màu"

2021 là một năm khó khăn với hơn 90 triệu người dân Việt Nam, với không ít người đây còn là khoảnh khắc của mất mát, của tột cùng đau thương. Là một người chứng kiến và kể thời khắc lịch sử này, tôi cứ khắc khoải đợi một phép màu.

Khác với Lan, chị Thu nói nhiều. Chị là người nhà Đài duy nhất mà tôi biết khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chị cũng là người góp ý cho bút danh mà tôi dùng từ ngày chập chững đi thực tập.

Chị cá tính và thỉnh thoảng nóng tính. Chị say nghề hơn say...rượu.

Tối nay là một tối hiếm hoi, ba chị em không ai đi viện, không ai đi họp mà ở nhà ngồi xem phim với nhau.

Mic của chị Thu.

Thành phố mới cho phép người dân "vùng xanh" ra công viên tập thể dục được mấy ngày. Tối nay tôi cũng rón rén đeo giày, chạy một vòng quanh khu nhà. Tôi chạy không giỏi, nhưng thích chạy (không chạy được thì đi bộ.)

Đường vẫn vắng hoe. Mãi tôi mới bắt gặp một em bé được bố mẹ cho ra đường rước đèn Trung Thu sớm. Tôi giả vờ dọa một tí là em vội chạy tọt, rúc vào lòng mẹ. Những ngày này được nhìn trẻ con ra đường sao mà thấy ấm áp và tràn trề hi vọng thế.

Cuộc đời tôi may mắn được gặp nhiều người phụ nữ giỏi giang. Tôi hay gọi các chị là "chị Xinh Đẹp". Có chị từng mở trường suốt dọc dài Nam Bắc, dịch thì trường phải đóng cửa, chị về làm nội trợ, ngày nấu tới 4 - 5 bữa. Có chị từng "đanh thép" ở nghị trường, giờ không còn là "bà nghị", chị có thời gian ngược xuôi với những chuyến xe, tiếp tế bánh mỳ và nước đưa đón người dân về quê từ vùng dịch (Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền)… Các chị đều là những người phụ nữ màu sắc và truyền rất nhiều cảm hứng cho người khác.

Chuyến đi này, tôi lại biết thêm một chị Xinh Đẹp nữa. Chị ủng hộ mô hình: "Ai F0 cứ F0, ai làm việc cứ làm việc." Tôi nhận được cả những ý kiến trái chiều khi viết bài này. Nhưng đây vẫn là một mô hình sống được, hoạt động được trong thời điểm dịch bùng phát, vậy nên, với tôi, đây là một chuyện đáng bàn.

Đẩy bài lên trang, dạ dày tôi lại đau âm ỉ.

Click vào ảnh để xem bài gốc: Người phụ nữ xây dựng 8 bệnh viện dã chiến: COVID-19 là một cơ hội "bắt buộc"

Tôi ngửa cổ nhìn lên trời để tìm trăng thì một hạt mưa rơi trúng vào mặt. Hôm nay là 16 tháng 8 âm lịch. Đoàn chia tốp, 3 chị em được lệnh vào Kiên Giang. Trung Thu năm nay không có đèn, không có trăng. COVID-19 khiến bánh nướng, bánh dẻo bỗng trở thành hàng khan hiếm. Tôi chạy dọc mấy cửa hàng gần nhà mà không kiếm đâu ra được một cái.

Thôi thì xuống Kiên Giang, mua bánh pía tiễn Trung Thu cho đúng điệu.

Vậy là 3 chị có một buổi Trung Thu mà vừa ăn bánh pía vừa kỳ cạch gõ máy tính.

Bà là F0, có con gái là F1 vào viện chăm sóc. Tôi cứ khoăn mãi, bao giờ thì chị ấy thành F0? Lúc bà ấy tỉnh dậy, thấy tôi lăng xăng cạnh giường, tưởng là bác sỹ, bà thều thào hỏi:

- Ông nhà tôi…thế nào rồi?

Tiếng miền Nam, bà lại mệt, tôi nghe mãi mới ra:

- Ông…không nói được. Nằm…tầng 2.

Chị con gái chen thêm:

- Ba chị là F0, cũng nằm đây. Ông bị tai biến, không nói được, không liên lạc được. Các tầng không đi lại với nhau được. Giờ không biết tình hình ra làm sao.

Tôi ngây ra một lúc:

- Ông khoẻ lắm bà ạ. Ông đỡ rồi, bà cứ yên tâm. Ông khoẻ nhiều lắm rồi, còn sắp được ra viện đến nơi rồi. Bà cứ yên tâm.

Bấm bụng, chỉ cầu rằng ông qua khỏi, chỉ cầu rằng, những lời nói vội vàng của tôi không phải là những lời nói dối tai hại.

Click vào ảnh để xem bài gốc: F1 vào viện chăm sóc F0, chấp nhận nguy cơ lây nhiễm

Tôi không phải là một tay máy chuyên nghiệp, chỉ đủ chỉnh vài thông số Manual của Nikon. Tuy nhiên chưa một lần nào tôi căn được ISO chuẩn trong ICU, lần thì loá, lần thì tối. Bố cục cũng loạn. Tôi tự hỏi, tại sao lại như vậy, hay do mình mất bình tĩnh quá.

ICU và bệnh viện tỉnh càng làm tôi bối rối hơn nữa. Khu vực này được cải tạo từ một cơ sở cũ của tỉnh, nên cái gì cũng ngổn ngang, ẩm mốc. Ánh đèn led thiên xanh không đủ làm sáng bức tường đã đổ nát và cánh cửa kéo hoen gỉ. ISO có kéo lên bao nhiêu nữa thì vẫn có cảm giác tối tăm, ảm đạm.

Nhân viên y tế ra chào cả đoàn, mỗi người đeo chồng 3 cái khẩu trang y tế, chẳng biết mua ở đâu ra nữa.

Anh Dũng là bác sỹ đầu tiên dẫn anh Lương, chị Thu và tôi đi gặp F0 bằng xương, bằng thịt. Tôi vẫn nhớ, lúc chụp ảnh tôi còn run như cầy sấy.

Tự dưng hôm nay anh nhắn tin hỏi thăm hai chị em. Anh Dũng là bác sỹ quân y, cũng từ ngoài Bắc tăng cường vào. “Trở thành F0 thì có gì là đáng sợ” rồi anh hỉ hả mời mấy đứa ăn lương khô quân đội, loại mà cắn mạnh là đau răng đấy.

Click vào ảnh để xem bài gốc: Hành trình đưa F0 vào viện cấp cứu của một bác sĩ ở TP.HCM

Hôm nay là sinh nhật tôi. Hôm nay tôi tròn 26 tuổi.

Tôi phải đi tới 3 cửa hàng mới mua được vài chai bia Corona (một loại bia của Mexico) để ăn mừng sinh nhật. Corona trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là vương miện, vật này là biểu tượng của nhãn hiệu bia. Virus gây bệnh COVID-19 được gọi là virus Corona bởi cũng có hình dáng giống vương miện.

Tôi nghĩ thế là đủ. Nhưng anh chị tôi thì không nghĩ thế: "Phải tìm cho Uyên một cái bánh kem"

Để có được chiếc bánh kem ấy, chị Thu đã phải gọi bao nhiêu cuộc điện thoại, anh Dương phải đi bao con phố và chị Lý - thường trú VOV tại TP.HCM phải hỗ trợ.

Vậy là tôi đón sinh nhất tuổi 26 giữa tâm dịch TP. HCM với bia Corona và một chiếc bánh kem màu hồng.

- Cả gia đình tôi đã mắc kẹt ở đây 4 tháng, còn nợ cả nguyên 4 tháng tiền trọ. Giờ chỉ cần sắp xếp cho tôi về quê thôi là tôi đội ơn lắm rồi - bà Tươi òa khóc. Bà là lao động tự do, cả nhà từ Cà Mau lên TP.HCM làm thuê từ nhiều năm trước.

Đa phần các hộ gia đình trong khu vực này đều là lao động nhập cư, lao động phổ thông, làm nghề tự do và gần như ai cũng nợ tiền trọ. Rất nhiều người trong số họ chưa nhận được một đồng nào từ gói hỗ trợ lần 1 và lần 2. Gia đình bà Tươi cũng vậy. Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là bà chỉ nằng nặc xin về quê, không hỏi gì về các gói hỗ trợ.

Click vào ảnh để xem bài gốc: TP.HCM triển khai gói an sinh xã hội lần 3, nhiều người dân vẫn chưa nhận được lần 1

Sáng nay dọn tủ lạnh thấy quả ổi được cho từ…đầu tháng.

Hôm ấy tôi đi làm về mệt. Tôi với anh Dương cố tìm nhanh ít đồ tươi để về nấu. Vợ chồng anh bán hàng hỏi gì cũng trả lời cũng rất qua quýt. Khi thấy tôi nói là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam từ ngoài Hà Nội vào đưa tin chống dịch thì anh tươi cười:

- VOV à, VOV thì cho cái này.

Anh dúi vào tay tôi một túi ổi.

Hôm nay anh chị lên ô tô về trước. Đoàn tôi có 5 người thì có 6 cá tính. Thỉnh thoảng chúng tôi lại lục đục. Lục đục từ chuyện bài vở tới chuyện cọng rau, con cá.

Nhưng không có những con người ấy, chắc chắn tôi không thể đặt chân vào ICU, chắc chắn tôi không có đủ can đảm đuổi theo F0, chắc chắn tôi không thể đến biên giới…. chắc chắn có nhiều điều một mình tôi không bao giờ làm được.

Đêm qua, tôi gần như thức trắng. Tôi gõ những dòng này vào một sớm thiếu ngủ. Chuyến bay thương mại mà tôi đặt mấy hôm trước đã bị báo huỷ. Giờ mới thấm thía phần nào cảm giác bơ vơ, bứt rứt của những người công nhân tháo chạy khi thành phố lần đầu phong toả.

Đêm đến, tôi gác đầu vào thành cửa sổ, nhìn lên trời để tìm chòm sao cái gáo: Nếu mắc kẹt ở đây, mình sẽ làm gì tiếp nhỉ?

Tôi được xếp bay công vụ. Gần 6 giờ tối, máy bay hạ độ cao, tôi lờ mờ nhìn thấy sông Hồng, thấy mái nhà nhỏ, trong lòng vui mừng không kìm được mà bật tiếng ríu rít: “Xin chào Hà Nội! Xin chào Hà Nội!

Tôi rời HCM vào ngày thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Lần đầu tiên trong 4 tháng, những hàng rào sắt lần lượt được cất gọn, thành phố không còn giấy đi đường, không còn chốt kiểm soát.

Lúc kéo valy xuống sảnh khách sạn, tôi có chút quyến luyến:

"Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn."

Xin chào Sài Gòn!


Trích nhật ký Thi Uyên - phóng viên tăng cường của Đài Tiếng nói Việt Nam trong tâm dịch COVID-19 TP.HCM

Thứ Năm, 05:00, 14/10/2021